Gần 0h một ngày giữa tháng 2, Trung tâm cấp cứu đột quỵ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM bất ngờ kích hoạt y lệnh khẩn "Code Stroke". Các bác sĩ nhanh chóng có mặt, khẩn trương cứu sống một bệnh nhân trẻ tuổi chỉ sau hơn 20 phút nhập viện.
Anh T.H.T, 38 tuổi, bất ngờ bị đột quỵ nhồi máu não sau khi đáp máy bay về nhà. May mắn được người nhà phát hiện và lập tức đưa vào viện, bệnh nhân được cứu sống kịp thời, hạn chế tối đa di chứng.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết cứ 1 phút trôi qua, đột quỵ sẽ giết chết gần 2 triệu tế bào não, do đó, để càng lâu nguy cơ tàn tật, tử vong càng lớn. Bác sĩ phải tận dụng từng phút giây để bảo toàn mạng sống và các chức năng cho người bệnh.
Tổ chức WSO Angels Awards (Mỹ) đưa ra tiêu chuẩn đánh giá về cấp cứu đột quỵ đạt tiêu chuẩn kim cương khi người bệnh đột quỵ vào viện đến lúc được can thiệp bằng thuốc tiêu sợi huyết (gọi là cửa sổ cửa kim) là dưới 45 phút.
Bác sĩ Minh Đức cho biết hiện quy trình cấp cứu đột quỵ cấp của Trung tâm cấp cứu đột quỵ Bệnh viện Tâm Anh đặt mục tiêu "cửa sổ cửa kim" dưới 30 phút. Tùy trường hợp, ví dụ với anh T., thời gian này còn hơn 20 phút giúp cứu sống và hạn chế di chứng cho người bệnh.
"Thời gian cấp cứu nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh và sự quyết định của thân nhân. Chúng tôi luôn sẵn sàng về công nghệ và quy trình", bác sĩ Minh Đức cho biết.
Cũng theo bác sĩ Đức, "giờ vàng" trong cấp cứu đột quỵ là từ 3 đến 4,5 giờ đầu kể từ khi người bệnh khởi phát đột quỵ. Các thiết bị hiện đại bậc nhất như CT 768 lát cắt, MRI 3 Tesla có thể giúp bác sĩ nhanh chóng xác định thể loại đột quỵ, vị trí, mức độ tổn thương, dự đoán thời gian xảy ra đột quỵ từ đó lựa chọn phương pháp can thiệp phù hợp.
Khung giờ vàng có thể mở rộng lên đến 6 giờ sau đột quỵ, giúp cứu thêm đến gần 30% người bệnh mà trước đây có thể bị đánh giá là hết cơ hội sử dụng thuốc tiêu sợ huyết.
Đột quỵ não có 2 thể là nhồi máu não và xuất huyết não. Khoảng 85% trường hợp nhồi máu não là do tắc nghẽn mạch máu. 15% trường hợp xuất huyết não là do vỡ mạch máu não. Cả 2 trường hợp đều cần được cấp cứu kịp thời vì để càng lâu thì tỷ lệ tử vong, tàn phế càng cao. Với đột quỵ do nhồi máu não, kỹ thuật dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (rTPA) làm tan cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu là phương pháp hiệu quả hàng đầu, có thể áp dụng trong khung thời gian lên đến 6 giờ sau cơn đột quỵ.
Nếu bệnh nhân bị tắc nghẽn ở mạch máu lớn, phương pháp can thiệp nội mạch lấy cục máu đông sẽ được áp dụng. BS.CKI Dương Đình Hoàn - Bác sĩ Can thiệp mạch Thần kinh Bệnh viện Tâm Anh, cho biết để can thiệp mạch máu não chính xác, máy chụp DSA (chụp mạch máu số hóa xóa nền) đóng vai trò quan trọng. Máy có thể xác định đường đi của mạch máu não, giúp bác sĩ thấy chính xác mạch máu não bị tắc ở đâu để luồn ống thông qua động mạch đùi, tiếp cận lên vị trí tắc để gắp cục máu đông. Các kỹ thuật hiện đại này có thể áp dụng trong 24 giờ từ khi đột quỵ, giúp giảm tỷ lệ tử vong và tăng khả năng hồi phục cho người bệnh.
Với trường hợp đột quỵ do xuất huyết não, phẫu thuật mở hộp sọ với thiết bị định vị dẫn đường và đặc biệt phẫu thuật bằng robot mổ não hiện đại sẽ giúp nhanh chóng kẹp mạch máu đang bị vỡ, chảy, cắt dị dạng động tĩnh mạch, lấy đi các khối máu tụ, giải áp vùng mô não bị tổn thương… Một phương pháp hiện đại khác có thể được sử dụng là thuyên tắc nội mạch (Coiling) giúp điều trị đột quỵ xuất huyết não ít xâm lấn, bằng cách sử dụng các vòng xoắn kim loại siêu nhỏ để bít túi phình bị vỡ, ngăn chặn không để máu chảy ra ngoài não.
Theo BS.CKII Lê Hồng Hải, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, một đơn vị cấp cứu đột quỵ có sự khác biệt rất lớn với đơn vị cấp cứu thông thường. Phải có bác sĩ chuyên ngành thần kinh đột quỵ, phải được trang bị đầy đủ các máy móc chuyên dụng như máy CT, MRI, xét nghiệm hiện đại cho kết quả nhanh, phương tiện monitor theo dõi huyết áp, đường huyết…
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, y lệnh khẩn "Code Stroke" là thông báo ưu tiên tối cao trên toàn bệnh viện, kết nối ngay lập tức các liên chuyên khoa cấp cứu, thần kinh, chẩn đoán hình ảnh, can thiệp mạch… Bảo vệ, thang máy, điều dưỡng ưu tiên mở lối đi riêng. Bệnh nhân được đánh giá ngay tại phòng cấp cứu với các máy móc di động và nhanh chóng được chụp CT hoặc MRI theo luồng ưu tiên. Kết quả CT, MRI được bác sĩ đọc ngay trên màn hình, hội chẩn cấp tốc và có thể xử lý can thiệp ngay tại phòng chụp.
Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tích cực tại khoa Hồi sức với những thiết bị máy móc hiện đại và chuyên gia hàng đầu. Quy trình tái khám với chụp MRI kiểm tra, đánh giá tuần hoàn máu não… được thực hiện thuận lợi. Ngay sau khi người bệnh vượt qua cơn nguy kịch đã có thể được tập vật lý trị liệu, hồi phục chức năng để hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Minh Đức khuyến cáo, hiện tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu kịp thời vẫn còn ít. Để tăng tỉ lệ này, người dân cần nhận biết sớm các dấu hiệu của đột quỵ như méo mặt, méo miệng, khó nói, tê yếu chân tay, nhìn mờ, đau đầu, choáng váng... Đồng thời, khi đột quỵ xảy ra, người nhà cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở tế có điều kiện, kỹ thuật, máy móc xử lý đột quỵ sẵn sàng, tránh đến những nơi chưa đủ điều kiện xử lý vì sẽ gây mất thời gian cứu sống người bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận