24/01/2024 09:13 GMT+7

Cảnh sinh hoạt trong giá rét -3 độ C ở ngôi làng cao nhất Việt Nam

Thôn Ngải Thầu (xã A Lù, huyện Bát Xát, Lào Cai) nằm ở độ cao chừng 2.000m. Những ngày này tiết trời rét cóng kèm mưa và sương mù.

Người vùng cao đưa vật nuôi về nhà chống rét - Ảnh: HỒNG QUANG

Người vùng cao đưa vật nuôi về nhà chống rét - Ảnh: HỒNG QUANG

Ở cao độ khoảng 2.000m, vùng biên Bát Xát (Lào Cai) trải qua đợt rét hại với nền nhiệt dưới mức 0 độ C. Trời mưa rả rích khiến tiết trời càng thêm giá buốt.

Từ mỏm đất bên tỉnh lộ 158, anh Phà (32 tuổi) ngước đôi mắt xa xăm nhìn lên dãy núi dựng đứng, cao vời vợi đến nhức mắt. Vừa nhìn, anh vừa đợi cho 3 con trâu uống nước, rồi tiếp tục hành trình đưa chúng về nhà để tránh đợt giá rét dài ngày.

Cheo leo trên vách núi Ma Cha Va bốn mùa thừa thãi gió trời và sương giá khi đêm về, hơn 90 nóc nhà của người Mông bao đời qua vẫn nép mình bên bờ vực. Họ sinh sống quần tụ, mãnh liệt và bền bỉ, tạo thành thôn Ngải Thầu Thượng, bản làng cao nhất Việt Nam.

Giá rét nơi bản làng cao nhất Việt Nam

Đường từ trung tâm xã A Lù đi Ngải Thầu Thượng đã đổ bê tông theo chương trình nông thôn mới, nhưng chênh lệch độ cao khiến cả những chiếc xe côn tay mỗi lần vượt dốc cũng phải gằn lên tiếng máy, rồi biến mất sau lớp sương mù dày đặc.

"Dốc A Lù, sương mù Y Tý", câu nói truyền nhau của người Bát Xát như lột tả đầy đủ về sự hiểm trở, có phần bí ẩn của vùng đất biên thùy xa ngái này.

Ngã ba đường cái vào Ngải Thầu vắng lặng trong chiều giá rét, lũ trẻ mặt lấm lem, khoác tấm áo mỏng rồi ngồi co ro quanh bếp lửa. Thấp thoáng sau bờ rào đá có cô gái Mông ngồi dệt áo thổ cẩm chờ ngày Tết. Những sợi chỉ trên tay cô là thứ duy nhất ánh lên sắc màu giữa mênh mang đá núi và xám xịt mây trời.

Cô gái Mông tên Mơ. Chị Mơ không nói được nhiều tiếng Kinh, chỉ có thể nói rằng cứ đến mùa đông, khi những tán cây tống quán sủi rụng lá trơ khấc, bà con lại dắt trâu từ trên rừng về nhà. Nhưng năm nay, đợt nắng ấm khiến nhiều nhà nấn ná, khi rét mạnh, cánh đàn ông trong thôn mới vội vã đi tìm trâu về.

Cô gái người Mông dệt thổ cẩm giữa tiết trời giá rét

Cô gái người Mông dệt thổ cẩm giữa tiết trời giá rét

Ở giữa thôn, bếp lửa trong nhà anh Sùng A Tùng (26 tuổi) không lúc nào ngưng đượm, bởi sưởi lửa là biện pháp để giữ ấm phổ biến nhất với đồng bào vùng cao. Ở Ngải Thầu, mỗi nhà đều có một kho chứa củi để duy trì những bếp lửa hồng như thế. Số củi được họ tích trữ trong những buổi đi nương từ nhiều tháng nay.

Anh Tùng kể người Y Tý - A Lù nhiều đời qua vẫn đốn cành của cây tống quá sủ về nhà, bởi chất củi khô, cháy đượm. Họ đốn cành, nhưng thân cây vẫn để lại để sau những ngày giá rét, những mầm non lại tiếp tục mọc lên, hiên ngang vươn mình giữa mỏm núi nơi đỉnh trời Ma Cha Va, che chắn cho những mái nhà, nương ngô xanh mướt.

Hơ bàn tay như tê cứng trên bếp lửa, anh Tùng chia sẻ những ngày này được ở nhà vẫn còn "hạnh phúc lắm". Trên những đỉnh cao ở phía Lảo Thẩn, Nhìu Cồ San… nhiều người trong thôn đang co ro trong những túp lều tạm. Họ xa nhà nhiều tuần để đi sấy xuyên khung trên núi.

"Rễ xuyên khung sau khi nhổ phải gom củi sấy khô tại chỗ, mang về thì hỏng hết", anh kể. Anh cho hay cứ vào cuối năm, hàng đoàn người Mông, Hà Nhì đi về phía đỉnh núi để mưu sinh như thế.

Bếp lửa nhà anh Tùng luôn cháy đượm trong ngày giá rét 

Bếp lửa nhà anh Tùng luôn cháy đượm trong ngày giá rét

Tiếng cô trò vẫn rộn vang ở điểm trường vùng biên trong cái rét dưới 0 độ C

Điểm trường mầm non và tiểu học Ngải Thầu nằm trên sườn của một vách núi cao chừng 1.900m, bốn bề là gió, xa xa là dãy Nhìu Cồ San trơ trọi, xám xịt trên nền trời. Điểm trường được chia thành 3 khối nhà - nơi trẻ em tập trung đi học cái chữ để thoát nghèo. Ngày giá rét, các lớp vẫn rộn vang tiếng cô trò.

Cận cảnh lớp học giữa cái rét -3 độ C, mâm cơm vừa dọn ra, bát thịt đã đông lại

Giữa trưa, nền nhiệt Ngải Thầu có lúc xuống dưới mức 0 độ kèm sương mù và mưa ẩm làm tê tái bọn trẻ. Một bếp lửa hồng được nhóm lên giữa lớp nhưng không đủ xua đi cái lạnh.

Bàn tay các em run run cầm sách, đọc từng con chữ. Đôi chân xỏ đôi dép lê, thi thoảng rung lên từng hồi. Trên khuôn mặt ram ráp vì nứt nẻ và lấm lem cát bụi của các em, đôi mắt vẫn ánh lên cái nhìn của sự hào hứng khi cô giáo cất tiếng giảng bài.

Lớp học vùng cao vẫn rộn vang tiếng cười trong ngày giá rét 

Lớp học vùng cao vẫn rộn vang tiếng cười trong ngày giá rét

Hơn 4 năm làm giáo viên bám bản tại điểm trường cao nhất Việt Nam, chị Vũ Thu Huyền (giáo viên lớp mầm non) luôn nhắc tới cái rét làm minh chứng cho thiên nhiên khắc nghiệt của vùng đất này. Năm đầu lên nhận công tác, chị gặp trận gió mùa khiến cả vùng đóng băng và rơi tuyết.

"Tôi nhớ như in rằng nước sinh hoạt cũng bị đóng đá. Các cô phải đi rất xa để xách nước về dùng", chị kể lại và nói rằng cái rét đầu năm 2024 này "chưa thấm vào đâu".

Từ Ngải Thầu, để về thăm nhà tại thành phố Lào Cai, các cô giáo trên bản mỗi cuối tuần phải men theo tỉnh lộ 158 hàng chục cây số cùng hàng loạt con dốc cao kèm khúc cua tay áo. Tình yêu con trẻ là động lực lớn nhất để họ lại lên đường vào mỗi chiều chủ nhật.

Hằng ngày hết ca dạy, các cô lại trở lại không gian riêng của mình ngay tại điểm trường này. Cô Huyền kể thường hay ra bãi đất ở Ngải Thầu, phóng tầm mắt nhìn về những đám mây bất tận cùng những mái nhà trình tường nằm sát đường biên, đậm chất rẻo cao, gợi nhớ về một thời xa xôi trong quá khứ. Và rồi, đó trở thành niềm vui của người giáo viên để tiếp tục hành trình cõng cái chữ lên non.

Chiều nay trời rét, lớp mầm non được phụ huynh đón sớm hơn thường lệ. Không gian vắng lặng bao lấy điểm trường lẩn khuất trong sương.

Một số hình ảnh do phóng viên Tuổi Trẻ ghi lại trong ngày giá rét tại vùng cao Bát Xát, Lào Cai:

Cảnh sinh hoạt trong giá rét -3 độ C ở ngôi làng cao nhất Việt Nam- Ảnh 5.
Cảnh sinh hoạt trong giá rét -3 độ C ở ngôi làng cao nhất Việt Nam- Ảnh 6.
Cảnh sinh hoạt trong giá rét -3 độ C ở ngôi làng cao nhất Việt Nam- Ảnh 7.

Ở vùng cao những ngày rét buốt, trâu bò được đưa từ trên rừng về tại nhà. Người dân đốt lửa, cho ăn cám nóng để trâu bò chống rét - Ảnh: HỒNG QUANG

Tại điểm trường tiểu học Ngải Thầu, giáo viên phải đốt bếp lửa sưởi ấm cho học trò 

Tại điểm trường tiểu học Ngải Thầu, giáo viên phải đốt bếp lửa sưởi ấm cho học trò

Những ngày này, các em cũng được đón về nhà sớm hơn thường lệ 

Những ngày này, các em cũng được đón về nhà sớm hơn thường lệ

Ngày giá rét, phụ huynh vùng cao vẫn đưa trẻ tới lớp để được cô giáo chăm sóc, sưởi ấm bởi điều kiện tại nhiều gia đình khó khăn. Nhiều đứa trẻ dù giá rét vẫn nô đùa ngoài trời 

Ngày giá rét, phụ huynh vùng cao vẫn đưa trẻ tới lớp để được cô giáo chăm sóc, sưởi ấm bởi điều kiện tại nhiều gia đình khó khăn. Nhiều đứa trẻ dù giá rét vẫn nô đùa ngoài trời

Cảnh sinh hoạt trong giá rét -3 độ C ở ngôi làng cao nhất Việt Nam- Ảnh 11.
Cảnh sinh hoạt trong giá rét -3 độ C ở ngôi làng cao nhất Việt Nam- Ảnh 12.

Những kho củi chất đầy quanh nhà người vùng cao làm nguyên liệu cho bếp lửa trong ngày giá rét. Các thôn bản cũng vắng lặng thời gian này

Những người có việc ra ngoài phải mặc quần áo dày để chống chọi với giá rét

Những người có việc ra ngoài phải mặc quần áo dày để chống chọi với giá rét

Người phụ nữ dệt thổ cẩm cho bộ trang phục Tết 

Người phụ nữ dệt thổ cẩm cho bộ trang phục Tết

Cảnh sinh hoạt trong giá rét -3 độ C ở ngôi làng cao nhất Việt Nam- Ảnh 15.
Cảnh sinh hoạt trong giá rét -3 độ C ở ngôi làng cao nhất Việt Nam- Ảnh 16.

Trẻ sơ sinh được ủ ấm trong nhà 

Xem học sinh học hành giữa cái rét -3 độ C ở độ cao gần 2.000mXem học sinh học hành giữa cái rét -3 độ C ở độ cao gần 2.000m

Xã vùng biên A Lù (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) có lúc xuống dưới 0 độ C trong ngày 23-1. Nhưng trong giá rét, từng tốp học sinh vẫn nô nức đến trường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên