Trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”Phòng thi "ảo" đã chính thức mở
Phóng to |
Hai sinh viên Nguyễn Đức Long và Hà Bảo Châu đến từ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (từ trái qua, hàng giữa) trả lời các câu hỏi trực tuyến cuộc thi - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Với tiêu chí của một cuộc thi mở, các câu hỏi cho cuộc thi trực tuyến đã được quan tâm đầu tư biên soạn gần gũi, hấp dẫn, đảm bảo tính vừa sức và tính giáo dục trong từng câu hỏi thi.
Hào hứng với hình thức thi hiện đại
Một vĩ nhân bình dị Phát biểu tại lễ phát động cuộc thi được tổ chức sáng 21-5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của tấm gương đạo đức của một vĩ nhân, một lãnh tụ lỗi lạc, nhưng đồng thời cũng là tấm gương đạo đức của một người bình thường, giản dị, ai cũng có thể học tập để làm một công dân tốt, đặc biệt là thế hệ trẻ. Cuộc thi do Bộ Giáo dục - đào tạo, Trung ương Đoàn và báo Tuổi Trẻ TP.HCM tổ chức. |
Ngay sau lễ phát động, toàn bộ phòng máy số 1 Thư viện Tạ Quang Bửu - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã kín chỗ để đoàn viên thanh niên, sinh viên trong trường khởi động bài thi của mình. Nhường chỗ cho những hồi hộp ban đầu lúc “phòng thi ảo” vừa mở, chỉ ít phút sau không khí của cả phòng máy đã rộn hẳn lên khi các thí sinh đều hớn hở thông báo chờ đón ngay vòng tiếp theo vì vượt qua được mốc 20/30 câu hỏi không quá khó.
Hà Bảo Châu - sinh viên K57 ngành ngôn ngữ Anh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - bày tỏ: “Chủ đề này thật ra đã được phát động từ rất lâu, nhưng đây là lần đầu tiên mình thấy được tổ chức bằng hình thức thi trực tuyến gần gũi với giới trẻ. Thú thật, có thể ở những cuộc thi kể chuyện về tấm gương của Bác trên sân khấu lớn mình không đủ tự tin, không sẵn năng khiếu để đăng ký tham gia. Nhưng với yêu cầu trả lời câu hỏi qua mạng Internet, mình thấy nhẹ nhàng và vừa sức. Chỉ cần trả lời 20/30 câu hỏi trắc nghiệm, mình đã có tên ở vòng tiếp theo”. Bảo Châu nói rằng tham dự cuộc thi, tìm hiểu thêm về Bác “mình thấm thía rất nhiều”. Những lời chỉ dạy của Bác - theo Bảo Châu - không quá khó hiểu như mọi người nghĩ, mà thật sự rất dễ hiểu và dễ làm theo.
Mong muốn nhân rộng
Sau ba vòng thi trắc nghiệm với tổng cộng 90 câu hỏi, 300 thí sinh xuất sắc nhất sẽ được lựa chọn để tham dự vòng thi tự luận, xét giải chung cuộc với chủ đề do ban tổ chức đặt hàng.
Nhìn các bạn trẻ hào hứng với phần thi của mình, anh Nguyễn Long Hải - bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - mong muốn cuộc thi được nhân rộng hơn nữa, thu hút được nhiều người tham gia. Theo anh Hải, hình thức thi trực tuyến qua mạng Internet phù hợp với nhiều đối tượng, ở nhiều trình độ, ngành nghề khác nhau. “Với các bạn sinh viên đã có quá trình nghiên cứu sâu về tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ có thêm cơ hội, thời gian đào sâu hơn tư tưởng của Người, tìm những giá trị uyên bác, khoa học trong từng lời nói, từng câu chuyện của Người. Với các bạn chưa có điều kiện tìm hiểu nhiều về đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh thì khi đến với cuộc thi, được tiếp cận các câu chuyện về Bác cũng có thể tự giáo dục bản thân mình sống tốt hơn”.
Bộ GD-ĐT cũng đánh giá cao cam kết của báo Tuổi Trẻ trong hỗ trợ tối đa công tác kỹ thuật với một cuộc thi trực tuyến mà báo đã có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức. Theo Thứ trưởng Trần Quang Quý, cuộc thi sẽ được tổng kết và trao giải vào ngày 15-10 nhân kỷ niệm ngày Bác viết bức thư cuối cùng gửi ngành giáo dục (15-10-1968). Đặc biệt, các giải thưởng ngoài tiền mặt còn kèm theo giấy chứng nhận của ban tổ chức, riêng giải nhất chung cuộc sẽ nhận bằng khen của bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận