Mùa giải quần vợt năm 2011 kết thúc thật “sầu thảm” đối với Serena Williams. Giải quần vợt Pháp mở rộng (Roland Garros) năm 2012 cũng ghi nhận cú sốc lớn khi Serena lại bị loại ngay vòng đầu tiên. Nguyên cớ trực tiếp có lẽ là do Serena bị ảnh hưởng tâm lý gây ra từ sai sót của trọng tài, sức ép của Ban tổ chức và khán giả ủng hộ cho “gà nhà”…
Tuy nhiên theo tôi, điều chủ yếu của các thất bại trên là vì Serena chưa kịp hồi phục tinh thần và sức lực sau lần phẫu thuật xảy ra vào năm trước. Như nhiều người được biết ngôi sao quần vợt nữ thế giới đã phải vào bệnh viện Cedars-Sinai ở Los Angeles (Mỹ) mổ cấp cứu lấy cục máu đông trong mạch máu phổi vào ngày 1-2 -2011.
Nguyên nhân đơn giản là trong bữa tiệc vui chơi nhảy nhót trước đó ở Berlin (Đức), Serena bị thương ở bàn chân do đạp mảnh vỡ của chai bia. Sau khi được mổ cắt lọc, khâu da, Serena được bất động và đi máy bay về Mỹ. Vết thương ở bàn chân, tuy nhỏ, đã kích thích tạo cục máu đông trong tĩnh mạch chân và sau đó bị tróc ra, chạy lên phổi và làm nghẽn mạch máu phổi gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không can thiệp kịp thời.
Vậy, biến chứng mà Serena gặp phải là bệnh gì? Có hay gặp ở nước ta không?
Về Y học, bệnh lý này có tên gọi là “Bệnh thuyên tắc-huyết khối tĩnh mạch (Venous Thrombo-Embolism, viết tắt là V.T.E)”. Ở Việt Nam trước đây, bệnh lý này không được quan tâm đúng mức tuy nhiên những nghiên cứu trong vài năm qua cho thấy tỷ lệ bệnh khá cao, tương đương với ở nước ngoài.
Loại bệnh lý này xảy ra ở mọi lĩnh vực nội khoa và ngoại khoa. Về nội khoa, những người bị bệnh nặng, mạn tính, nằm lâu, bị bất động lâu ngày, lớn tuổi, đột quị, liệt thần kinh, suy tim, suy hô hấp, béo mập, giãn tĩnh mạch, huyết áp cao, tiểu đường, ung thư, nhiễm trùng, có thai… dễ bị biến chứng nầy.
[quotes]
Tôi đã trải qua những ngày tháng thật khó khăn, tưởng chừng vĩnh viễn giã từ quần vợt - Serena Williams nói sau khi trở lại thi đấu từ chấn thương
[/quotes]
Về ngoại khoa, các chấn thương nặng, các phẫu thuật lớn về xương khớp, cột sống, thần kinh, ung thư, sản phụ khoa… đều có thể gặp biến chứng nguy hiểm này. Về chấn thương chỉnh hình, bất cứ phẫu thuật nào ở chi dưới – dù lớn hay nhỏ- đều có tiềm ẩn nguy cơ. Khi đã mắc bệnh, việc điều trị rất khó khăn, lâu dài và tốn kém!
Điều quan trọng nhất là phòng ngừa biến chứng tắc mạch bằng cách tập thể dục thể thao, tránh nằm ngồi lâu, tránh để béo phì, điều trị tích cực và đúng cách các bệnh nội khoa. Khi phải ngồi thời gian dài trên xe đò, tàu hỏa, máy bay…cần thường xuyên tập vận động tay chân, thân mình. Khi phẫu thuật, đặc biệt những trường hợp mổ lớn và ở bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh cao, cần sử dụng thuốc kháng đông.
[box]
Tập thể dục ở người nghiện hút thuốc lá nặng
Người hút thuốc lá nặng có thể bị mang rất nhiều bệnh ở đường hô hấp, một số do các chất gây hại có trong khói thuốc lá, một số gián tiếp qua sự giảm trao đổi dưỡng khí (O2) và thán khí (CO2) ở phổi, do suy yếu sức khỏe….Bên cạnh biến chứng nguy hiểm chết người là ung thư phổi, thì bệnh lý hay gặp là tắc nghẽn hô hấp mạn tính.
Tập thể dục, đặc biệt là tập thở, có tác dụng tốt cho phổi cũng như cho tim, não cũng như cho mọi cơ quan trong cơ thể vì làm gia tăng sự trao đổi khí nói trên, làm tăng lượng máu và dưỡng khí đến mọi tế bào và loại thán khí cùng các chất thải khác ra ngoài. Điều cốt lõi là phải hít vào thật sâu và thở ra thật dài, từ từ. Việc phà khói thuốc ra ngoài để tránh hít khói vào sâu trong phổi giúp giảm được lượng độc chất vào cơ thể người hút nhưng cần tránh ở nơi công cộng, đông người vì sẽ “bắt” người khác hít khói thuốc của mình và họ có thể bị bệnh đường hô hấp trong đó có cả ung thư phổi do hút thuốc lá thụ động!
Nếu bạn đọc là người nhiều tuổi, đã có thâm niên lâu năm hút thuốc thì cần giảm số lần và số điếu thuốc hút mỗi ngày. Nếu là người trẻ, thì nên bỏ hút thuốc lá.
[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận