25/12/2004 10:52 GMT+7

Cây ngàn năm tuổi?

TRỌNG PHÚ - TUẤN PHÙNG
TRỌNG PHÚ - TUẤN PHÙNG

TTCN - Hơn sáu thế kỷ có mặt trên mảnh đất Bắc Giang, đến nay “dã đại vương” (cây dã lớn nhất nước) không chỉ thiêng liêng trong tâm linh người dân thôn Giữa mà còn là mối quan tâm của các nhà khoa học do những đặc tính quí hiếm và giá trị lịch sử của nó...

c3KyGXXp.jpgPhóng to
Du khách tới thăm gốc cây đa
TTCN - Hơn sáu thế kỷ có mặt trên mảnh đất Bắc Giang, đến nay “dã đại vương” (cây dã lớn nhất nước) không chỉ thiêng liêng trong tâm linh người dân thôn Giữa mà còn là mối quan tâm của các nhà khoa học do những đặc tính quí hiếm và giá trị lịch sử của nó...

Gốc cây xù xì to bằng tám sải tay người lớn, tán xanh rợp trời cao xấp xỉ tòa nhà chục tầng. Đến nay người quanh vùng vẫn chưa ai biết chính xác cây dã hương đại thụ ở thôn Giữa, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) này có từ khi nào. Chỉ biết trong ngọc phả của làng có ghi lại rằng: Vào đời vua Cảnh Hưng, cây đã nhận được sắc phong của vua ban tặng là “quốc chúa đô mộc dã đại vương” (tức cây dã lớn nhất nước). Sau này bộ từ điển bách khoa Larousse của Pháp cũng xếp cây dã hương (Bắc Giang) là một trong những cây dã hương lâu đời nhất thế giới...

Nghìn thu in dấu tích

Cây đại thụ dã hương uy nghi tọa lạc trên vùng đất trống ngay sau ngôi đình Viễn Sơn cổ kính, rêu phong. Dân làng quen gọi nó bằng cái tên dân dã và gần gũi: gốc dã. Rợp bóng phủ mái đình, hàng trăm năm qua cây dã đã chứng kiến không biết bao nhiêu những ngày hội làng, đình đám, bao dấu tích, thăng trầm của ngôi làng. Buổi trưa hè nóng nực, người dân trong thôn quây quần dưới bóng cây chuyện trò, hóng mát. Những đêm trăng thanh, gốc dã lại là nơi những đôi nam nữ yêu đương, hò hẹn, tâm tình. Không một người thôn Giữa nào lại không gắn bó với gốc dã. Tuổi thơ thì trèo cây bắt chim đuổi sáo, hay lấy vỏ sò đục một lỗ vào vỏ cây, chờ cho nhựa chảy ra rồi đưa vào miệng cái nước ngọt, thơm và hơi cay cay ấy. Lớn lên đi bốn phương trời, khi chết cũng lại quay đầu về gốc dã. Gắn bó từ bao đời và đến giờ trong tâm thức của mình, người địa phương vẫn coi gốc dã là một vật rất thiêng liêng, là một thứ không thể tách rời với xóm làng và quê hương. Có lẽ vì thế mà ngày nay địa danh thôn Giữa bắt nguồn từ việc đọc chệch âm “dã” mà ra.

Cụ Sử, người cao tuổi nhất thôn (ngoài 80 tuổi), nhà ngay gốc dã, cho biết: “Khi lứa chúng tôi còn là những cậu bé mặc quần thủng đáy hay trèo cây dã bắt chim, bắt sáo thì cây đã lớn từng ấy rồi. Đời cụ tôi, đời ông tôi rồi đời tôi cây chẳng thay đổi gì nhiều”.

Trải bao thăng trầm lịch sử, chứng tích về một thời đất nước bị kẻ thù xâm lăng giày xéo vẫn còn hằn dấu trên thân cây. Khoát tay chỉ vào một lỗ hổng một người chui lọt bên gốc cây, cụ Sử bảo: Năm đó mặc cho dân làng phản ứng, một vị quan ba (Pháp) cho lính vác cưa cưa mất một cành để lấy gỗ làm thánh giá cho mấy nhà thờ ở Bắc Ninh. Vết cưa có đường kính gần 1m, nhựa ứa đầy, tỏa tinh dầu thơm khắp làng mấy tuần không ngớt. Cây liền sẹo nhưng vết cưa đã thành lỗ hổng... Rồi một năm quân Pháp kéo về làng tập bắn, một quả đại bác lao trúng gốc cây, thế là cây dã lại chịu thêm một vết thương - một lỗ hổng trống hoác nằm dưới cùng của gốc cây.

lkJq0ZTg.jpgPhóng to
Ruột cây dã bị rỗng khủng khiếp
Trong lịch sử cũng có một vài lần khác cành dã bị gãy mà đến nay vẫn còn dấu tích cũ ở thôn Giữa. Người làng đã đem gỗ của những cành gãy để sửa đình và làm cầu ao. Hiện nay vẫn còn hai khúc gỗ lớn của những cành dã bị gãy ở trong làng. Một khối đường kính khoảng 0,8m, dài 2m, kê làm cầu ao đầu thôn. Một khối khác dài 2m, đường kính 1,2m đặt làm bậc cầu ao ở hồ cá các cụ.

Cành gãy lại liền, bao đời qua cây vẫn bám chặt vào mảnh đất Tiên Lục sống vững vàng, hiên ngang như một chứng nhân lịch sử của làng quê. Các cụ cao niên cho hay đã có rất nhiều cây to trong thôn bị sét đánh gãy gục khi trời dông bão, nhưng cây dã chưa từng chịu một lưỡi tầm sét nào trong những cơn giận dữ của Thiên lôi. Thế mà đã có lần cây lại suýt chết vì khói lửa của con người. Năm 1983, trẻ con đốt lửa sưởi ở hốc rễ, tàn lửa len vào lỗ hổng của rễ, âm ỉ cháy vào thân cây. Mấy ngày sau khói bốc lên tận ngọn, mùi tinh dầu cháy thơm lừng tỏa khắp một vùng, đánh thức cả làng. Nửa đêm báo động, hai xe cảnh sát chữa cháy hút gần cạn nước ao đình mới dập tắt được lửa và cả làng xúm lại lấy đất màu đắp điếm mới cứu được cây.

Đi tìm tuổi cho cây

PGS-TS Vũ Quang Mạnh là một trong những người thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về bảo tồn “dã đại vương” của Trung tâm Đa dạng sinh học, ĐH Sư phạm Hà Nội. Từ ông, những thông tin về cây dã dưới góc độ khoa học dần dần hé lộ.

PGS-TS Vũ Quang Mạnh cho biết có nguồn tin cho rằng cây dã này chính là cây gỗ được giới thiệu cùng địa danh Bắc Giang. Lần đầu tiên nó được nêu tên trong cuốn Việt lược sử cổ nhất của nước Việt. Nếu đúng như thế thì đây là một trong vài cây quí hiếm thuộc loại này còn sót lại trên thế giới.

Tuy nhiên, để khẳng định những giá trị lịch sử và khoa học, từ năm 2000 đoàn khảo sát liên ngành của Trung tâm Đa dạng sinh học (ĐH Sư phạm Hà Nội), Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện Công nghệ sinh học, Viện Điều tra qui hoạch rừng đã nhiều lần đến điều tra thực địa về cây dã hương theo đề nghị của Sở Khoa học - công nghệ và tài nguyên môi trường tỉnh Bắc Giang. Đoàn khảo sát xác định cây dã hương cao 30m, đường kính 2,59m, chu vi 11m này có chứa tinh dầu khắp các bộ phận, từ thân, rễ, lá cây. Tất cả đều ngát mùi hương dầu giống như mùi dầu long não. Hình thái của cây cũng mang nhiều đặc điểm giống cây long não nhưng chất camphor chứa trong lá cây lại lớn hơn so với thành phần chất này có trong lá cây long não. Đặc biệt, rễ cây có chứa tiền chất safrol là thành phần rất có giá trị đang được tìm kiếm để khai thác phục vụ y dược, hóa mỹ phẩm, thực phẩm và chế biến thuốc trừ sâu, thảo dược. Bằng phương pháp khoan tăng trưởng xác định vòng tuổi, các nhà khoa học đã xác định cây có 649 năm tuổi.

Mở rộng phạm vi tìm kiếm, đoàn khảo sát phát hiện có thêm hai cây loại này, một ở Lạng Giang, một ở Yên Thế (đều thuộc Bắc Giang) nhưng tuổi tác và độ lớn đều kém xa “dã đại vương”. Điều ngạc nhiên là từ trước tới nay trong điều tra hệ thực vật VN chưa từng phát hiện thấy cây long não lâu năm trong các thảm rừng tự nhiên, mà chỉ thấy loài cây ở các khu dân cư và có độ tuổi trên dưới 100 năm (phần lớn do người Pháp trồng).

Vì vậy, cây dã hương Tiên Lục không thể do người Pháp đưa vào, đây là cây cổ thụ mọc ở vùng rất lâu đời, vốn là rừng núi hoang sơ. Hiện nay, cơ sở khoa học về nguồn gốc từ nam Trung Hoa hay Ấn Độ (đây là vùng phân bố chính của cây thuộc họ long não) của cây dã hương do những dòng người di cư trong các biến cố lịch sử mang tới đang được các nhà khoa học quan tâm với mong muốn hé mở được nhiều vấn đề.

Nguồn gốc phát sinh, phát triển của cây dã hương lần đầu tiên phát hiện tại Bắc Giang vẫn đang là giả thiết, có thể nó nằm trong sự di cư của hệ thực vật từ nam Trung Hoa xuống. Bước đầu các nhà khoa học xác định cây dã hương này thuộc loài long não, có tên khoa học là Cinnamomum Comphora. Theo PGS-TS Vũ Quang Mạnh, đây là một trong những cây lâu đời và quí hiếm còn lại trên thế giới. Ngoài cây dã hương ở Bắc Giang, người ta cũng chỉ mới biết đến một cây tương tự (về độ tuổi) tại Ấn Độ.

Dự án cứu “dã đại vương”

Sau trận cháy lịch sử năm 1983, cây dã vốn đã cỗi lại bị mối gặm nhấm toàn thân. Những loài mối có nguồn gốc từ lớp đất mượn, do dân làng đắp để cứu cây thoát khỏi họa lửa đã ăn rỗng rễ, thân, thậm chí cả cành cây. Tuy những loại mối này chỉ ăn những phần gỗ mục, lớp mùn trong rễ, song hiện giờ toàn bộ phần thân cây dã đã rỗng gần hết, chỗ rỗng ấy đủ cho 8 - 9 người lớn chui vào được.

Cành lá cây cũng bắt đầu héo hon so với trước. Người thôn Giữa sắp mất đi một vật thể thiêng liêng, thân thuộc bao đời. Đúng khi ấy (năm 2000), các nhà khoa học thuộc Trung tâm Đa dạng sinh học, ĐH Sư phạm Hà Nội đã lặn lội về đây nghiên cứu và tìm biện pháp bảo tồn cây dã. Những nghiên cứu tổng hợp về điều kiện sinh thái, môi trường đất đai nơi cây sống, cung cấp chất dinh dưỡng và lưu trữ nguồn gen của cây cũng được tiến hành. Tránh sử dụng hóa chất diệt mối có thể gây hại cho cây, các nhà khoa học đã thả vào cây mười con tắc kè để chúng bắt mối.

Sau lần về thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải, một dự án với nguồn vốn 2,6 tỉ đồng được UBND tỉnh Bắc Giang và UBND huyện Lạng Giang xây dựng và triển khai để bảo vệ “dã đại vương”. Dự án bao gồm các hạng mục: tiếp tục biện pháp chống mối cho cây, xây tường rào bảo vệ, tôn tạo và tu bổ đình Viễn Sơn và một số di tích trong vùng nhằm đưa xã Tiên Lục thành một điểm du lịch gắn với cụm di tích lịch sử Xương Giang và căn cứ địa Yên Thế của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Đến nay dự án đã hoàn thiện được gần 1,5km đường bêtông dẫn vào gốc dã, tu sửa các di tích đình chùa quanh xã. Cổng, tường bao xen hoa quanh gốc dã cũng đã thành hình hài.

TRỌNG PHÚ - TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên