Trong thông cáo báo chí gián tiếp giải thích việc ông phó chủ tịch đánh ông chủ tịch, VASEP chỉ cho biết nội vụ nằm ở chuyện vị trí điều hành. Nhưng khi trả lời báo chí, người trong cuộc một mặt thừa nhận sai trái, một mặt hé lộ căn nguyên bức xúc là chuyện “giải quyết tình trạng bơm tạp chất vào tôm”.
Những đề xuất “éo le”
Mười năm trước khi xuất khẩu thủy sản cán đích 1 tỉ USD, chuyện giải quyết vấn nạn bơm tạp chất, cũng như dư lượng kháng sinh trong tôm đã được đặt ra bởi con tôm VN liên miên gặp khó khăn ở các thị trường quốc tế như Mỹ, Nhật, EU. Không chỉ nhiều lô hàng bị trả về, thiệt hại lớn về vật chất mà đáng nói hơn là uy tín của ngành thủy sản VN bị ảnh hưởng nặng nề.
Mới nhất lại có cảnh báo của Nhật Bản về dư lượng kháng sinh trong tôm có thể dẫn đến phải kiểm tra 100% các lô hàng nhập từ VN. Nhắc lại chuyện cũ để thấy việc bơm tạp chất hay dùng kháng sinh không đúng quy chuẩn ở chính các doanh nghiệp (DN) thành viên VASEP vẫn là câu hỏi lớn cho tôn chỉ, mục đích và ý nghĩa tồn tại của hiệp hội này.
Hồi đầu tháng này, người tiêu dùng một phen sốc nặng khi Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI) đề xuất phương án thu phí quyền mua xe máy và xe hơi nhằm giải tỏa nạn kẹt xe. Với xe gắn máy bình dân thì mức phí này bằng bốn lần giá trị xe.
Cách đây không lâu, Bộ Tài chính đưa ra đề xuất giảm thuế nhập khẩu ôtô vì cho rằng thuế suất nhập khẩu cao ảnh hưởng đến khả năng sở hữu xe của người dân. Bộ lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô VN (VAMA). VAMA kêu rằng nếu giảm thuế nhập khẩu, những DN thành viên có thể đi đến bờ vực phá sản.
Nhưng rõ ràng chính sách bảo hộ ngành ôtô nội địa của VN từ trước đến nay không những chẳng giúp phát triển ngành công nghiệp ôtô mà cũng chẳng làm ngành công nghiệp phụ trợ khá hơn. Người tiêu dùng VN đã và đang phải mua những chiếc xe có giá đắt gấp nhiều lần các nước xung quanh. Tiếc là tiếng kêu của VAMA to hơn tiếng nói của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng ở đâu?
Ở Hiệp hội Mía đường, giải thích về “dự kiến” kiến nghị Bộ Công thương cho nhập khẩu đường chỉ sau một tháng đưa ra đề nghị “ngưng nhập khẩu đường”, ông Nguyễn Hải, tổng thư ký hiệp hội, cho hay đây chỉ là đề xuất để ngừa trường hợp giá đường lên quá cao.
Vì rằng từ ngày 15-5, “tiêu thụ đường trong nước đã “ấm” lên do quyết định ngưng và hoãn nhập đường của Bộ Công thương” (theo kiến nghị của hiệp hội này - NV), giá đường đã vượt nhiều so với mức đề xuất 18.000 đồng/kg của hiệp hội. Ông Hải phân trần “hiệp hội không muốn các thành viên đẩy giá bán lên quá cao” nhưng “việc bán đường của các thành viên, hiệp hội không can thiệp hơn được”.
Còn khi bị chất vấn vì sao một số DN và đại lý tăng giá gas bất hợp lý, một lãnh đạo Hiệp hội Gas VN thừa nhận đó là việc làm “sai trái” nhưng hiệp hội chỉ có thể “nhắc nhở” và không thể có biện pháp chế tài nào đối với những DN hội viên kia. Người tiêu dùng khó mà hiểu được thái độ ấy, nhất là khi một trong những thông điệp của hiệp hội này đưa ra khi được thành lập là “bảo vệ sự công bằng cho người tiêu dùng, tránh lợi dụng tăng giá bất hợp lý”.
Xem qua tôn chỉ mục đích của nhiều hiệp hội đều thấy nói đến việc ứng xử công bằng giữa DN thành viên với người tiêu dùng. Thực tế thì khác xa. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét rằng sở dĩ tiếng nói của nhiều hiệp hội ngành hàng hay hiệp hội DN tỏ ra lạc lõng vì chưa đặt người tiêu dùng làm trung tâm.
“Đành rằng hiệp hội DN thì mục tiêu hàng đầu là bảo vệ DN thành viên. Nhưng khi xem lợi ích DN cao hơn người tiêu dùng hoặc tách quyền lợi người tiêu dùng ra khỏi hoạt động của mình thì hệ quả như chúng ta thấy rõ: vai trò của hiệp hội rất lu mờ trong xã hội” - bà Lan nói.
Nhìn ra xứ người thì thấy sức mạnh và quyền lực của người tiêu dùng thể hiện rõ trong nhiều vụ việc, mà các hiệp hội là cánh tay nối dài đầy quyền lực của họ. Khi con cá tra, cá ba sa của VN bị khuyến cáo không nên dùng ở một số nước châu Âu, các hiệp hội, tổ chức ở Mỹ rất biết tận dụng sức mạnh người tiêu dùng để “làm tình làm tội” các sản phẩm nhập khẩu.
Gần đây nhất, có đến năm hiệp hội từ Mỹ, nhân danh việc bảo vệ người tiêu dùng nước này, bay sang VN gặp các DN dệt may để đấu tranh không áp dụng một điều khoản về nguồn gốc sợi trong Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng tiếng nói của Hội Bảo vệ người tiêu dùng VN còn rất nhỏ bé. Trong khi hội phải trở thành tiếng nói đối trọng với các hiệp hội khác, đồng thời là tiếng nói có trọng lượng trong các quyết sách của Nhà nước, bởi mặc định họ đang đại diện cho hàng chục triệu hội viên - người tiêu dùng.
“Tôi nghĩ một nguyên tắc lâu nay đã thấm sâu trong suy nghĩ của nhiều DN là “người tiêu dùng là thượng đế” nên cho dù hiệp hội phải bảo vệ quyền lợi DN thành viên cũng không thể quên điều này. Không có người tiêu dùng thì DN không tồn tại được. Nên bất kỳ đề xuất nào, quyết định gì đều phải đặt họ làm trung tâm phục vụ để tỉnh táo, cân nhắc nhằm không xung đột lợi ích”, một phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM nhận định.
Theo bà Phạm Chi Lan, cần xây dựng một đạo luật cho hoạt động của các hiệp hội bởi khuôn khổ pháp lý cho họ hiện vẫn khá lỏng lẻo. Rất nhiều quan chức về hưu lại được giao nắm giữ chức chủ tịch các hiệp hội. Vì thế, nhiều hiệp hội hoạt động với “quán tính” của mô hình cơ quan quản lý, thay vì chăm lo cho các thành viên của mình phát triển một cách lành mạnh và chứng tỏ cho người tiêu dùng sự khả tín của những tổ chức sát bên họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận