Một máy cày chở hàng trên tuyến đường thuộc xã Ea Bông, huyện Krông Ana, Đắk Lắk - Ảnh: TRUNG TÂN
Theo phản ánh của người dân có máy cày tại huyện Krông Ana (Đắk Lắk) thường xuyên phải đi lại, chở hàng hóa trên địa bàn huyện, gần đây lực lượng cảnh sát giao thông thường chặn xe, yêu cầu "nộp phạt" định kỳ 6 tháng/lần với số tiền 850.000 đồng.
Theo đó, sau khi bị cảnh sát giao thông phạt, người dân đến kho bạc huyện đóng tiền, lấy biên lai. Người dân giữ biên lai, khi gặp cảnh sát giao thông khác thì xuất trình là xe đã "đóng phạt" để được đi tiếp...
Trao đổi với phóng viên, thiếu tá Nguyễn Văn Can - đội trưởng đội cảnh sát giao thông Công an huyện Krông Ana - cho rằng phản ánh của người dân nói đơn vị yêu cầu những người có máy cày "nộp phạt định kỳ" là không chính xác, không đúng bản chất.
Theo ông Can, tất cả vi phạm của các xe, trong đó có máy cày đều bị cảnh sát giao thông huyện xử lý bằng biên bản vi phạm hành chính, sau đó công an huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Người vi phạm đến kho bạc huyện đóng tiền phạt như trong quyết định.
Tuy vậy, ông Can thừa nhận có việc "xử phạt nương tay" đối với vi phạm của các chủ máy cày.
Theo ông Can, nhiều chủ máy cày chưa lập thủ tục đăng ký, chưa có bảo hiểm, khi lưu thông thường chở quá khổ, quá tải… Những lỗi này thường bị xử phạt hành chính rất nặng, mức phạt nhiều mà phần lớn chủ các phương tiện là nông dân, có hoàn cảnh khó khăn.
Vì vậy anh em trong đội thường chọn 1-2 lỗi nhẹ nhất trong khung xử phạt để lập biên bản. Người dân đã nộp phạt, cầm biên lai đóng tiền để lưu thông, gặp cảnh sát giao thông khác hỏi thì xuất trình rằng đã nộp phạt sẽ được bỏ qua.
Việc này nhằm linh động để người dân được lưu thông chứ không có chuyện cứ mấy tháng bắt chủ phương tiện phải nộp phạt một lần
Thiếu tá Nguyễn Văn Can, đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Krông Ana
Về phản ánh mức phạt 850.000 đồng/6 tháng, ông Can nói do chủ ý phạt lỗi nhẹ nên chủ các máy cày ít khi bị phạt số tiền lớn như vậy, có thể là tổng hợp nhiều lỗi phạt một phương tiện nào đó.
"Đúng là việc xử phạt phải theo lỗi cụ thể nhưng mình cũng linh động, phạt ít thôi, không phải cứ 6 tháng một lần. Cứ lâu lâu lập một cái, lần sau anh em có lỡ vi phạm, đưa biên lai đã bị phạt ra, cảnh sát giao thông linh động cho đi" - ông Can nói.
Theo ông Can, nếu xử phạt thẳng tay thì chủ các máy cày không đủ điều kiện đóng, nhưng nếu không xử phạt thì không có số liệu báo cáo hằng tuần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận