26/12/2013 16:29 GMT+7

Cao hơn bầu trời và chuyện... dưới mặt đất

CÁT KHUÊ
CÁT KHUÊ

TT - Sáng 24-12 tại Công ty TNHH MTV Phim Giải Phóng (Phim Giải Phóng) đã có cuộc gặp mặt hòa giải giữa nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân và lãnh đạo Phim Giải Phóng sau đơn khiếu nại của ông Nhân...

5i0NaGL8.jpgPhóng to
Hình ảnh trong một số tập Cao hơn bầu trời đã quay trước khi có kinh phí từ phía Nhà nước, được in thành lịch 2013 (Quý Tỵ) Ảnh: C.K.

Đây không phải lần đầu tiên báo chí nhắc đến 50 tập phim được làm về đề tài phòng không không quân VN. Tháng 12-2012, bộ phim này đã có buổi họp báo ra mắt một số tập đầu tiên (Tuổi Trẻ ngày 28-12 có sổ tay “Tôi thấy hình như chưa phải chúng tôi”) và nhận được những lời phản biện mạnh mẽ từ các tướng lĩnh phi công quân đội. Thời điểm đó, phim được định danh là tác phẩm Phim Giải Phóng phối hợp cùng Quân chủng phòng không không quân sản xuất. Thậm chí, dịp tết 2012-2013, Phim Giải Phóng còn in bộ lịch Cao hơn bầu trời với các hình ảnh diễn viên và bối cảnh trong phim để tặng các đối tác, đồng nghiệp và cán bộ hãng.

Thế nhưng đến tận ngày 15-3-2013, Bộ VH-TT&DL mới có quyết định số 1065/QĐ-BVHTT&DL đưa kịch bản bộ phim truyện Cao hơn bầu trời (tác giả kịch bản Nguyễn Minh Ngọc) vào kế hoạch sản xuất phim truyện năm 2013. Theo đó, “Bộ VH-TT&DL giao Cục Điện ảnh là chủ đầu tư dự án sản xuất bộ phim truyện truyền hình lịch sử nhiều tập Cao hơn bầu trời và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện đặt hàng Phim Giải Phóng sản xuất. [...]. Kinh phí đặt hàng cấp bổ sung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 10026/VPCP-KGVX ngày 7-12-2012; nguồn kinh phí do Nhà nước đặt hàng là 70% và nguồn xã hội hóa là 30%”. Và chuyện lùm xùm bắt đầu từ đó.

Dù đứng tên tác giả kịch bản của dự án này là ông Nguyễn Minh Ngọc, nhưng thực chất Phim Giải Phóng đã ký hợp đồng với ông Phạm Thùy Nhân (số 42/HĐKT/PGP) từ tháng 4-2012 để sửa chữa hoàn chỉnh 50 tập kịch bản Cao hơn bầu trời với giá trị nhuận bút là 7 triệu đồng/tập (350 triệu đồng cho 50 tập bao gồm cả thuế). Hiện tại số tiền còn lại của hợp đồng là khoảng 195 triệu đồng, Phim Giải Phóng chưa trả cho ông Nhân và đó là nguyên nhân của lá đơn (ngày 27-11-2013) khiếu nại ông Nguyễn Thái Hòa (tổng giám đốc Phim Giải Phóng) mà ông Nhân viết gửi Bộ VH-TT&DL, Cục Điện ảnh...

Trong đơn ông Nhân cho biết lý do ông được mời tham gia Cao hơn bầu trời là bởi “tháng 3-2012, kịch bản của tác giả Nguyễn Minh Ngọc do Phim Giải Phóng gửi duyệt xin Nhà nước đặt hàng đã bị Cục Điện ảnh bác”. Ngay sau đó, ông Nhân đã viết lại năm tập đầu tiên của kịch bản này và được Cục Điện ảnh thông qua để triển khai tiếp 45 tập sau. Sau hơn một năm làm việc để hoàn thành kịch bản thì ngày 21-6-2013, ông Thái Hòa đề nghị ông Nhân sửa chữa bổ sung một nhân vật mới vào kịch bản. Theo ông Nhân, đây là yêu cầu phức tạp nên đã đề nghị ông Thái Hòa hỗ trợ tiền, ông Hòa từ chối nên ông Nhân không sửa chữa nữa. Theo ông Nhân, đây là lý do ông Thái Hòa từ chối tạm thời không trả số tiền nhuận bút còn lại.

Cuộc gặp sáng 24-12 không như ông Nhân mong đợi, bởi ông cho biết ông Thái Hòa vẫn không chịu trả số tiền nhuận bút còn lại dù ông Nhân đã đề nghị ông Thái Hòa có thể trừ đi 10 triệu đồng “coi như tiền phạt về việc không sửa chữa kịch bản”. Ông Nhân cho rằng ông buộc phải làm đơn vì ông Hòa không chịu gặp để đối thoại cũng như không chịu trả tiền.

Trong cuộc gặp với ông Phạm Thùy Nhân, PV Tuổi Trẻ còn được biết thêm hiện tại ông Thái Hòa cũng có công văn gửi Đài truyền hình TP.HCM (ngày 11-7-2013) yêu cầu dừng giải ngân và quyết toán doanh thu từ việc phát sóng 40 tập phim truyền hình Bình Tây Đại nguyên soái của Hãng phim Cửu Long. Lý do cũng liên quan đến ông Phạm Thùy Nhân là bởi ông Thái Hòa cho rằng kịch bản Bình Tây Đại nguyên soái là của Phim Giải Phóng (đã thanh toán tiền theo hợp đồng số 88/HHĐ-PGP). Còn ông Nhân thì cho rằng kịch bản đó Phim Giải Phóng mới chỉ thanh toán 15 triệu đồng ứng trước (theo mức nhuận bút năm 2006 thì mới chỉ là khoảng 1/10 giá trị). Hơn nữa 40 tập mà Hãng phim Cửu Long thực hiện là kịch bản có cùng tên nhưng bản khác do ông Nhân viết cho Hãng Cửu Long sản xuất.

Vậy là chỉ trong vòng hai năm, Phim Giải Phóng đã có ba vụ khiếu nại cùng liên quan đến nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân (trước đó là Cát nóng, Tuổi Trẻ có bài ngày 22-12-2012: “Cát nóng là của ai?”). Xem ra, sự tồn tại của các hãng phim nhà nước gặp khó khăn không chỉ bởi sự lớn mạnh của khối làm phim tư nhân mà còn bởi những mâu thuẫn nội tại liên tục chưa được giải quyết...

Phim Giải Phóng cũng đi kiện

Nhiều lần định từ chối trả lời phỏng vấn, nhưng sáng 25-12, ông Nguyễn Thái Hòa - tổng giám đốc Phim Giải Phóng - cũng đồng ý trả lời PV Tuổi Trẻ nhiều vấn đề quanh khiếu kiện của nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân.

* Dự án Cao hơn bầu trời đã chiếu cho nhà báo và bên không quân xem vào tháng 12-2012 (sáu tập đầu), tại sao đến tháng 3-2013 Nhà nước mới quyết định cấp kinh phí, thưa ông?

- Dự án bộ phim truyện truyền hình (50 tập) Cao hơn bầu trời là dự án được Nhà nước đầu tư 70%, xã hội hóa 30%. Đã quay 10 tập đầu tiên, dựng hoàn chỉnh sáu tập bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Dự án đã được Ban Bí thư chấp thuận, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương, sau đó xây dựng và phê duyệt tổng dự toán. Đến tháng 9-2013, Thủ tướng Chính phủ mới chính thức quyết định - Bộ Tài chính cấp kinh phí.

* Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân có vai trò gì trong phim này và ông Nhân có đứng tên biên kịch trên phim không?

- Ông Phạm Thùy Nhân là người tham gia sửa chữa và bổ sung kịch bản Cao hơn bầu trời. Ông Phạm Thùy Nhân tự nguyện không đứng tên biên tập. Khâu biên tập đã có NSƯT Văn Lê và biên kịch Mai Lan.

* Việc hãng quyết định “phạt” ông Nhân nên không tiếp tục trả 190 triệu đồng nhuận bút chưa thuế còn lại là lý do vì sao thưa ông? Hướng giải quyết của hãng sắp tới sẽ thế nào?

- Phim Giải Phóng không “phạt” ông Phạm Thùy Nhân mà là tạm ngưng việc thanh toán tiếp nhuận bút sửa chữa - bổ sung kịch bản cho ông Nhân vì ông Nhân đã không thực hiện đúng những điều khoản đã ký kết trong hợp đồng. Tính đến ngày 21-6-2013, Phim Giải Phóng đã tạm ứng cho ông Nhân 50% nhuận bút trên tổng giá trị hợp đồng, trong khi theo điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng biên tập với Phim Giải Phóng, ông Nhân chỉ được nhận 20%.

* Sau Cát nóng, Bình Tây Đại nguyên soái cũng là một vụ khiếu nại có liên quan đến nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân. Vụ việc này thực tế ra sao và hãng có hướng giải quyết thế nào?

- Kịch bản Cát nóng đã giải quyết xong, không liên quan gì đến kịch bản Bình Tây Đại nguyên soái. Về kịch bản Bình Tây Đại nguyên soái: là kịch bản Phim Giải Phóng đã có hợp đồng sáng tác ký với ông Phạm Thùy Nhân. Nhưng trong khi Phim Giải Phóng và Hãng phim Cửu Long (do ông Phan Hoàng làm giám đốc) chưa thống nhất về phương cách hợp tác sản xuất phim này, thì Phim Giải Phóng phát hiện Hãng phim Cửu Long đã sử dụng kịch bản Bình Tây Đại nguyên soái để sản xuất phim cho HTV, và phim đã trình chiếu. Hiện Phim Giải Phóng đang kiện lên Cục Bản quyền việc Hãng phim Cửu Long sử dụng trái phép kịch bản Bình Tây Đại nguyên soái.

CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên