25/08/2013 07:53 GMT+7

Câu lạc bộ thoát nghèo của ông Thứ

SƠN BÌNH
SƠN BÌNH

TT - Ngoài việc khám chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo, quanh năm làm thiện nguyện, ông còn sáng lập câu lạc bộ cựu chiến binh thoát nghèo điển hình của tỉnh...

dcBU0tYd.jpgPhóng to
Ông Thứ (thứ hai từ phải sang) thường xuyên thăm hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cho những hộ đang lên kế hoạch thoát nghèo - Ảnh: Sơn Bình

Ông tên Trần Văn Thứ, năm nay 63 tuổi, lương y nổi tiếng xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Bao năm qua, phòng khám nơi ông làm việc mỗi ngày tiếp hàng chục bệnh nhân nghèo cần chữa bệnh miễn phí.

Lương y thiện nguyện

Quá giờ cơm trưa mà trán ông còn rịn mồ hôi do liên tục bắt mạch chẩn đoán, bốc thuốc. Bà Phạm Thị Xây (ngụ ấp Phú Đông 1) nói rằng ông Thứ là ân nhân của bà nhiều năm qua. Mỗi lần đau bệnh bà đều nhờ ông giúp từng thang thuốc, gạo muối sống qua ngày.

Trong số bệnh nhân có đứa trẻ mới 2-3 tuổi được cha dẫn đến cứ bập bẹ nói “cảm ơn ông ngoại”. Cha của đứa trẻ giải thích lúc sinh ra đến giờ, cháu được ông Thứ khám chữa bệnh miễn phí. Như biết ơn, cha mẹ dạy cho cháu gọi là “ông ngoại” khi bắt đầu tập nói.

Trong ngăn tủ của “ông ngoại” này, không thiếu những lá thư gửi về của nhiều đứa trẻ được ông gửi tiền nuôi ăn học ở trung tâm bảo trợ. Đặc điểm chung là cách xưng trong thư đều gọi ông là cha với những lời lẽ hàm ơn.

Phòng khám của ông không thiếu những cán bộ hưu trí, người cao tuổi của xã, huyện. Ông Lê Văn Thanh, phó chủ tịch Hội cựu chiến binh xã An Định, nói: “Tôi cứ nghĩ đơn giản là ông tốt bụng như nhiều người khác. Nhưng khi hiểu nhau lâu năm, tôi mới rõ những điều ông làm quá sức tưởng tượng của mình. Nhìn hơn 100 bằng khen các loại của ông mới hiểu được lòng tốt đó”.

Theo nhẩm tính của ông Thanh, nhiều năm qua ông Thứ đã khám bệnh miễn phí cho gia đình chính sách, dân nghèo hàng ngàn lượt.

Ngoài bốc thuốc tại phòng khám, ông thường xuyên thân hành đến nhiều nơi để khám bệnh, tặng quà cho người nghèo mọi nơi với kinh phí hàng tỉ đồng. Những người bệnh nặng quá khả năng chữa trị, ông sẵn lòng giới thiệu, phụ tiền cho họ lên tuyến trên tiếp tục điều trị.

Ông Trần Văn Bốn, hội viên Hội cựu chiến binh xã An Định, tuy lớn tuổi nhưng luôn gọi ông Thứ bằng “bố”. Ông Bốn nói biết ông Thứ làm việc thiện hơn 30 năm, từ cái thời ông Thứ còn là nông dân nghèo khó.

“Hồi đó mọi người đã gọi là “ông Thứ nghĩa hiệp” bởi ai gặp khó là ổng giúp, có cái gì ổng cho cái đó” - ông Bốn nhớ lại. Sau này, chính ông Bốn tham gia cùng ông Thứ làm thiện nguyện nhiều nơi.

Gần đây, ông Thứ vận động 2 tỉ đồng cho huyện Bình Đại xây cầu, nhà tình thương, mua gạo cho người nghèo. Ông Thứ cũng tặng riêng hội cựu chiến binh các xã trên địa bàn huyện những dàn máy vi tính để cán bộ nắm thông tin. Ngay khi người dân xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh cần xây cầu, ông vận động ngay 50 triệu đồng cấp cho họ.

“Nghe người ta bị cháy nhà, ổng cũng lặn lội hàng chục cây số mua mùng mền, gạo muối, xây nhà mới cho người ta. Dù tuổi cao sức yếu, dịp tết năm 2011 thay vì ở nhà vui chơi cùng con cháu, ổng rủ tôi mang quà cùng đi khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo ở tận tỉnh Bình Thuận” - ông Bốn kể.

Món nợ ân tình

Là thiếu úy quân đội trong những năm kháng chiến, ông Thứ nhớ như in nhiều đồng đội hi sinh để cho mình có cuộc sống an bình hôm nay. Nhìn đồng đội thuở nào sống khó khổ, năm 2010 ông đã lập ra “Câu lạc bộ cựu chiến binh giúp nhau thoát nghèo”. Chính quyền địa phương ủng hộ bầu ông làm chủ nhiệm. Nhờ cách làm tận tâm, câu lạc bộ nhanh chóng xóa nghèo cho 15 hộ chỉ sau hơn hai năm hoạt động.

Ông Trần Văn Hết (55 tuổi, ngụ ấp Phú Đông 1) kể rằng sau khi nhập ngũ chiến đấu vùng biên giới Tây Nam, ông về Bến Tre lập gia đình.

Do cuộc sống khó khăn, vợ chồng ông cùng hai con lên Sài Gòn làm thuê sinh sống. Gia đình chắt chiu được ít tiền thì con trai ông bị bệnh phải bán hết tài sản để điều trị.

Không kham nổi cuộc sống nơi đất khách, ông dẫn vợ con trở lại quê hương làm thuê làm mướn. Hiểu được hoàn cảnh ông Hết, ông Thứ cho ông Hết tiền mua miếng đất dựng nhà để vợ con sinh sống.

Rồi ông Thứ đứng ra xây nhà tình thương cho ông Hết, bỏ tiền ra mua một con bò giống, rồi mạnh dạn đề xuất UBND xã mua thêm cho ông Hết một con bò nữa cho chẵn một đôi. Ông Thứ còn tìm nơi làm đàng hoàng để gửi hai con ông Hết đi làm ổn định. Riêng vợ ông Hết cũng được ông giới thiệu đan lát gia công kiếm thêm thu nhập tại nhà.

Nhà bà Nguyễn Thị Tâm (69 tuổi) ở ấp Phú Đông 2 nghèo “rớt mồng tơi”. Thương cho gia đình nữ cựu chiến binh này, ông Thứ cùng những người trong câu lạc bộ nhanh chóng trợ cấp một căn nhà tình thương để bà và gia đình ổn định nơi ở. Tiếp đó, mọi người lo chữa bệnh tâm thần cho con bà Tâm khỏi hẳn rồi liên kết với cơ sở tìm việc làm ở Sài Gòn vừa sức để con bà Tâm nuôi sống bản thân. Bà Tâm được vận động làm công đan lục bình để tăng thu nhập.

Còn ông Phạm Văn Bo (50 tuổi, ngụ ấp Phú Đông 1) được ông Thứ xin vào làm ở cơ sở đóng tàu với thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng. Vợ ông Bo ở nhà chăn nuôi tạo thêm thu nhập, con của ông Bo được đưa đi học nghề và được tuyển chọn đi xuất khẩu lao động với thu nhập cao nên chuyện nghèo của gia đình ông Bo bây giờ chỉ còn là quá khứ...

Hỏi ông tại sao nửa đời người làm thiện nguyện và nguồn tiền ở đâu, ông trả lời bằng câu chuyện ngày xưa. Ông nói quê ông tận Thanh Hóa xa xôi, tham gia quân đội vào chiến trường miền Nam. Sau giải phóng ông ở lại Bến Tre lập nghiệp với đôi bàn tay trắng làm thuê, phụ hồ khắp nơi nuôi vợ con. Nhìn những người nghèo từng cưu mang ông những ngày kháng chiến mà xót dạ.

“Hồi đó chiến tranh ác liệt, tôi còn sống là nhờ người dân chia sẻ từng miếng cơm, trái chuối. Tôi hứa nếu không hi sinh sẽ ở lại mảnh đất này tìm cách trả ơn. Muốn vậy, tôi phải có cuộc sống khá giả”.

Từ lúc đó, ông bắt đầu thuê đất trồng mía, nuôi cá da trơn nhiều năm trúng mùa. Ông mua đất chăn nuôi, trồng trọt, rồi mở rộng diện tích trồng mía đến tận Tây Ninh, trồng cao su ở Bình Dương. Có tiền nhiều, ông nghe ngóng thông tin mua nhà, trữ vàng. Hễ có kế hoạch từ thiện là ông bán đất lấy tiền lời quyên góp làm việc thiện, còn tiền vốn tiếp tục mua đất để đó. “Muốn giúp người cũng phải tự thân vận động, nói cái miệng hay ngửa tay xin tiền nhà tài trợ hoài ngại lắm” - ông cười rổn rảng.

Nhân rộng mô hình ông Thứ

Theo ông Trần Thanh Khởi - phó chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh Bến Tre, mô hình “Câu lạc bộ cựu chiến binh giúp nhau thoát nghèo” xã An Định do ông Trần Văn Thứ sáng lập nhanh chóng nhân rộng khắp nơi trong tỉnh bởi hiệu quả cao. Mô hình này chia người nghèo thành ba loại: Một là không đất, không vốn, già yếu, bệnh tật phải thường xuyên hỗ trợ. Hai là có đất, không vốn, có lao động nhưng không nghề nghiệp phải hỗ trợ vốn học nghề, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế. Ba là thiếu đất, thiếu vốn sản xuất phải hỗ trợ vốn, kiến thức phát triển chăn nuôi. Từ sự phân loại này, các câu lạc bộ sẽ huy động nhiều nguồn vốn phong phú dựa trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Người thoát nghèo phải giúp đỡ người khác nên trong thời gian ngắn biến nhiều hộ nghèo thành khá giả.

SƠN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên