![]() |
Chiếc ghe cá chở bà Chuyền từ đảo Nam Du vào viện cấp cứu |
Sự sống, chết của bệnh nhân những nơi bốn bề là biển cả mênh mông này phụ thuộc hoàn toàn vào một tấm vé máy bay, một chuyến tàu đò...
Sống, chết chỉ cách nhau... “một tấm vé”
Hành khách trên chuyến bay Phú Quốc - TP.HCM sáng 2-7-2006 sẽ không bao giờ quên được hình ảnh một người mẹ khóc lóc, nài nỉ từng hành khách xin họ nhường vé để “cứu lấy con tôi”. Nhưng rồi những chuyến bay cứ gầm rú cất cánh đã để lại sau lưng ánh mắt thẫn thờ, tiếng kêu gào vô vọng của người mẹ bên cạnh đứa con đang cận kề cái chết...
“Nếu mua được vé có lẽ nó sẽ được cứu sống” - bà Trần Ngọc Hương, ở Bãi Thơm, huyện Phú Quốc (Kiên Giang), vẫn đau đớn, uất nghẹn khi nhắc lại cái chết của con bà, cô gái mới tròn 17 tuổi. Cô té, bị chấn thương sọ não, phải chuyển gấp lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.
- Một cán bộ ở sân bay Phú Quốc: “Trách nhiệm can thiệp vé cho bệnh nhân là thuộc về đại lý của Vietnam Airlines, họ mới có quyền phân phối vé máy bay”. - Ông Nguyễn Hoàng Anh, trưởng đại diện của Vietnam Airlines tại Kiên Giang: “Khi có ca cấp cứu, chúng tôi thường thương lượng hoặc có khi xuất vé của những hành khách du lịch thông thường để có vé cho người bệnh. Việc này chúng tôi đã làm từ trước tới nay”. - BS Đặng Thành Tấn, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Quốc: “Từ lúc làm giám đốc đến nay tôi chưa thấy một ca bệnh cấp cứu nào được ưu tiên hay được can thiệp để có vé máy bay chuyển bệnh nhân đi. Tất cả đều do chính thân nhân người bệnh van xin hành khách nhường vé. Hàng trăm ca cấp cứu mỗi năm chỉ có vài chục ca may mắn lắm mua được vé... Tôi thấy vẫn có một giải pháp: Vietnam Airlines nên dành lại số vé đủ cho một ca cấp cứu để bán vào giờ khóa sổ, nếu trước giờ đó phía bệnh viện không liên hệ vé cho bệnh nhân thì sẽ bán số vé đó”. |
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Bình, khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa Phú Quốc, những trường hợp như cô bé con bà Hương ở đây nhiều lắm. “Nhiều lần nhìn bệnh nhân vì không mua được vé phải chịu cái chết oan uổng chúng tôi đau xót lắm. Nhưng biết làm sao được...”, BS Bình nói.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Tâm nói thêm: “Hầu như tháng nào cũng có trường hợp như thế” và chị kể lại một trường hợp: bệnh nhân Phạm Văn Binh, ở khu phố 2, thị trấn An Thới, chấn thương sọ não kín, gãy xương đòn... phải chuyển đi Bệnh viện Chợ Rẫy gấp. “Tôi cùng người nhà đưa bệnh nhân ra sân bay. Chuyến bay buổi sáng đã hết vé, người nhà bệnh nhân năn nỉ, khóc lóc nhưng vô ích. Chuyến buổi trưa cũng không có vé. Đến 15g mới có vé và khi tới Bệnh viện Chợ Rẫy thì anh Binh đã qua đời”.
Còn trường hợp cháu Nguyễn Thị Kim Loan con chị Hồ Thị Huệ, ở khu phố 5, thị trấn Dương Đông, bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não đã không còn đủ sức để chờ đợi một đêm: lúc ấy chỉ còn chuyến bay cuối vào 15g, không mua được chiếc vé... Và trong đêm ấy cháu đã tắt thở. “Chết và sống chỉ cách nhau có một chiếc vé máy bay thôi...”, chị Huệ đau đớn nói.
Đảo xa chỉ biết... "lạy ông trời”
Bác sĩ Đặng Thành Tấn, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Quốc, nói: “Dẫu sao ở Phú Quốc cũng còn có máy bay, có tàu cao tốc, chứ ở những đảo xa như Thổ Châu (huyện Phú Quốc), quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải)... nếu lâm vào trường hợp cấp cứu nặng thì khó mà tránh cái chết...”.
“Điều này xảy ra thường xuyên...”, một chủ tàu đò nói. Mới đây một bệnh nhân, ông Sáu “vịt”, (buôn bán gà vịt) trên đảo Hòn Sơn, huyện Kiên Hải, bị tai biến mạch máu não phải chuyển gấp vào Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang. Nhưng tàu đò chưa đến giờ chạy, gia đình liền bao một chiếc xổng (loại ghe nhỏ) để đưa ông đi. Chiếc ghe ì ạch chạy trong sóng to, gió lớn.
![]() |
Chị Hồ Thị Huệ bức xúc kể về cái chết của con mình chỉ vì không mua được vé máy bay |
Theo bác sĩ Trần Văn Sĩ, khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, ở những đảo xa, các trạm y tế đều thiếu thốn phương tiện, nên hầu hết các ca chấn thương nặng khi chuyển vào bờ thì thường không kịp. Còn những ca tai nạn giao thông, tai nạn trên biển dù không nặng nhưng quãng đường di chuyển xa nên vào tới bệnh viện cũng đã nguy kịch. Bác sĩ Sĩ nói: “Các tai nạn trên biển thường là gãy tay chân, gãy xương sườn... kèm theo đứt mạch máu. Nếu ghe chạy mất 7-8giờ thì vết thương đã bị nhiễm trùng, mất máu nhiều. Vào cấp cứu chỉ còn biết cưa tay chân để cứu sống bệnh nhân”.
Theo sổ lưu bệnh án của Bệnh viện Đa khoa Phú Quốc, trong quí 2-2006 có 88 ca và trong năm 2005 có tới 240 ca cần chuyển cấp cứu tại TP.HCM và TP Rạch Giá. Hàng chục ca trong số trên đã chết vì không kịp chuyển viện. |
“Chúng tôi chạy từ 8g sáng đến 15g mới vào được đây. Mẹ tôi đau đớn không chịu được cứ nói mê sảng... Thấy mẹ nằm trên ghe cá sóng gió lắc lư như nằm trên bãi xương rồng, đau lòng quá... - anh Trương Văn Lĩnh, con rể bà Chuyền, nói - Cả nhà cầu nguyện. May trời phật còn thương đưa mẹ vào được đến đây, nếu không thì...”. Bà con ở bệnh viện nghe chuyện nói vào: “Bà cụ vậy là phước đức rồi, nhiều người bị chấn thương nặng chỉ có nước mua chiếc quan tài”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận