Trường đoạn "Lão Hạc bán cậu Vàng" trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy (1982)
Rất hiếm khi, chúng ta mới được chứng kiến việc hầu hết cư dân mạng đều đồng tình cho rằng chọn chó Shiba Inu của Nhật Bản đóng cậu Vàng của lão Hạc là lựa chọn sai lầm.
Bất chấp tranh cãi khiến nhà sản xuất nhận nhiều chỉ trích, người ta vẫn phải thừa nhận rằng: thông tin về chú chó Shiba Inu (cũng có tên Vàng) nhận vai cậu Vàng khiến bộ cùng tên của đạo diễn nhận thu hút sự chú ý lớn từ dư luận.
Shiba Inu không những là chó Nhật, mà còn là một trong những giống chó quý nhất Nhật Bản. Khi nhập vào Việt Nam, đây được coi là loại chó "nhà giàu", đắt tiền, cần được chăm bẵm cẩn thận.
Giá giống chó này trên thị trường, ở độ tuổi sung mãn nhất và có giống tốt, mã đẹp là khoảng từ 20 đến 45 triệu đồng. Thậm chí, những giống tốt nhất còn có thể lên đến 100 triệu đồng.
Trong khi đó, trong văn hoá Việt Nam, cậu Vàng trong Lão Hạc của nhà văn Nam Cao nổi tiếng là chú chó nhà nghèo, bị bán đi một cách thương tâm vì chủ túng quẫn, không nuôi nổi. Câu nói "Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!" của lão Hạc đã trở nên kinh điển trong văn học.
Ngoại hình các con chó casting vai cậu Vàng khá đa dạng do không có hình mẫu chuẩn nào về nhân vật này - Ảnh: LƯU CƯỜNG
Chính vì vậy, từ lâu, hình tượng cậu Vàng nghèo khổ, đói khát và có lẽ là còm cõi, bệnh tật đã "đóng đinh" trong lòng công chúng Việt Nam. Ngược lại, chú chó Shiba được chọn có ngoại hình "tròn trĩnh, bầu bĩnh" của sự đủ đầy.
Hơn nữa, trong hình dung của họ, chú nhất thiết phải là một giống chó thuần Việt. Vì một lý do đơn giản, người nghèo như lão Hạc làm sao có tiền nuôi chó đắt đỏ? "Nếu chọn Shiba đóng cậu Vàng thì nên chọn Tom Cruise, Leonardo DiCaprio đóng lão Hạc luôn đi" là một ví von mỉa mai lựa chọn này.
Nhưng, điều cần bàn là điện ảnh chưa bao giờ bị ép buộc phải phản ánh quá chính xác về thực tế. Người ta thường nhắc về độ "chân thực" của điện ảnh, nhưng không có nghĩa là đạo diễn buộc phải bê nguyên những thứ xảy ra trong thực tế vào phim.
Sự "chân thực" đó đến từ quá trình chọn lọc, mô phỏng và cách điệu từ thực tế sao cho khán giả đồng cảm và rung động.
Và trái khoáy nhưng rất hợp lý là để đạt được độ "chân thực" về hình ảnh, có thể diễn viên phải trải qua khâu hoá trang công phu, giúp họ mang dáng vẻ của nhân vật chứ không phải là họ ngoài đời. Với con người đã là như vậy, với một chú chó, điều này lại càng cần thiết nếu xét về hạn chế diễn xuất.
Cậu Vàng trong Làng Vũ Đại ngày ấy được khen thuần Việt nhưng không phải là vai chính, không được quay cận cảnh và không có nhiều đất diễn - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH
Hơn nữa, cậu Vàng chưa bao giờ là một chú chó có thật. Chú là hình tượng văn học đóng đinh trong lòng độc giả nhiều thế hệ, từng được đưa lên màn ảnh trong bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy (1982) của đạo diễn Phạm Văn Khoa.
Một nhóm khá đông khán giả cho rằng, chú chó trong phim này là giống thuần Việt lại có diễn xuất ổn, nên đây mới là "hình ảnh chuẩn" về cậu Vàng.
Trong Làng Vũ Đại ngày ấy, cậu Vàng không phải là nhân vật chủ đạo, chỉ xuất hiện trong 2 cảnh ngắn trong tuyến truyện về lão Hạc (cố nhà văn Kim Lân thủ vai). Chú chó này diễn khá đạt trong cảnh bị lão Hạc lừa ăn cơm để bọn khách bắt đi.
Còn trước đó, trong cảnh lão Hạc dỗ dành cậu Vàng, máy quay lại đặt ở sau lưng con chó, thẳng vào mặt lão Hạc, khiến khán giả không nhìn được biểu cảm của con chó.
Trong khi đó, ở phim Cậu Vàng mới này, vai cậu Vàng được khẳng định là vai chính, đòi hỏi tìm kiếm diễn viên công phu hơn rất nhiều. Khán giả có thể hình dung trước là đất diễn của con chó cũng rất nhiều, có cảnh cận hoặc đặc tả.
Một trong những chú chó khác đến casting vai cậu Vàng - Ảnh: LƯU CƯỜNG
Thế nhưng, trên thực tế, không có hình tượng nào là chuẩn chỉnh về một nhân vật hư cấu. Các thế hệ đạo diễn sau vẫn luôn được mở cửa để sáng tạo, thêm bớt, thay đổi và đưa ra trước công chúng một hình tượng của riêng họ. Thậm chí, họ có quyền không bám sát nguyên tác mà đổi mới hoàn toàn, miễn là thuyết phục được công chúng. Còn không, đó là phiên bản thất bại.
Và chắc chắn, không thể nào buộc nhân vật trong phim sản xuất năm 2019 phải giống hệt nhân vật đó trong phim sản xuất năm 1982. Sự "quen thuộc" hay "chuẩn chỉnh" đôi khi là cảm nhận cá nhân của mỗi người, được họ áp đặt vào nhân vật vì hình ảnh đó gắn với ký ức tuổi thơ của họ.
Hiện tại, trên mạng đang có lời đồn thổi nhà sản xuất chuẩn bị sẵn và huấn luyện từ lâu một chú chó khác phù hợp hơn chú chó giống Shiba Inu để đóng vai cậu Vàng. Tin đồn này chưa được kiểm chứng.
"Đoàn làm phim không có tâm chăm chút dù đây là nhân vật chủ chốt. Thay vì chịu khó tự đi tìm chó thì họ lấy lý do trong số chó đến casting chỉ có con này phù hợp. Chứng tỏ phim làm dạng ăn liền, không quan tâm tiểu tiết", khán giả Lung Linh bình luận trên fanpage của phim Cậu Vàng.
Lời bình luận này có chính xác hay không, chỉ có thể đợi thời gian trả lời.
Truyện ngắn nổi tiếng Lão Hạc của nhà văn Nam Cao đang được chuyển thể thành phim điện ảnh có tên Cậu Vàng. Bộ phim do cố NSND Bùi Cường biên kịch, con rể ông là Trần Vũ Thủy làm đạo diễn với mong muốn hoàn thành dự án tâm huyết tri ân cố nhà văn Nam Cao.
Ngay sau khi nhà sản xuất đưa ra thông báo đã tìm được diễn viên chính là một chú chó cũng tên Vàng, vừa tròn hai tuổi, thuộc giống chó Shiba Inu vốn là giống chó quý của Nhật Bản, thông tin này đã nhận về những phản ứng trái chiều từ khán giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận