11/07/2018 14:49 GMT+7

Cậu học trò nhịn ăn sáng nuôi đam mê điện tử

TƯỜNG HÂN
TƯỜNG HÂN

TTO - Không phải học sinh khá giỏi, không có thầy dẫn dắt, Mai Quốc Huy lớn lên qua tháng ngày đọc “cọp” sách vật lý, điện tử, lập trình trong nhà sách, phụ ba bán loa cũ, sửa điện giùm hàng xóm.

Cậu học trò nhịn ăn sáng nuôi đam mê điện tử - Ảnh 1.

Quốc Huy kiểm tra độ hoàn thiện xe đạp trước vòng thi quốc gia - Ảnh: TƯỜNG HÂN

Nhưng niềm đam mê mãnh liệt dành cho điện tử đã đưa cậu học trò 16 tuổi đến giải nhất hội thi Tin học trẻ TP.HCM 2018.

Có lần làm theo đồ án của sinh viên đại học cuối cùng thất bại, phải bán lại trên mạng lỗ phân nửa. Nhưng không sao, phải tự bỏ tiền làm mới biết mình dở ra sao, dốt chỗ nào, mới khôn ra được

MAI QUỐC HUY

Lớp 9 chế xe đạp thành xe đạp điện

Quốc Huy hay quên đồ đạc, không nhớ rõ đường về nhà, học lực trung bình nhưng có khả năng chú ý mọi chi tiết điện tử từng gặp. Nhờ cô giáo "tiến cử", Huy đại diện Trường THCS Bàn Cờ (Q.3) tranh tài tại ngày hội khoa học đời sống và hội thi Tin học trẻ cấp thành.

Lần đầu tranh tài, Huy sung sướng khi được nhà trường tài trợ 1 triệu đồng nghiên cứu, tận dụng chiếc xe đạp cũ của ông nội, gắn thêm môtơ, bộ điều tốc, tay ga, bình ắcquy, pin mặt trời. 

Chiếc xe của Huy có thể chạy gần 40km/h, đem về hai giải nhất cấp thành trong sự ngạc nhiên của cha mẹ lẫn láng giềng. Hiện tại, Huy đang hoàn thiện những bước cuối cùng để tham dự vòng thi cấp quốc gia vào giữa tháng 8.

"Trong lần vào thăm người thân nằm tại Bệnh viện Chợ Rẫy, xe đạp của mình bị dời vị trí, phải lục tìm giữa bãi xe rộng, trời nắng chang chang muốn đuối luôn. Về nhà, mình quyết tâm trang bị cho xe đạp những tiện lợi như xe máy, bắt đầu là bộ điều khiển từ xa bằng sóng RF để tìm xe" - Huy kể. 

Mặc dù xe đạp rẻ bèo nhưng với Huy là cả gia tài nên cậu học trò mày mò hệ thống định vị GPS đề phòng mất trộm. "Chỉ cần dùng điện thoại "cùi bắp" nhắn tin, xe dù ở bất cứ đâu sẽ báo về vị trí hiện tại trên bản đồ. Mỗi tin nhắn tốn 200 đồng, mình đang hoàn thiện cơ chế gửi dữ liệu về máy chủ qua Internet để tiết kiệm chi phí" - Huy nói thêm.

Xe có đèn pha tự bật khi trời tối, đèn sau xe cảnh báo khi bóp thắng, đèn xinhan tự động tắt bật khi qua cua nhờ cảm ứng góc nghiêng. Với những tiện nghi đó, người đi xe đạp không cần giơ tay xin đường hay để quên đèn xinhan.

Anh Phan Nguyễn Trúc Phương, kỹ sư hướng dẫn Huy tại Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM), nhận xét: "Đó là thiếu niên chịu khó tìm tòi, cá tính và chân thật. Ý tưởng của Huy dù không mới nhưng thiết thực do xuất phát từ đời thường".

Tự học là chủ yếu

Lớn lên giữa xóm lao động khu Vườn Chuối (Q.3), Huy quen thuộc tiếng máy nổ, cờ lê, đinh tán nhưng chỉ biết sơ sài về nghề của ba. "Sửa xe cực khổ, tùy thuộc nắng mưa, nghề không đói nhưng chỉ đủ sống nên tôi không muốn con theo" - anh Mai Hoàng Hà (ba Huy) chia sẻ. 

"Nhưng tôi cũng chỉ con vài điều cơ bản để có thể kiếm sống hằng ngày, sửa xe nhà và giúp bà con. Năm lớp 8 con đã thích sửa điện trong nhà, tôi chỉ từ việc nhỏ, sau đó đứng sau lưng giám sát an toàn. Khi con chuyển qua điện tử, tôi không hiểu biết nhiều nên không giúp được gì" - anh Hà cho biết.

Ý thức kinh tế gia đình, Huy hạn chế xin tiền ba mẹ mà tự tiết kiệm tiền tiêu vặt để mua linh kiện ưa thích. Cứ 20.000 đồng/ngày, vài hôm Huy lại vào chợ Nhật Tảo sắm đồ làm dự án hoặc để kiểm tra tính đúng sai của kiến thức. 

Sách giáo khoa THCS không cho Huy kiến thức cần thiết, cậu học trò vào nhà sách "coi cọp" môn vật lý, tin học lớp 10, 11, 12 để có cái nhìn tổng quát. 

"Mình muốn học về điện - điện tử nhưng không có thầy, môn công nghệ hay vật lý chỉ nói qua loa, cơ bản, để làm chuyên sâu hơn chỉ có cách tự mò sách chuyên ngành và Internet. Tranh thủ ngày rảnh, mình dành nhiều giờ vào nhà sách để coi ké", Huy thổ lộ.

"Bộ sách về lập trình, vẽ mạch quyển nào cũng dày mo, kiến thức chuyên sâu, mình chỉ tiếp thu một phần chứ chưa áp dụng nhiều. Mỗi quyển hơn 100.000 đồng nên chỉ dám "đọc chùa", chưa mua, để dành tiền mua thiết bị".

Học nghề miễn sao kiếm sống tốt

Nhận kết quả tuyển sinh lớp 10, Huy sung sướng khi được 30 điểm. "Vào trường tốp đầu sẽ rất áp lực các môn văn hóa, không có thời gian chơi, nhất là chơi điện. Mình cứ chọn trường vừa sức, gần nhà, có dạy nghề là ổn" - Huy chia sẻ.

"Ai cũng muốn cho con vào đại học. Nhưng nếu không đủ khả năng, tôi cũng cho con học nghề điện tử hay nghề nào cháu thích, miễn sao kiếm sống tốt. Ngồi sửa xe ở đây, tôi thấy có nhiều thanh niên học hết lớp 12 vẫn chạy xe ôm hoặc vào siêu thị bán hàng. Con thích học gì, cho học đó. Tôi không muốn quyết định cuộc đời con" - anh Hà nói.

Cậu học trò lớp 9 "lượm rác" về nhà để sáng chế Cậu học trò lớp 9 'lượm rác' về nhà để sáng chế

TTO - Đi học, thấy gì còn dùng được Lê Tùng Bách cũng xin lượm, ràng lên xe đạp chở về. Bị chọc ghẹo là đem rác về nhà, Bách vẫn vui vì được thỏa đam mê sáng chế.

TƯỜNG HÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên