18/08/2015 00:10 GMT+7

​Cây trồng biến đổi gene: Hãy để nông dân lựa chọn

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Đừng quá lo lắng về cây trồng biến đổi gene mà hãy tiếp cận vấn đề ở khía cạnh nông dân có thêm một lựa chọn và hãy để họ có quyền lựa chọn cây trồng nào sẽ mang lại giá trị kinh tế cao nhất.

Sau nhiều năm cân nhắc, cuối cùng, cơ quan chức năng Việt Nam cũng đã cho phép trồng loại cây biến đổi gene (GMO) trên diện rộng. Tuy nhiên, cũng như các nước khác, hiện nay dư luận vẫn chia thành hai phía ủng hộ và không ủng hộ cây trồng biến đổi gene.

Một trong những lý do để nhiều người vẫn quan ngại, đó là việc cho trồng cây trồng biến đổi gene sẽ khiến người dân phụ thuộc vào những công ty sản xuất giống, ở Việt Nam là 2 công ty Monsanto và Syngenta.

Theo Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, trước đây, Việt Nam chỉ trồng các giống ngô thuần - tức là người dân sau vụ thu hoạch có thể để giống cho vụ sau, còn hiện giờ trên thị trường đã xuất hiện giống lai của các công ty nước ngoài. Vì vậy, nhiều người tỏ ra lo ngại những công ty có vốn đầu tư nước ngoài này sẽ chiếm hết thị phần ngô giống trên thị trường.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuất (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), thực tế, việc phải đứng trước “sức ép” từ các công ty nước ngoài buộc các công ty trong nước phải đẩy mạnh nghiên cứu giống ngô lai để cạnh tranh với họ.

hinh-1-1439865578.jpg

Hiện Viện Nghiên cứu ngô đang chiếm 40% thị phần giống ngô lai. Đây là mặt tích cực trong câu chuyện giống ngô lai ở Việt Nam.

Giống ngô lai thường có năng suất cao hơn giống thuần. Tuy nhiên, ngô lai không để giống cho vụ sau được. Do đó, trước mỗi vụ mới, nông dân phải mua giống từ các công ty mà không thể chủ động nguồn giống như trồng giống ngô thuần.

Ở nước ta, vấn đề trồng cây gì, nuôi con gì trên mảnh đất của mình với nông dân vẫn là "bài toán" đang cần lời giải hiệu quả.

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 124/QĐ-TTg về quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp đến 2020, tầm nhìn 2030, trong đó chỉ rõ diện tích từng loại cây trồng cụ thể là bao nhiêu.

Tuy nhiên, hiện tại nhiều diện tích cây trồng đang vượt quy hoạch. Theo đó, gần như diện tích trồng cao su, hồ tiêu, sắn (khoai mì), cà phê hiện nay đều vượt quy hoạch. Sản phẩm nào không có giá, người dân sẽ loại bỏ để trồng cây trồng khác.

Đối với cây ngô biến đổi gene cũng vậy, dù Bộ NN&PTNT đã cho phép trồng trên diện rộng, song sau khi trồng ngô lai, nông dân sẽ so sánh với giống ngô thuần và giống nào mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn (thị trường trả giá cao) họ sẽ chọn trồng giống đó.

Phó Giáo sư Ngô Thị Xuyên (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, hiện chúng ta đã cho trồng giống ngô chống sâu đục thân, nhưng không phải ngô ở địa phương nào cũng bị thiệt hại do sâu đục thân. Vì thế, sau khi tính toán, sẽ có những địa phương chọn trồng giống ngô biến đổi gene kháng đục thân, song ở địa phương khác, nơi không bị thiệt hại nhiều do sâu đục thân, họ sẽ trồng giống ngô thích hợp xét trên khía cạnh kinh tế, thị trường.

Theo một số chuyên gia, đừng quá lo lắng về cây trồng biến đổi gene mà hãy tiếp cận ở khía cạnh là nông dân có thêm một lựa chọn và hãy để họ có quyền lựa chọn cây trồng mà họ cho là sẽ mang lại giá trị kinh tế cao nhất.

Nhà nước chỉ cần có chính sách đúng và đã có. Vấn đề còn lại, hãy để nông dân quyết định.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên