Phóng to |
Cầu Bình Triệu 1 (phải) đang được sửa chữa, nâng cấp (ảnh chụp ngày 9-7) - Ảnh: T.T.D. |
Đầu tháng 2-2001, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Tổng công ty 5) - chủ đầu tư dự án BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao) - đã khởi công dự án cầu đường Bình Triệu 2 (Q.Bình Thạnh và Q.Thủ Đức) có tổng chiều dài 10.654,7m và dự kiến hoàn thành sau 24 tháng thi công. Trong dự án này có công trình xây dựng cầu Bình Triệu 2, mở rộng quốc lộ 13 từ ngã năm Đài liệt sĩ (Q.Bình Thạnh) đến ngã tư Bình Phước (Q.Thủ Đức), mở rộng đường Ung Văn Khiêm (đoạn từ ngã năm Đài liệt sĩ đến cầu Sài Gòn), xây dựng nút giao thông Nguyễn Xí - Đinh Bộ Lĩnh và nút giao thông ngã năm Đài liệt sĩ...
Đội kinh phí gấp 10 lần
Tuy nhiên, vào năm 2002 TP lại thay đổi chủ trương khi quyết định mở rộng quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước lên 53m thay vì 32m. Theo tính toán của Tổng công ty 5, thay đổi này sẽ khiến vốn đầu tư ban đầu từ 341,9 tỉ đồng tăng lên hơn 1.600 tỉ đồng và số vốn này vượt quá khả năng nhà đầu tư. Vì vậy, sau khi xây dựng xong cầu Bình Triệu 2, Tổng công ty 5 đã nói lời tạm biệt với dự án vào năm 2004.
Tháng 3-2005, UBND TP giao lại dự án này cho Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) làm chủ đầu tư mới. Mãi đến tháng 7-2007, CII mới trình thẩm định điều chỉnh dự án cầu đường Bình Triệu 2 với tổng mức đầu tư 3.493 tỉ đồng, đồng thời chia nhỏ dự án ra thành bảy tiểu dự án và đến năm 2009 mới khởi công tiểu dự án đầu tiên là sửa chữa nâng cấp cầu Bình Triệu cũ (cầu Bình Triệu 1). Như vậy sau gần 10 năm khởi công dự án cầu đường Bình Triệu 2, việc lưu thông qua tuyến đường này còn đầy trắc trở.
Ai chịu trách nhiệm?
Trong nhiều năm trở lại đây, khu vực cầu Bình Triệu luôn nằm trong “top ten” kẹt xe ở TP. Trong đó, điểm nóng về kẹt xe là ngã năm Đài liệt sĩ, giao lộ ngã tư Bình Triệu, giao lộ Nguyễn Xí - Đinh Bộ Lĩnh. Trước tình hình trên, Sở Giao thông vận tải TP phải tổ chức phân luồng giao thông đường một chiều ở khu vực này để tìm cách giảm bớt ách tắc giao thông.
Thế nhưng giải pháp phân luồng giao thông vẫn không xóa được nạn kẹt xe ở giao lộ ngã tư Bình Triệu và ùn tắc giao thông ở ngã năm Đài liệt sĩ. Trong đó, nặng nề nhất là giao lộ ngã tư Bình Triệu thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm (nhất là lúc có xe lửa chạy qua). Tình hình kẹt xe ở đây càng căng thẳng hơn trong ngày lễ tết, cuối tuần và đầu tuần, khi số xe khách từ bến xe miền Đông đi các tỉnh và đổ về TP.HCM tăng gấp 2-3 lần ngày thường và số xe lửa đi và về ga Sài Gòn tăng lên gấp 3-4 lần ngày thường...
Có thể nói chính dự án cầu đường Bình Triệu 2 thi công chậm trễ đã làm trầm trọng thêm nạn kẹt xe ở khu vực nói trên. Trong khi đó, chưa có cơ quan nào nói về trách nhiệm trong việc chậm trễ này. Theo ghi nhận của chúng tôi, mãi đến năm 2006, các cơ quan chức năng TP mới kết thúc thương thảo hợp đồng mua lại dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 với Tổng công ty 5. Tiếp đó, mất gần ba năm làm thủ tục mới triển khai tiếp một phần của dự án là nâng cấp sửa chữa cầu Bình Triệu 1. Bởi vì đến nay toàn bộ mặt bằng của dự án vẫn “án binh bất động” do chưa đền bù giải tỏa nên chủ đầu tư mới của dự án cũng không xác định được thời gian làm xong dự án.
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, ông DƯƠNG QUANG CHÂU - phó giám đốc đầu tư CII (tổng thầu thi công dự án cầu đường Bình Triệu 2 hiện nay) - cho biết: - Nếu không có sự cố gối nhịp đeo cầu Bình Triệu 1 bị rơi ra vào ngày 9-12-2009 thì đến cuối tháng 6-2010 chúng tôi đã hoàn thành trước kế hoạch hai tháng công trình sửa chữa cầu Bình Triệu 1. Đến nay nhà thầu thi công Freysinnet VN đã khẳng định sẽ hoàn thành việc sửa chữa cầu Bình Triệu 1 vào ngày 10-9-2010. * Dự án cầu đường Bình Triệu 2 giai đoạn 2 do CII lập có đến bảy tiểu dự án, nhưng hiện nay mới triển khai một tiểu dự án sửa chữa cầu Bình Triệu 1, các tiểu dự án còn lại bao giờ mới được triển khai? - Ngày 23-2-2010, CII đã trình Sở GTVT TP thẩm định tiểu dự án nâng cấp và mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ ga Bình Triệu đến nút giao thông Bình Phước (Q.Thủ Đức) từ 32m lên 53m. Tuy nhiên, Sở GTVT TP cho biết đang xem xét lại vì tính đến phương án làm đường kết nối với dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (dự án do công ty nước ngoài làm chủ đầu tư) và dự án tuyến metro 3B (do Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư). Tiểu dự án mở rộng nút giao thông ngã năm Đài liệt sĩ (Q.Bình Thạnh) thì còn đang bàn vì Sở GTVT TP yêu cầu CII tính thêm phương án xây dựng nút giao thông có cầu vượt, hầm chui để đáp ứng nhu cầu giao thông trong tương lai. Ở tiểu dự án mở rộng đường Nguyễn Xí, Sở GTVT TP yêu cầu CII bổ sung đoạn đường Nguyễn Xí dài khoảng 600m để kết nối với dự án xây dựng cầu Đỏ. Theo đó, tuyến đường trên sẽ mở rộng thông thoáng từ tuyến đường Vàm Thuật - Vườn Lài (Q.12) - Nguyễn Xí - Ung Văn Khiêm đến cầu Sài Gòn (Q.Bình Thạnh). * Dự án cầu đường Bình Triệu 2 trì trệ gần 10 năm qua. Theo ông, vì sao? - Dự án này kéo dài vì nguồn vốn đầu tư bị hạn chế. Cụ thể là trong thời gian Tổng công ty 5 thi công mở rộng quốc lộ 13 lên 32m thì TP yêu cầu mở rộng lên 53-60m nên đơn vị này không đủ vốn đầu tư. Hơn nữa, công trình này còn thể hiện sự thiếu tầm nhìn về tương lai. Lúc đó, do TP chưa có quy hoạch tổng thể về giao thông vận tải nên dự án không tính việc kết nối với các dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài và dự án tuyến metro số 3B sẽ xây dựng sau này. Dự án chậm một phần cũng vì cần có thời gian để chuyển đổi chủ đầu tư từ Tổng công ty 5 về CII. Đặc biệt khó khăn nhất là về đền bù giải tỏa. Có thể nói nguyên nhân chậm trễ của dự án này là do nhiều yếu tố khách quan. * Vậy theo ông, đến bao giờ người dân ở khu vực cửa ngõ phía đông TP mới không còn chịu cảnh kẹt xe và đường sá nhếch nhác như hiện nay? - Hiện nay, CII có đủ vốn để thực hiện dự án này nhưng khó khăn vướng mắc nhiều nhất là việc giải tỏa mặt bằng. Nếu từ đây đến cuối năm 2010, TP không bổ sung vốn cho các quận để đền bù giải tỏa mặt bằng thì việc triển khai các tiểu dự án sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Nếu giải tỏa mặt bằng xong vào tháng 6-2011 thì đến tháng 6-2013 dự án cầu đường Bình Triệu 2 mới hoàn thành. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận