Cây làm giàu
Để phát huy tiềm năng thế mạnh về cây chè đặc sản, hiện thành phố Thái Nguyên đã quy hoạch, mở rộng vùng chè Tân Cương gồm các xã phía Tây như Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân với tổng diện tích khoảng 1.300 ha chè; trong đó chè kinh doanh hơn 1.000 ha, sản lượng trung bình khoảng 14.000 tấn/năm.
Tại huyện Đại Từ, nông dân các xã chuyên canh cây chè như Hùng Sơn, La Bằng, Phú Thịnh, Phú Xuyên... đã nâng diện tích chè lên hơn 5.400 ha, chủ yếu là các giống chè mới, chất lượng cao, cho sản lượng gần 50.000 tấn/năm.
Từ nghề làm chè, tỉnh Thái Nguyên đã có hơn 30 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, xuất khẩu chè, hơn 80 làng nghề sản xuất, chế biến chè được công nhận và 23 hợp tác xã sản xuất chè.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thái Nguyên, đến hết năm 2014, tổng diện tích chè toàn tỉnh là hơn 20.700 ha, trong đó diện tích chè cho sản phẩm là 17.618 ha với năng suất bình quân đạt 109,4 tạ/ha; diện tích chè trồng mới và trồng lại trên 1.700 ha.
Một số vùng chè đặc sản như Tân Cương, Phúc Xuân (thành phố Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Trại Cài (Minh Lập, Đồng Hỷ), Tức Tranh (Phú Lương)... đã sản xuất một số sản phẩm chè cao cấp có giá trị cao với mức giá từ 600.000-2.500.000 đồng/kg chè búp khô, được thị trường tiêu thụ khá ổn định.
Nâng cao giá trị và phát triển bền vững
Trong mục tiêu phát triển cây chè đến năm 2015, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đưa năng suất chè búp tươi đạt 120 tạ/ha, sản lượng đạt 200.000 tấn chè búp tươi/năm; 100% diện tích chè tại các vùng sản xuất chè tập trung đáp ứng yêu cầu sản xuất an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP).
Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng dự án riêng về phát triển cây chè với mức đầu tư trong 3 năm qua hơn 80 tỷ đồng, chủ yếu phục vụ việc quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng chè an toàn, đầu tư cho thay thế giống...
Cùng với sự hưởng ứng tích cực và nguồn vốn tự đầu tư của người làm chè, đến thời điểm này, nhiều mục tiêu của dự án phát triển cây chè đã cơ bản hoàn thành.
Tuy vậy, thực tế việc phát triển cây chè ở Thái Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là việc diện tích chè sản xuất theo quy trình VietGAP còn thấp, hiện toàn tỉnh mới có trên 350ha chè được cấp chứng nhận VietGAP.
Việc đầu tư phát triển cây chè, nghề làm chè phần lớn mang tính tự phát, chưa thu hút được nhiều nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất, đặc biệt là đầu tư vào chế biến, xuất khẩu sản phẩm chè Thái Nguyên.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chè chưa thực sự quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất các mặt hàng đặc thù tương xứng với giá trị cây chè Thái Nguyên nên giá chè nguyên liệu xuất khẩu chỉ đạt từ 2,2 - 3,2 USD/kg.
Việc tổ chức quản lý nhãn hiệu tập thể "chè Thái Nguyên" còn lỏng lẻo, thiếu đồng bộ, chưa có sự kiểm soát chặt chẽ.
Vì vậy, việc quan trọng nhất đó là quy hoạch vùng sản xuất chè nguyên liệu an toàn đến năm 2020 gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ chè Thái Nguyên; xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ doanh nghiệp trong và ngoài nước chế biến chè công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên, mở rộng diện tích sản xuất chè chất lượng, an toàn có chứng nhận VietGAP.
Riêng trong năm tới, Thái Nguyên tập trung hỗ trợ phát triển chè ở các huyện còn tiềm năng như Phú Bình, Võ Nhai, cải tạo vườn chè cũ, chè già năng suất thấp và tiếp tục quảng bá thương hiệu chè Thái Nguyên ra các tỉnh trong cả nước cũng như các thị trường tiêu thụ chè chủ lực trên thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận