18/01/2020 11:10 GMT+7

Câu chuyện có hậu của chàng trai sau chuỗi ngày cơ cực

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - 18 tuổi Vinh gấp lại giấy báo đại học, khăn gói ra thủ đô Hà Nội học nghiệp vụ khách sạn với mục tiêu lớn nhất: kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Câu chuyện có hậu của chàng trai sau chuỗi ngày cơ cực - Ảnh 1.

Ba năm trước Vinh quyết định đi học nghiệp vụ khách sạn với mục tiêu lớn nhất, kiếm tiền phụ giúp gia đình, nuôi ba em còn nhỏ ăn học đến nơi đến chốn - Ảnh: HÀ THANH

Ba năm bươn chải ở Hà Nội, Phạm Văn Vinh nói chưa một lần hối tiếc với quyết định ngày đó.

"Tôi nghĩ mình chọn con đường đúng là đi học nghề. Hiện tại tôi có mức lương ổn định để phụ giúp gia đình và đi học để nâng cao nghiệp vụ của mình" - Phạm Văn Vinh, 21 tuổi, hiện đang làm nhân viên khách sạn tại tòa nhà Landmark 72 cao nhất Hà Nội trải lòng với Tuổi Trẻ Online sau ca trực cuối năm.

Sinh ra ở quê nghèo Quảng Nam, Vinh nhớ năm lớp 11 là những chuỗi ngày cơ cực nhất của gia đình. Bố nhận tin dữ bị ung thư mất khả năng lao động, mẹ bị bệnh thận đau ốm liên miên, dưới Vinh còn ba em nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Vừa học Vinh vừa đi bốc vác, phụ hồ để kiếm tiền phụ giúp gia đình.

"Thật ra tôi không có quyết định thi đại học nhưng bạn bè khuyên tôi học được cứ đăng ký thử đi lỡ sau này thích đi học. Năm đó tôi đỗ khoa Công nghệ thông tin, Đại học Đà Nẵng với 22 điểm. Nhưng nhà không đủ tiền đi học nên tôi rẽ hướng đi học nghề" - Vinh chia sẻ.

May mắn được một trung tâm dạy nghề cấp học bổng 6 tháng, miễn tiền học phí và được hỗ trợ ăn, nghỉ, Vinh chọn khóa học nghiệp vụ khách sạn kèm theo tiếng Anh và được thực hành ngay.

Khó khăn với học viên ở tỉnh lẻ như Vinh là khả năng tiếng Anh chưa được tốt. Do đó cậu phải tự trau dồi thêm tiếng Anh, mỗi ngày học một ít, nói nhiều thêm một chút, nhờ đó tạo thói quen trong lúc giao tiếp với khách. Ngoài ra, anh chàng này còn học thêm nghề pha chế đồ uống, học biết về các món ăn và rượu để nâng cao nghiệp vụ của mình.

Vừa đi học, vừa đi làm, kiêm luôn chân shipper, hỏi Vinh có khi nào cảm thấy vất vả? Anh chàng xứ Quảng cười hiền nói ở quê vốn đã quen với vất vả, ra thủ đô thậm chí còn "sướng hơn ở nhà vì làm việc nhẹ nhàng hơn".

Tính đến nay đã ba năm bám trụ ở thủ đô, công việc của Vinh bắt đầu từ 6h cho đến 16h. Trước khi khởi đầu một ngày làm việc, Vinh tập thể dục, ăn uống đầy đủ rồi mới đi làm. Chiều đến tan ca sẽ chơi thể thao, đọc sách, tập thiền để cải thiện suy nghĩ tích cực, rèn luyện sức khỏe.

Câu chuyện có hậu của chàng trai sau chuỗi ngày cơ cực - Ảnh 2.

Tết này Vinh đăng ký trực luôn 4 ngày tết, trực xong sẽ bắt xe về với gia đình - Ảnh: HÀ THANH

"Điều tôi nhận lại là niềm hạnh phúc. Mình có thể giúp được bố mẹ, vừa được thấy các em trưởng thành, các em biết mình vất vả nên luôn chăm ngoan học giỏi, em trai đầu đã đỗ vào đại học. Về phần mình, gia đình là động lực thôi thúc mình cố gắng làm, học hỏi hơn", Vinh bộc bạch.

Được một tổ chức từ thiện hỗ trợ chỗ ở, với mức lương hiện tại Vinh cho biết mỗi tháng chỉ mất chừng 2 triệu đồng sinh hoạt phí, số tiền còn lại cậu gửi về cho bố mẹ 4 - 5 triệu đồng và tiết kiệm một khoản nhỏ cho bản thân.

Tết này Vinh đăng ký ở lại trực Tết từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng 2 Tết Âm lịch. Đây cũng là cái Tết thứ hai Vinh chọn ở lại thủ đô làm việc. Quãng đường về nhà khá xa lại khó khăn trong việc đặt vé tàu xe. Cậu chọn cách trực ca để ra Tết có nhiều thời gian về nhà hơn.

Vinh kể lúc gọi điện báo tin Tết không về mẹ khóc suốt. Còn bố động viên làm nhưng ráng giữ sức khỏe. Thôi thì mấy ngày tết được nhân đôi lương. Nếu trực bốn ngày Tết sẽ được nghỉ 12 ngày. Nên Vinh tính ra năm mọi người lên làm việc thì cậu sẽ bắt xe về quê ngay.

Chia sẻ về dự định trong năm mới, Phạm Văn Vinh đặt mục tiêu giao tiếp tốt tiếng Anh, học thêm kiến thức về nhà hàng, khách sạn. Hiện tại cậu đang tích góp chuẩn bị cho dự định mở một cửa hàng nho nhỏ cho riêng mình.

Chọn nghề phù hợp

Mới đầu thấy các bạn đồng trang lứa đi học đại học, được bố mẹ chu cấp tiền, Vinh thú thực có chút chạnh lòng. Nhưng nghĩ đến các em, nghĩ đến bố mẹ ở quê nhà, Vinh lấy đó làm động lực để cố gắng.

Thay vì học đại học 4 năm, Vinh chỉ mất 6 tháng học nghiệp vụ và được thực hành ngay. Hiện tại cậu còn hướng dẫn các bạn sinh viên khác khi lựa chọn đến thực tập tại khách sạn mình.

"Đã chọn học nghề phải có định hướng tốt, chọn nghề phù hợp với mình. Tiếp đến cố gắng trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề. Đam mê cộng với tâm huyết sẽ cảm thấy yêu nghề", Vinh bộc bạch.

Bỏ đại học luật đi học nghề bếp Bỏ đại học luật đi học nghề bếp

TTO - Tôi luôn tự nhủ sẽ cố gắng học thật giỏi để trở thành một bác sĩ, một thầy giáo hay một luật sư, nhưng rồi tôi tự làm cú 'bẻ lái' cho cuộc đời: rời bỏ giảng đường trường luật ngoài Bắc để Nam tiến học nghề bếp.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên