15/12/2004 00:05 GMT+7

Cầu Rạch Chiếc ngày ấy

TRẦN HỮU NGƯ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
TRẦN HỮU NGƯ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

TT - Ba mươi năm. Cầu Rạch Chiếc, ngày ấy... 30 năm, thời gian đã đủ để một đứa bé mới sinh ra từ đó trưởng thành, và một người thanh niên như tôi hôm nay thấy trong lòng mình buồn hiu hắt vì chớm có những “ngọn gió heo may” nhè nhẹ thổi về!

Bài tham dự cuộc thi viết ngắn "Sài Gòn - TP.HCM: kỷ niệm không quên"

xYnjaXZC.jpgPhóng to
TT - Ba mươi năm. Cầu Rạch Chiếc, ngày ấy... 30 năm, thời gian đã đủ để một đứa bé mới sinh ra từ đó trưởng thành, và một người thanh niên như tôi hôm nay thấy trong lòng mình buồn hiu hắt vì chớm có những “ngọn gió heo may” nhè nhẹ thổi về!

30-4, cũng từ những ngày ấy, nếu nói theo “nhân sinh” thì cuộc sống của tôi đã đổi đời, còn nói về “nhân sự” thì tôi là “kẻ chiến bại” thất thểu trong bộ đồ thường phục, giã từ dĩ vãng trở về Sài Gòn trong nỗi sợ mông lung...Con đường Long Khánh - Sài Gòn như dài thêm ra... Hai bên đường quân trang, quân dụng của những người lính chế độ Sài Gòn vứt đầy đường. Lẫn trong gió có mùi tử khí, lẫn trong nắng có những cuộn khói đen bay vô định, và lẫn trong tôi là những mệt mỏi rã rời.Tôi trở về Sài Gòn đúng vào ngày 30-4-1975. Tháng nào cũng về thăm nhà, nhưng sự trở về lần này trong tôi có điều chi khang khác. Hồi hộp, lo âu... và cái gì đang chờ đợi tôi ở phía trước?Cửa ngõ phía đông Sài Gòn, giữa hai bờ sinh tử có một chứng nhân “không biết nói” đó là cầu Rạch Chiếc. Nơi đây có biết bao người ngã xuống, dù người ở bên này hay người ở bên kia, và cầu Rạch Chiếc vẫn đưa được những đoàn quân giải phóng tiến về Sài Gòn, mặc dù chiếc cầu phải oằn lưng gánh chịu những chướng ngại vật do chế độ Sài Gòn dựng lên trong những giờ phút thoi thóp hòng ngăn bước tiến của “Việt cộng”.Cầu Rạch Chiếc, ngày ấy... đối với tôi sẽ mãi mãi không quên. Mà quên làm sao được, nếu không có những chướng ngại vật (tôi đã mất khá nhiều thời gian mới len lỏi được qua cầu) thì tôi đã được về với gia đình sớm hơn để thuyết phục những người thân không nên vượt biên.

Vì gần 30 năm chiến tranh, với sự đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ mà dân miền Bắc vẫn sống được thì cớ gì hòa bình rồi, thống nhất rồi mà phải bỏ quê hương ra đi trong lúc gia đình ta ở Sài Gòn chưa một lần nếm mùi chiến tranh?Tôi về đến nhà, thấy cửa khép hờ, vội bước vào... tất cả đều vắng lặng. Một tờ giấy xé vội trong tập vở học trò để trên bàn với nét chữ chưa ráo mực: “Chờ cậu không được, phải đi thôi. Nếu không thì lỡ chuyến.

Chúc cậu ở lại bình an...”. Đó là nét chữ của đứa cháu trai mà trước đây, trong lần về phép sau cùng, tôi hứa với nó rằng mai mốt hòa bình cậu sẽ dẫn cháu về thăm quê ngoại.Gia đình tôi rõ ràng chỉ vừa mới rời khỏi căn nhà này, vì trên bàn thờ cây nhang mới cháy một nửa. Trước sự ra đi đột ngột ấy làm tôi hụt hẫng và linh tính mách bảo tôi rằng đây là cuộc tử biệt chứ không phải sinh ly!Một năm, hai năm, ba năm rồi nhiều năm, những người vượt biên trở về thăm quê. Riêng tôi vẫn chờ đợi, ngóng trông tin tức gia đình, vẫn nuôi niềm hi vọng một ngày nào đó những người thân của tôi trở về. Nhưng năm tháng vẫn lạnh lùng trôi qua...30 năm qua rồi. Viết lại những dòng chữ này tôi mới nghiệm ra rằng cuộc đời có nhiều điều vô lý nhưng nó vẫn được tồn tại, như điều vô lý của gia đình tôi không chết trong chiến tranh, lại chết trong hòa bình.Hôm nay, mỗi khi có dịp đi qua cầu Rạch Chiếc, kỷ niệm trong tôi lại hiện về. Rạch Chiếc vẫn còn đó với hai mùa mưa nắng và trong thâm tâm tôi vẫn còn oán hận những chướng ngại vật trên cầu, vì nếu không có nó thì tôi đã về kịp để ngăn chặn sự ra đi của những người thân.Vết thương trong tôi nhức nhối mỗi khi nghĩ đến hình ảnh đứa cháu trai vĩnh viễn không có được dù chỉ một ngày về thăm quê ngoại.

TRẦN HỮU NGƯ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên