Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Theo bác sĩ Bình, từ tháng 1 đến tháng 3-2019, bệnh viện tiếp nhận trung bình từ 120-150 ca/tháng. Từ tháng 4 trở đi, con số này tăng lên 200 ca/tháng.
Trong những bệnh nhân tới khám và điều trị, có những bệnh nhân không có tiền sử tiếp xúc, nuôi chó, mèo nhưng vẫn bị nhiễm bệnh. Khi khai thác dịch tễ học ở những người này, hầu hết họ có thói quen ăn rau sống. Rất có thể rau sống các bệnh nhân ăn dính phân chó (mèo) có nhiễm giun sán nhưng không được rửa sạch.
Phôi của giun, sán chó đặc biệt có thể sống ở môi trường tự nhiên đến 20 ngày. Vì thế người dân không được chủ quan, cần rửa tay sạch trước khi ăn, lau dọn nhà cửa sạch sẽ, ăn chín, uống sôi, nếu ăn rau sống phải rửa sạch bằng thuốc tím và rửa dưới vòi nước đang chảy.
Bàn tay nhiễm giun lươn - Ảnh: Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM
Theo các bác sĩ Bệnh viện nhiệt đới Khánh Hòa, bệnh giun sán chó có biểu hiện rất giống với nhiều bệnh da liễu khác. Da có thể nổi mẩn ngứa, mụn nhỏ, bầm tím, người mệt mỏi, đau bụng, ăn không ngon, giảm cân, ho, khò khè như bị suyễn...
Phần lớn các ca đến khám ở bệnh viện này đều ở mức độ nhẹ. Một số ít ca nặng hơn do bị ấu trùng giun sán chó thâm nhập vào nội tạng. Ngoài ra cũng có thêm các trường hợp bị apxe gan nặng, có ca ấu trùng giun sán chó đã xâm nhập vào não bộ và làm tổn thương một phần ở vùng này, gây nên tình trạng đau đầu kinh niên cho bệnh nhân.
Những người nuôi chó, mèo trong nhà có những biểu hiện nghi ngờ bị nhiễm giun sán chó nên đến ngay cơ sở y tế để khám. Nên tắm cho chó thường xuyên, khám sức khỏe định kỳ ở cơ sở thú y và xổ giun định kỳ. Đặc biệt phải thu gom, xử lý phân chó thường xuyên.
"Hiện nay bệnh giun sán chó ở người chưa có văcxin phòng bệnh, người dân phải chủ động phòng chống", bác sĩ Bình cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận