23/02/2011 03:13 GMT+7

Cánh bướm của ý chí

TRƯƠNG MINH QUÝ
TRƯƠNG MINH QUÝ

TT - Nếu một ngày nào đó bạn mắc một căn bệnh kỳ lạ gọi nôm na là hội chứng “khóa trong”, bạn sẽ không cử động được cơ thể, mọi sinh hoạt của bạn phải nhờ đến sự trợ giúp của máy móc, ngay cả việc thở. Xác suất rơi vào căn bệnh này cũng hiếm như xác suất trúng xổ số giải đặc biệt, nghe đến đây chắc hẳn bạn thở phào.

Ubcw6XwM.jpgPhóng to

Sách do Thái Hà và NXB Lao Động - Xã Hội ấn hành năm 2010. Bộ phim cùng tên chuyển thể từ cuốn sách đã đoạt 41 giải thưởng, trong đó có giải phim nước ngoài hay nhất tại Quả cầu vàng 2007.

Điều phi thường là trong thời gian mắc bệnh, khi chỉ còn mỗi mắt trái còn chuyển động được, Bauby đã “viết” cuốn tự truyện Chiếc áo lặn và con bướm. Cách làm việc của ông là: một người cầm một bảng chữ cái đưa ra trước mặt ông, trong đó các chữ được xếp theo thứ tự giảm dần tần suất sử dụng trong tiếng Pháp. Người giúp đỡ Bauby sẽ đọc lần lượt các chữ cái và nếu muốn dừng ở chữ nào, Bauby sẽ nháy mắt một cái. Cứ thế, từng chữ một được ghép thành từ rồi thành câu, thành đoạn, thành trang. Và cuối cùng là thành cuốn tự truyện 129 trang chưa tính bìa, khổ 12x20cm mà chúng ta có được hôm nay.

Có một thứ mãi tuôn chảy không ngừng trong Bauby: ý thức. Dòng ý thức ấy như con bướm nhỏ bay qua không gian và thời gian, đến những miền đất kỳ thú, đến với người cha già của mình, những đứa con yêu dấu... Con bướm nhỏ ấy đã giúp Bauby thoát khỏi tình cảnh hiện tại mà ông ví như “chiếc áo lặn” - ông mắc kẹt trong chiếc áo lặn, ông vẫn thở nhưng cứ dần chìm sâu xuống đáy biển.

Nếu có thể tóm tắt gì về cuốn sách này, có lẽ chỉ cần một câu: một cuốn sách về tình yêu cuộc sống. Tình yêu cuộc sống với Bauby được thể hiện qua một thứ: mùi khoai tây khét. Bauby đã vượt qua một chặng đường “trời nắng như đổ lửa” trên xe lăn, đi qua “ba bãi đổ xe trải nhựa sần sùi khiến mông phải trải qua thử thách đến là gian khổ” - một quãng đường không mấy khó khăn với những người bình thường, nhưng đó là cả một thử thách với Bauby. Đích đến của thử thách ấy là được ngồi im đầu ngọn gió, hít thở mùi mà với đa số mọi người cực kỳ khó chịu, và “hít mãi không chán cái mùi khoai tây rán ấy”.

Cuốn sách này hay chính là những ý nghĩ của Bauby đã làm người đọc hoàn toàn bất ngờ, cảm phục. Trong hoàn cảnh bệnh tật, con người ta vẫn còn có thể nghĩ đến những điều như thế ư, còn có thể hài hước và lạc quan đến mức cười chảy cả nước mắt? Chúng ta sẽ gọi điều này là “thần kỳ”, “phi thường” hay bất kỳ tính từ đồng nghĩa khác. Nhưng phải chăng, còn gì bình thường, đơn giản hơn việc yêu thương, trân trọng cuộc sống của bản thân? Và Bauby đã làm được việc bình thường ấy một cách phi thường!

Bauby đã qua đời, nhưng tự truyện của ông đã cho chúng ta một chia sẻ quý báu: nếu không có một ý chí, một niềm tin - dù nhỏ bé như cánh bướm thôi - thì có lẽ chúng ta sẽ trở thành những bệnh nhân của một căn bệnh mà khoa học chưa xác định được. Chúng ta tự giam cầm tư tưởng của mình trong những “chiếc áo lặn” vô hình, tự tô cho bức tranh cuộc đời một màu xám xịt và tự khoét sâu thêm vực thẳm tuyệt vọng.

Cánh bướm ý chí ấy dù mỏng manh, yếu ớt nhưng cũng đủ sức nâng đỡ mỗi người vượt qua những hoàn cảnh khó khăn, thử thách của cuộc đời.

TRƯƠNG MINH QUÝ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên