Xem nội dung buổi giai lưu trực tuyến
Phóng to |
Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Quách Hồng Tuyến (ngồi) cùng các cán bộ của sở giải đáp thắc mắc tại buổi giao lưu - Ảnh: Thanh Đạm |
Buổi giao lưu quá tải với trên 500 câu hỏi của bạn đọc. Quy hoạch “treo” ở TP.HCM vẫn tập trung nhiều tại các khu vực thuộc các quận 8, 12, Gò Vấp, Thủ Đức... Trong đó nhiều khu vực đã “treo” nhiều năm qua, đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết.
Điều kiện để có giấy phép xây dựng tạm?
Đầu buổi giao lưu, ông Quách Hồng Tuyến - phó giám đốc Sở Xây dựng TP - cho biết theo quy định, điều kiện để được cấp phép xây dựng (CPXD) tạm chỉ áp dụng cho khu vực đã được duyệt và công bố quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền. Về phía chủ đầu tư phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Người dân trong các khu quy hoạch được xây dựng tạm tối đa năm tầng, tùy theo quy hoạch hoặc chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại khu vực đó.
Chẳng hạn khu vực hẻm 3m được CPXD tạm tối đa là ba tầng, chiều cao không quá 13,6m. Những khu vực hiện là đất nông nghiệp mà quy hoạch là công viên cây xanh, nhà ga... nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì UBND quận huyện lập kế hoạch sử dụng đất, khi đó mới giải quyết cấp phép tạm cho phù hợp với kế hoạch, mục đích sử dụng đất đó. Chủ đầu tư phải cam kết và thực hiện tháo dỡ không điều kiện nhà ở, công trình xây dựng khi Nhà nước thực hiện quy hoạch.
Đối với nhà ở trong khu vực hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu, hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch... mà Nhà nước chưa có kế hoạch thực hiện di dời các nhà ở đó ra khỏi khu vực nêu trên thì không được CPXD mới, chỉ được sửa chữa, cải tạo nhưng không làm thay đổi quy mô diện tích, kết cấu chịu lực an toàn của công trình.
Tương tự, nhà nằm trong phạm vi dự kiến mở rộng đường, đã được phê duyệt và công bố lộ giới nhưng chưa có kế hoạch mở rộng được phép sửa chữa, cải tạo nhưng không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu hiện trạng nhà cũ. Người dân xin phép sửa chữa tại UBND phường nơi có công trình. Trường hợp được cấp phép xây dựng tạm để cải tạo nhà ở thì chỉ xây dựng quy mô bán kiên cố một tầng (trệt, tường gạch, mái tôn hoặc ngói).
Nhà xây tạm không được đền bù
Chi 40-50 triệu đồng để được tồn tại? Không ít bạn đọc phản ảnh một số phường thuộc các quận ven, các xã thuộc huyện do chưa có quy hoạch nên muốn xây nhà, người dân phải chi cho cán bộ 40-50 triệu đồng mỗi trường hợp. Ông Quách Hồng Tuyến yêu cầu người dân phản ảnh, cung cấp cụ thể từng trường hợp đến thanh tra TP hoặc Sở Xây dựng để tìm hiểu. Ông Tuyến cũng lưu ý ông Trần Quốc Tuấn, trưởng phòng cấp phép xây dựng Sở Xây dựng TP, nên đặt lại vấn đề này khi làm việc với các cơ quan CPXD quận, huyện. |
Một vấn đề được nhiều bạn đọc đặt ra là người dân đã có nhà cũ, nay muốn tháo dỡ để xây nhà tạm thì nhà cũ hay nhà tạm được xem xét đền bù? Ông Quách Hồng Tuyến giải thích: khi có quyết định thu hồi thì nhà cũ trước khi tháo dỡ để xây tạm được xem xét đền bù theo quy định. Còn phần nhà xây mới sẽ không được đền bù. “Riêng việc mua bán nhà tạm vẫn được giải quyết theo quy định hiện hành và người mua nhà tạm đương nhiên không được đền bù kiến trúc nhà tạm” - ông Tuyến bổ sung.
Sở Xây dựng TP cho biết theo quy định CPXD mới (quyết định 68 của UBND TP, có hiệu lực từ ngày 25-9-2010), những công trình được miễn giấy phép xây dựng, gồm: công trình xây dựng trên đất nông nghiệp của hộ dân, không thuộc đất quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn.
Đồng thời những công trình này phải nhằm mục đích phục vụ cho nông nghiệp như nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác... Chỉ được xây dựng theo dạng công trình tạm bán kiên cố, một tầng, diện tích xây dựng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương do UBND quận huyện quy định. Người dân đăng ký tại UBND xã, nơi có công trình xây dựng.
Còn chậm rà soát, điều chỉnh quy hoạch
Quy định CPXD tạm trong các khu quy hoạch “treo” được xem là “mở” rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên bạn đọc Nguyễn Thị Phương Vân lại băn khoăn: quan trọng là Nhà nước phải cho biết thời gian triển khai dự án. Bởi vì số tiền xây nhà tạm rất lớn nhưng xây xong mà không được ở hoặc chỉ ở thời gian ngắn sau đó bị giải tỏa, như vậy sẽ tốn kém cho xã hội.
Ông Tuyến cho rằng nguyên tắc việc xây dựng tạm là để phục vụ nhu cầu bức thiết của người dân về nhà ở trong các khu quy hoạch. Hiện nay UBND TP đã cho xây dựng tạm tối đa là năm tầng nhưng các chủ đầu tư cần tính toán cho phù hợp với điều kiện ở cũng như khả năng kinh tế của mình nhằm tránh lãng phí khi Nhà nước cho thu hồi đất.
“Tuy nhiên chúng tôi ghi nhận ý kiến của bà để kiến nghị với lãnh đạo TP chỉ đạo các cơ quan quản lý quy hoạch, rà soát lại quy hoạch theo kế hoạch cũng như đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án để tránh lãng phí chung cho xã hội” - ông Tuyến hứa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ Sở Xây dựng nói việc lập quy hoạch là công việc cần thiết để định hướng trong một thời gian nhất định, phục vụ việc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, chứ Nhà nước không làm quy hoạch để “treo”.
Theo quy định, với quy hoạch chi tiết ba năm phải rà soát lại để điều chỉnh cho phù hợp. Trên thực tế, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch của các cơ quan chức năng rất chậm, không thực hiện đúng như quy định trên hoặc chưa công khai cho người dân biết. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người dân mà còn lãng phí khi quỹ đất đô thị chậm đưa vào sử dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận