19/05/2017 08:00 GMT+7

​Cắt bỏ và tạo hình bàng quang mới cho bệnh nhân bị bướu xâm nhiễm

T.D.V
T.D.V

Một ca phẫu thuật kéo dài 7 giờ đồng hồ nhằm loại bỏ toàn bộ và tái tạo bàng quang mới từ ruột non cho bệnh nhân bị bướu bàng quang xâm nhiễm, vừa được thực hiện thành công tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.

Phẫu thuật cắt đốt nội soi bướu bàng quang ở giai đoạn sớm

Tiểu ra máu, cần nghĩ đến bướu bàng quang

Bệnh nhân là một phụ nữ 67 tuổi, đến khám tại Bệnh viện với triệu chứng tiểu ra máu kéo dài và sốt cao, đã được BS. Vũ Đình Kha, Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu của Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, chẩn đoán mắc bướu bàng quang.

Theo BS. Kha, các triệu chứng của bệnh nhân N.T.S. dễ gây nhầm lẫn với viêm đường tiểu. Tuy nhiên, trường hợp tiểu ra máu đột xuất và tái đi tái lại, cần nghĩ đến nguyên nhân do bướu đường tiết niệu gây nên. Một loạt xét nghiệm, thăm dò cận lâm sàng cần thiết như siêu âm, CT scan, nội soi sinh thiết và chụp MRI đường tiết niệu, vùng bụng đã được BS. Kha chỉ định thực hiện. Kết quả, không những bệnh nhân có bướu, mà các bướu niêm mạc còn xâm nhiễm, rơi vãi khắp bàng quang với kích thước bướu lớn nhất lên đến 2 x 3 cm.

“Với bướu bàng quang, có thể cắt đốt nội soi đối với bướu nông và kích thước nhỏ, hoặc cắt bán phần nếu là bướu dạng không xâm nhiễm để vẫn giữ được bàng quang. Còn với trường hợp bệnh nhân S., bướu đã xâm nhiễm rải rác khắp bàng quang nên phải cắt toàn bộ bàng quang để giảm thiểu khả năng phát triển bướu mới, hạn chế việc phải dùng hóa trị, xạ trị đối với bệnh nhân, giúp kéo dài thời gian sống thêm sau điều trị” - BS. Kha cho biết.

Tuy nhiên, phẫu thuật cắt bỏ và tái tạo bàng quang là kỹ thuật rất phức tạp, không chỉ yêu cầu cao về chuyên môn, mà còn phụ thuộc nhiều vào cơ địa, thể trạng sức khỏe của bệnh nhân có đáp ứng hay không.

Phương pháp hiệu quả điều trị ung thư bàng quang ở giai đoạn sớm

“Rất may mắn, qua hội chẩn, tình trạng bướu xâm nhiễm và cơ địa của bệnh nhân cho phép có thể tái tạo bàng quang mới (do niệu đạo chưa bị ảnh hưởng). Đặc biệt, ở độ tuổi 67, thể trạng bệnh nhân có thể đáp ứng được ca “đại phẫu” kéo dài 6-7 giờ. Với đầy đủ các chuyên khoa cần thiết phối hợp cho ca mổ, cùng sự hỗ trợ của Giáo sư đầu ngành tiết niệu, chúng tôi quyết định thực hiện ca phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bàng quang và tạo hình mới bằng ruột non cho bệnh nhân ngay tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn” - BS. Kha cho biết thêm.

Theo đó, sau khi cắt bỏ toàn bộ bàng quang bị bướu xâm nhiễm, ê-kíp phẫu thuật đã tái tạo một bàng quang mới bằng cách dùng một đoạn ruột non dài 50 cm tạo thành một túi chứa nước tiểu. Đặc biệt, bàng quang mới tái tạo này được nối với niệu đạo nên bệnh nhân vẫn có thể đi tiểu theo đường tự nhiên như trước phẫu thuật. Sau hơn 2 tuần phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu tích cực, bệnh nhân N.T.S. đã được xuất viện mà không có bất kỳ tai biến hay biến chứng nào.

“Rủi ro lớn nhất của ca phẫu thuật là bệnh nhân đuối sức, dẫn đến tử vong trong quá trình mổ. Tiếp theo là các biến chứng như tắc ruột, dính ruột, xì rò tại các chỗ nối giữa bàng quang tái tạo và niệu đạo… Do đó, áp lực nhất là khi thực hiện các vết cắt - ghép hai mép thành ruột non theo hình răng cưa trong quá trình tạo hình bàng quang mới” - BS. Kha chia sẻ.

Mặc dù là một căn bệnh nguy hiểm song ung thư bàng quang nếu được phát hiện sớm, cơ hội chữa trị dứt điểm lên đến 80%. Hiện nay, phẫu thuật vẫn là phương pháp hiệu quả trong điều trị ung thư bàng quang ở giai đoạn sớm. Trước đây, sau phẫu thuật cắt bỏ bàng quang, bệnh nhân phải mang theo túi nước tiểu ở bên hông đến hết đời. Với việc thực hiện thành công kỹ thuật tái tạo bàng quang mới mở ra cơ hội điều trị tốt hơn, không chỉ cứu sống mà còn giúp bệnh nhân ung thư bàng quang duy trì cuộc sống bình thường.

T.D.V
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên