01/05/2010 06:22 GMT+7

Câu chuyện tìm cha

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - 11g sáng 18-4-2010, Steve Maxner, giám đốc Trung tâm lưu trữ Vietnam Archive thuộc ĐH Texas Tech, bồn chồn chờ đợi ngoài khu hành lý sân bay Lubbock (Texas, Mỹ). Ông có một người khách đặc biệt trong ngày hôm nay đến từ Việt Nam.

8xS34P22.jpgPhóng to

Bà Minh Vân chỉ cho ông Steve Maxner một tấm hình trong cuốn sách Khúc bi tráng trên sông Vàm Cỏ về ông Hoàng Minh Đạo - Ảnh: T.Tuấn

15 phút sau, một phụ nữ người Việt mái tóc bạc như cước, khuôn mặt phúc hậu bước tới, tự tin bắt tay ông: “Chào ông Maxner, tôi rất vui được đến trung tâm của ông!”.

Mảnh ghép cuộc đời

Suốt một tuần, các nhân viên tại Vietnam Archive rất ngạc nhiên khi thấy một phụ nữ bé nhỏ ngày nào cũng đều đặn sáng 9g tới trung tâm, chiều 5g hơn mới đi về.

Bà lục trên kho dữ liệu máy tính từng mẩu thông tin về “Hoàng Minh Đạo”, “Năm Đời”, “Năm Thu”, “Năm Sài Gòn”... là những bí danh của ông trong thời kỳ kháng chiến. Bà tìm các thông tin về binh vận, địch vận hay cuộc đàm phán với thủ lĩnh Bình Xuyên Lê Văn Viễn mà chính ông Đạo là người tham gia để kéo được hai tiểu đoàn Bình Xuyên về với kháng chiến, ngay trước khi Dương Văn Minh (lúc đó mới là đại tá) dẫn quân trong chiến dịch Hoàng Diệu xuống đánh.

Randy, nhân viên của trung tâm, khá ngạc nhiên và tò mò mỗi khi thấy bà lục từng thùng tư liệu lớn (có khi phải mang bằng cả một xe kéo đầy), hay dùng các thiết bị hiện đại để chiếu coi các cuốn microfilm về tư liệu lực lượng thủy quân lục chiến, lực lượng thủy quân đặc biệt SEALS... hòng tìm thông tin về cuộc đột kích đối với cha mình.

Bà tên Đào Minh Vân, một thương nhân đến từ VN. Nhưng chuyến bay vượt qua hơn nửa vòng trái đất lần này không phải vì thương vụ kinh doanh. Bà đến cái thành phố nhỏ chỉ với hơn 200.000 dân này để tìm lại những mảnh ghép lịch sử mà bà còn chưa biết về người cha kính yêu của mình.

Cha bà chính là ông Hoàng Minh Đạo, tên thật là Đào Phúc Lộc. Những người từng chiến đấu với ông biết ông qua các bí danh “Năm Thu”, “Năm Đời”, “Năm Sài Gòn”... Ngành tình báo VN biết tới ông như là “thủ trưởng đầu tiên” của phòng tình báo quân ủy hội, tiền thân ngành tình báo quân sự VN.

Ông chính là một trong 20 thành viên đầu tiên của Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân VN.

Đợi chờ cả tuổi thơ...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi viết về Bộ Tổng tham mưu những ngày đầu có viết về ông Hoàng Minh Đạo, trưởng phòng tình báo, như sau:

“Lúc đầu cơ quan còn thiếu người, cán bộ chưa biết cách làm việc, nhưng công việc vẫn phải triển khai. Việc nắm địch, anh Hoàng Minh Đạo đã có kinh nghiệm nắm tình hình bọn phản cách mạng từ trước tổng khởi nghĩa nên đã triển khai công tác này có kết quả, ta đã sớm nắm được hoạt động của quân Nhật, quân Tưởng ở miền Bắc và chuẩn bị cơ sở nắm quân Anh, quân Pháp ở miền Nam”.

Đầu năm 1948, ông Hoàng Minh Đạo nhận chỉ thị của đại tướng Võ Nguyên Giáp vào Nam thống nhất lại hệ thống quân báo, tình báo VN.

Chỉ ba ngày trước khi ông vào Nam, bà Hoàng Minh Phụng, người vợ, người đồng chí của ông, qua đời vì bị sốt rét cấp tính trên chiến khu Đại Từ (Thái Nguyên). Bà để lại cho ông bé Minh Vân khi đó mới hơn 1 tuổi đang chập chững tập đi. Những người thân kể rằng ngày ra đi ông phải trốn con vì sợ con khóc đòi.

Dự định ban đầu ông sẽ vào Nam trong hai năm rồi trở lại, nhưng nhiệm vụ đặc biệt khiến ông không thể về sớm.

Rồi một ngày của tháng 12-1969, chiếc thuyền chở ông từ Trảng Bàng đi Tây Ninh họp Trung ương Cục đã bị lính Mỹ phục kích trên sông Vàm Cỏ Đông. Ông cùng 16 cận vệ và phụ tá nằm lại trên chiến trường.

Người cha ra đi khi trong người vẫn còn lá thư vừa nhận được của con gái do giao liên chuyển đến.

Tuổi thơ bà Minh Vân là những chuỗi ngày dài mong mỏi được gặp cha. Thông tin bà nhận được chỉ là thư của cha được các cán bộ miền Nam chuyển tới. Thường ông nói đang làm việc tại Campuchia hay một nơi nào đó. Bản khai lý lịch tới trường của bà phần ghi về cha thường được chú thích là “công tác đặc biệt”. Chỉ đến khi lên cấp III, bà mới lờ mờ hiểu hoạt động của cha mình là quan trọng qua các cuộc nói chuyện của người lớn.

Ý muốn tìm hiểu về cha đã thôi thúc bà ngay từ những năm sau giải phóng. Tháng 6-1975, bà cùng cô con gái lớn bỏ ngôi nhà ngoài Hà Nội, lên tàu Thống Nhất vào Nam. Bà khát khao một lần gặp mặt ông để cho con gái lớn của bà biết ông ngoại. Vào Nam với chỉ 60 đồng trong túi, bà trụ lại bằng nghề dạy học với hi vọng trong tương lai có thể tìm được cha.

Ở quê nhà ngoài Bắc, do công tác đặc biệt của ông không mấy người biết.

Đầu năm 1994, trong một buổi họp mặt đồng hương Quảng Ninh tại TP.HCM, bà Minh Vân gặp một đồng hương cùng quê Móng Cái. Khi nói cha mình là Đào Phúc Lộc thì bà nhận được câu trả lời hơi lạnh: “Ông Lộc này tôi biết. Nghe nói trước đây làm cán bộ lớn nhưng sau về Sài Gòn thì chiêu hồi”...

Bà đau lòng và không tin cha mình là người như thế. Xưa bà từng có những câu thơ mong chờ đến cháy lòng: Thuở nhỏ mãi mong chờ - Mẹ cha không trở lại - Bao tháng ngày bơ vơ - Đợi cả đời tuổi thơ... Giờ đây, bà coi sự thật về người cha là sứ mệnh lớn nhất của cuộc đời mình.

Cứ thế, cuộc kiếm tìm của bà diễn ra trong 30 năm, bà lần lượt gặp hơn 400 đồng đội, bạn bè cũ của cha. Đó là những người từng công tác trong nhiều lĩnh vực mà ông trải qua: quân báo, tình báo, địch tình, binh vận và biệt động.

Hàng nghìn trang tài liệu gồm thư từ, báo chí, hồi ký cách mạng thu thập được in thành ba quyển sách Chân dung nhà tình báo, Những điều chưa biết về người anh hùng và Khúc bi tráng trên sông Vàm Cỏ (NXB Công An Nhân Dân). Đài truyền hình Hà Nội cũng làm bộ phim 15 tập Con đường sáng về toàn bộ cuộc đời ông.

Từ những ký ức mịt mờ, giờ đây người phụ nữ 64 tuổi này có thể kể vanh vách từng ngày tháng hoạt động của cha mình...

______________________

Câu chuyện một người phụ nữ từ VN tới thành phố Lubbock hẻo lánh, xa xôi của nước Mỹ để tìm thông tin về người cha hi sinh cách đây hơn 40 năm đã xuất hiện trên trang nhất tờ Lubbock Avalanche - Journal với tựa đề “Kiếm tìm về quá khứ”. Hãng tin nổi tiếng Fox News của Mỹ cũng đến phỏng vấn bà. Rồi có một người đàn ông, ngày xưa là đối phương của cha bà, tìm đến...

Kỳ tới: Người cựu binh và chiếc vali kỷ vật

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên