19/01/2021 10:00 GMT+7

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Trả món nợ 10 năm

T.D.V- MẬU TRƯỜNG
T.D.V- MẬU TRƯỜNG

Với hơn 20 triệu người dân ĐBSCL, buổi chạy thực nghiệm thông xe tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối tháng 12-2020 là ngày không thể nào quên.

Đó là một giấc mơ dài, giấc mơ hơn 10 năm của đồng bào cả nước nói chung và đặc biệt là của hơn 20 triệu người dân miền Tây nói riêng nay đã trở thành hiện thực; còn với nhà đầu tư, buổi thông tuyến như một món nợ mà họ đã trả được cho người dân.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Trả món nợ 10 năm - Ảnh 1.

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã thông tuyến trong niềm hân hoan của hơn 20 triệu người dân ĐBSCL nói riêng và đồng bào cả nước nói chung - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Dấu ấn lãnh đạo, năng lực nhà thầu, bản lĩnh nhà đầu tư

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi công từ tháng 11-2009, trong gần 10 năm với bao "thăng trầm", khối lượng thi công của dự án chỉ đạt 10% kèm theo những con số đáng buồn về việc triển khai dự án: 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần thay đổi tổng mức đầu tư, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành… Việc tháo gỡ các khó khăn, đưa dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận "về đích" sớm có ý nghĩa hết sức cấp bách, bởi tuyến đường đóng vai trò quan trọng kết nối vùng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ĐBSCL cũng như cả nước.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Trả món nợ 10 năm - Ảnh 2.

Tháng 3-2019, Tập đoàn Đèo Cả được liên danh nhà đầu tư mời tham gia quản trị, điều hành dự án để tháo gỡ vướng mắc, tiếp tục triển khai dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Khi đó, không mấy ai dám tin rằng Tập đoàn Đèo Cả sẽ làm được, bởi lịch sử 10 năm ì ạch của tuyến đường này đã làm mất niềm tin của hàng triệu người dân.

* Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thực hiện theo hình thức BOT, với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương) và điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (nút giao bờ Bắc cầu Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).

* Tháng 3-2019, Tập đoàn Đèo Cả được liên danh nhà đầu tư mời tham gia quản trị, điều hành dự án để tháo gỡ vướng mắc, tiếp tục triển khai dự án. Dự án có chiều dài toàn tuyến 51.5km, được tái khởi động lần 3 và UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh là 12.668 tỷ đồng, tháng 12-2020 thông tuyến và dự kiến hoàn thành vào năm 2021.

* Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như giải quyết tình trạng quá tải cho quốc lộ 1.

Vì thế, ngay từ khi Tập đoàn Đèo Cả được liên danh các nhà đầu tư mời tham gia "giải cứu" dự án từ tháng 3-2019 đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm "Dự án chậm một ngày, thêm một ngày mắc nợ nhân dân", rốt ráo thực hiện một loạt biện pháp nhằm tái khởi động dự án bị đình trệ cả một thập kỷ qua.

Mặc dù không tham gia góp vốn đầu tư và chỉ đảm nhận vai trò quản trị, điều hành nhưng với tinh thần hết sức trách nhiệm, Tập đoàn Đèo Cả đã tập trung nhân lực, sắp xếp lại bộ máy quản trị để quản lý dự án, cùng doanh nghiệp dự án chủ động, tích cực làm việc với Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Thuế, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an để tiến hành rà soát lại toàn bộ hồ sơ dự án, giải quyết các tồn tại trước đây, đồng thời loại bỏ nhà đầu tư 0 đồng, loại nhà thầu yếu kém và điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Để đáp ứng tiến độ chung của toàn dự án thì trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, hàng trăm người, từ ban điều hành, cán bộ quản lý, kỹ sư, người lao động của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã tạm ăn Tết xa nhà, bám công trường, thi công xuyên Tết. Toàn dự án có 10 gói thầu được tổ chức triển khai thi công 3 ca, kỹ sư, công nhân làm việc liên tục với tinh thần tình nguyện, làm việc để đạt kết quả thực chất, chứ không đơn thuần là khẩu hiệu suông.

Tất cả đồng lòng vì một mục tiêu là đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành tuyến đường quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đến thời điểm này tiến độ thi công lũy kế đã đạt hơn 75% tổng khối lượng toàn dự án, tăng tốc rất nhanh so với 10 năm trước đó.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thông tuyến trong năm 2020

Lần thứ 3 đến kiểm tra tiến độ dự án vào cuối tháng 7-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc đầu tư xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện nay có ý nghĩa quan trọng và cấp bách, nhằm kết nối tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, hình thành tuyến đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ và tiếp tục triển khai đoạn Cần Thơ - Cà Mau theo quy hoạch, để giảm tải cho tuyến quốc lộ 1, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Trả món nợ 10 năm - Ảnh 4.

Khoảng 1.500 cán bộ, công nhân liên tục làm việc ba ca trên công trường để thi công tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với quyết tâm không để thất hứa với người dân ĐBSCL - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan, UBND tỉnh Tiền Giang, Tập đoàn Đèo Cả trong vai trò là đơn vị điều hành dự án phải khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo thông toàn tuyến vào tháng 12-2020 và hoàn thiện dự án đưa vào khai thác trong năm 2021.

Nhiều tháng qua, với khối lượng thi công của dự án còn khá lớn, quá trình thi công trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, thời tiết cực đoan, hạn mặn gay gắt tại Đồng bằng sông Cửu Long, dẫn đến việc khan hiếm nguồn nguyên vật liệu, đòi hỏi chủ đầu tư và các nhà thầu phải nỗ lực cao nhất mới có thể đáp ứng được tiến độ.

Việc thông tuyến và cho xe chạy thử nghiệm trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào ngày 28-12-2020 đã một lần nữa khẳng định quyết tâm vượt khó của toàn thể cán bộ, kỹ sư, công nhân làm việc ở dự án và thể hiện cam kết đúng hẹn của Tập đoàn Đèo Cả khi tham gia dự án: Làm thật, có kết quả thật, tạo ra giá trị thật.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Trả món nợ 10 năm - Ảnh 5.

Chạy thực nghiệm thông toàn tuyến 28-12-2020 - Ảnh: Mậu Trường

Ông Nguyễn Tấn Đông - Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận, cho biết: "Với phương châm "Muốn thông đường thực địa, phải thông đường trách nhiệm", "Dự án chậm một ngày, thêm một ngày mắc nợ với nhân dân", dự án đã lập tiến độ gắn trách nhiệm cho chính mình và các bên liên quan đến dự án, cùng hàng ngàn cán bộ, kỹ sư và công nhân thực hiện làm việc 3 xuyên "xuyên đêm, xuyên tết, xuyên dịch" thay ca nhau ngày đêm bám sát công trường, cùng vượt khó, biến thách thức thành cơ hội, biến sự hoài nghi thành động lực, lấy lại lòng tin đã mất".

Và kết quả của hơn 1 năm rưỡi khởi động lại dưới sự quản trị điều hành của Tập đoàn Đèo Cả, dự án về đích thông tuyến đúng tiến độ theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

T.D.V- MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên