23/12/2007 07:30 GMT+7

Cánh diều vàng dành cho phim ngắn 2007: Giải thưởng dành cho sức trẻ

HOÀI NAM
HOÀI NAM

TT - Lễ trao giải thưởng Cánh diều vàng dành cho phim ngắn 2007 đã diễn ra tối 22-12 tại Nhà văn hóa điện ảnh Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, TP.HCM. Trong ảnh: đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn (trái) đoạt giải Cánh diều vàng với bộ phim Phương "khùng" trò chuyện với MC - diễn viên Hồng Ánh.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Cuộc thi đã khép lại. Qua những gì các đạo diễn trẻ thể hiện trong tác phẩm của mình, những nhà làm phim chuyên nghiệp lại khấp khởi hi vọng sẽ có luồng gió mới trẻ trung cho điện ảnh VN trong tương lai.

d5rolwnX.jpgPhóng to C7qyDTeb.jpg

Ảnh: Minh Đức

Nhà quay phim Phạm Hoàng Nam, thành viên ban giám khảo cuộc thi, chẳng ngần ngại bộc bạch: "Khi làm phim chuyên nghiệp, mình hay tự "rào cản" chính mình. Các bạn trẻ thì không, họ sáng tạo rất tự nhiên, không giới hạn về tư duy. Xem phim của các bạn, tôi học được nhiều điều, như cách nhìn của các bạn về cuộc sống. Cũng sự kiện ấy, vấn đề ấy nhưng qua cách nhìn của các bạn thì khác hẳn. Đó là những cái tôi đầy cá tính, tìm tòi và rất trẻ”.

Độc đáo Hộp quẹt bật lửa

Dù chỉ đoạt giải khuyến khích nhưng bộ phim Hộp quẹt bật lửa của Nguyễn Nhật Duy, chàng sinh viên 21 tuổi của Đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội, khiến ban giám khảo chú ý bởi cách thể hiện táo bạo. Nhà quay phim Phạm Hoàng Nam tấm tắc: "Phim đánh đố người xem bằng hình ảnh và âm thanh qua những cú máy tĩnh, rất dài mà những nhà làm phim chuyên nghiệp chưa chắc dám thể hiện". Còn trưởng ban giám khảo, đạo diễn, NSƯT Thanh Vân xem đó là "sự thể hiện rất độc đáo và có một góc đứng riêng, không lẫn vào các phim khác".

Góc đứng riêng của Duy là trong 28 phút phim, Hộp quẹt bật lửa chỉ có khoảng 10 cảnh. Một điều hiếm trong cách làm phim của VN hiện nay. Chưa kể có cảnh dài 13 phút, chỉ một góc máy tĩnh nói về cuộc đối đáp của hai nhân vật chính. Không khí phim mô tả một trạng thái bế tắc, chán nản của nhân vật nhưng lại khiến người xem khó rời màn hình bởi những câu thoại đời thường và rất tự nhiên. Đáng tiếc là Nhật Duy đã bị "đuối" ở phần sau khi đưa nhân vật vào bộ trang phục của công an khiến phim bị gãy mạch cảm xúc. Thêm nữa âm thanh thu đồng bộ của phim không tốt cũng là chi tiết mất điểm với ban giám khảo.

5PCr6Uzq.jpgPhóng to 1P3IpEME.jpg

Phần thưởng của sự sáng tạo

Cánh diều vàng: Phương "khùng" (Nguyễn Anh Tuấn).

Cánh diều bạc: Bờ bên kia (Đinh Thái Thụy), Hoa cải về trời (Lý Minh Thắng), Ảo ảnh (Nguyễn Thế Vinh). Giải khuyến khích: Vụ trộm hi hữu (Trương Anh Minh), Hộp quẹt bật lửa (Nguyễn Nhật Duy), Sắc màu (Lệ Thị Dung). Ngoài ra còn bốn bằng khen.

Ngoài Cánh diều vàng với cách thể hiện mới đầy tìm tòi trong thể loại tài liệu, ba Cánh diều bạc dành cho ba phim truyện là kết quả của sự thể hiện đầy chất trẻ và tâm huyết.

Hoa cải về trời không có lời thoại, câu chuyện phim được diễn giải bằng hình ảnh rất xúc động về câu chuyện một người mẹ vì hoàn cảnh phải bỏ rơi con mình. Bỏ qua việc phim quá lạm dụng âm nhạc, nhà quay phim Phạm Hoàng Nam đã phải ngẩn ngơ khi xem những khuôn hình trong phim.

Bố cục hình chặt, cách sắp xếp, tổ chức những góc máy đậm chất điện ảnh, khó chê vào đâu được. Còn ở Ảo ảnh, đạo diễn Đào Bá Sơn không tiếc lời khen cách tác giả đã sử dụng ngôn ngữ điện ảnh độc đáo và khá nhuần nhuyễn. Qua lời đối thoại nội tâm từ hai bà cháu, những phá cách với giọng điệu rất riêng, tác giả biết giấu bí mật đến phút chót cho nhân vật. Còn trong Bờ bên kia, Đinh Thái Thụy đã khai thác tận cùng tâm lý nhân vật, chưa kể anh cũng rất "gan" khi đưa vào rất ngọt một cảnh khá "nóng" trong phim... Rồi trong Gã,Sám hối, Mẹ ơi... mỗi phim là một cá tính rất riêng, đậm tính sáng tạo của từng tác giả.

Mỗi người một nét, nhưng nói như NSƯT Thanh Vân thì họ có chung một đặc điểm: "Rất đam mê nghề, có nền tảng, sáng tạo và đem vào phim hơi thở khỏe khoắn của tuổi trẻ hiện đại, tại sao chúng ta không đặt niềm tin vào họ trong tương lai?".

Khi "con nhà nghèo" làm phim

TYHUShMP.jpgPhóng to L3OfKYvO.jpg

Chơi "trò chơi dành cho con nhà giàu" - đó là sự so sánh ví von dành cho các sinh viên đang theo học ngành đạo diễn. Có thể nói ngoài khoản học phí mỗi năm từ 3-5 triệu đồng, sinh viên ngành đạo diễn rất... đau khổ khi tìm kinh phí để làm phim. Để làm một bộ phim từ 10 đến hơn 20 phút, sau khi tận dụng hết "cây nhà lá vườn" như diễn viên là bạn cùng trường, người thân; quay phim là người cùng khóa; thiết kế, âm thanh là bạn cùng khoa, máy móc mượn của nhà trường, bối cảnh tận dụng triệt để từ nhà người quen... Trừ hết mọi khoản có thể "miễn phí” thì tùy theo kịch bản, để làm phim mỗi sinh viên chuẩn bị ít nhất 10 triệu đồng. Chưa ra trường thì lấy tiền ở đâu?

Để có tiền làm phim, nhiều bạn đã tích cóp dành dụm từ năm nhất. Với quan điểm "hoặc không là gì cả, hoặc là một điều đặc biệt", để có những cú máy được xem là táo bạo trong Hộp quẹt bật lửa, Nhật Duy phải "ngâm cứu" làm sao phim hay, độc đáo mà ít tốn kém nhất bởi kinh phí có thể chi chưa đến 10 triệu đồng. Để có một cảnh quay 13 phút liền, Duy và các bạn đã thức trắng một đêm, bàn kỹ với quay phim bởi chỉ có một máy quay cầm tay... Biết bao cái khổ sinh từ "cái khó” như thế.

Trước đây đạo diễn Bảo Trung đã bán chiếc xe máy, phương tiện đi lại duy nhất của anh, để làm phim tốt nghiệp. Còn với Đinh Thái Thụy, bây giờ 30 triệu để làm phim đối với một chàng trai gia đình làm nông ở Krông Ana, Đắc Lắc là cả một vấn đề. Đang là sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, Thụy vẫn đăng ký thi vào khoa đạo diễn Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM. Khi quyết định làm Bờ bên kia, Thụy quyết một ván bài liều. Anh thuyết phục chị gái cầm sổ đỏ căn nhà của chị đi thế chấp ngân hàng, lấy 30 triệu cho anh... làm phim. "Tài sản" anh thế chấp với chị là lời hứa "một bộ phim xem được và em sẽ đi làm trả nợ sau". Thương em, thương ước mơ cháy bỏng của em trai nên người chị gật đầu. Nhưng Thụy không phải là trường hợp duy nhất dám liều vì đam mê...

Thụy tâm sự thay bạn bè đồng cảnh ngộ: "Khi làm phim, chúng tôi như điếc không sợ súng. Ừ, thì mình nhà nghèo, theo nghề này có vẻ đua đòi. Nhưng với tôi, đó là sự đua đòi đúng, vì mình thích, mình đua đòi bằng kiểu tiền ít, song đã chơi sẽ cố làm sao cho ra chất lượng sản phẩm con nhà giàu". Niềm tin mà những nhà làm phim chuyên nghiệp vừa đặt vào những đạo diễn trẻ, dường như cũng là một cách trả lời!

Phương "khùng": tự nhiên và mộc mạc

fKpmjuNY.jpgPhóng to

Thông thường, tác phẩm đoạt giải cao nhất cuộc thi mọi năm thuộc về phim truyện, nhưng năm nay bộ phim tài liệu Phương "khùng" của Nguyễn Anh Tuấn (Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM) đã chinh phục tất cả thành viên ban giám khảo. 28 phút phim đã chộp được những khoảnh khắc rất đắt khi khai thác một chân dung đời thường.

Một người đàn ông 45 tuổi không nhà cửa, làm nghề mò "những gì có thể bán được" ở bãi biển Sa Huỳnh. Không lời bình, những cú máy theo sát, thu tiếng trực tiếp, cuộc đời của nhân vật tên Phương hiện lên chân thật, xúc động qua từng khuôn hình và tự sự của anh. Sâu thẳm trong con người bị gọi là "khùng" ấy là một tâm hồn biết yêu thương, biết cưu mang những người cùng cảnh ngộ, biết vượt lên hoàn cảnh, vượt lên số phận để tồn tại với một ước mơ đơn giản: "mong dành dụm ít tiền để khi già về quê bán vé số".

Tự nhiên và mộc mạc, tác giả Nguyễn Anh Tuấn đã thể hiện một sự tìm tòi trong cách làm phim. Nói như đạo diễn Phạm Hoàng Nam: "Phương "khùng" là phim tài liệu nhưng nội dung hoàn toàn như một phim truyện. Tác giả đã sống cạnh nhân vật, tâm huyết với nghề lắm mới có được tác phẩm chân thật như vậy".

HOÀI NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên