Phóng to |
Kiểm soát triều cường chỉ là biện pháp trước mắt |
* Thưa ông, vì sao những điểm đã xóa ngập nhưng lại vẫn ngập trong cơn mưa chiều ngày 27-9?
- Qua thống kê và theo dõi 33 điểm ngập đã được xóa ngập trong năm 2001-2002 đến nay, hầu như các điểm trên không còn ngập. Riêng cơn mưa ngày 27-9 do trùng thời điểm triều cường, mực nước trên kênh Tân Hóa đã dâng cao 1,8m nên gây ngập đoạn đường Kinh Dương Vương và mũi tàu Phú Lâm do nền đường chỉ có cao trình 1,6m.
Các dự án đăng ký xóa ngập trong năm 2003 gồm 11 dự án xóa 15 điểm ngập và đến thời điểm tháng 9-2003 đã có 4 dự án hoàn thành xóa 5 điểm ngập. Còn các dự án khác đang trong giai đoạn thi công hoặc trình duyệt thiết kế kỹ thuật, đền bù giải tỏa.
* Như vậy, nếu triều cường cao là ngập?
- Căn cứ bảng dự báo thủy triều năm 2003 của Tổng cục Khí tượng thủy văn thì các tháng cuối năm (từ tháng 10 năm nay đến tháng 1 năm sau) độ cao mực nước trên các kênh rạch TP sẽ lên cao - cao hơn tháng 9: 0,2 m - nên các khu vực trũng thấp, ven sông Sài gòn thuộc quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức… sẽ bị ảnh hưởng.
Để giảm bớt thiệt hại do triều cường hàng năm, các ngành chức năng và các quận, huyện phải gia cố bờ bao ven sông như sông Sài Gòn, Vàm Thuật… Về phía công ty, sẽ tăng cường công tác kiểm soát triều, góp phần vào việc chống ngập.
Cụ thể, chúng tôi đang triển khai dự án xây dựng các cửa cống ngăn triều, trạm bơm Bình Triệu, Bình Lợi, rạch Lăng, cầu Bông, Văn Thánh và các dự án này dự kiến hoàn thành vào năm 2004, sẽ giải quyết tình trạng ngập úng thường xuyên 420 ha của quận Bình Thạnh.
Trước mắt trong năm 2003, công ty đã xây dựng hoàn thành các trạm bơm và cửa phai ngăn triều Đinh Tiên Hoàng, cư xá 30-4, Bùi Hữu Nghĩa, Phạm Phú Thứ (quận 6) và đang thi công lắp đặt 16 cửa phai cho những tuyến đường bị ảnh hưởng triều của Bình Thạnh.
Ngoài ra, còn xây dựng trạm bơm và cửa phai ngăn triều cho đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) và một số trạm bơm tại một số tuyến đường của quận 6, đồng thời tổ chức tổ ứng cứu ngập trực 24/24 để giải quyết các sự cố xảy ra.
* Theo ông, nâng đường có phải là giải pháp hữu hiệu để chống ngập?
- Nâng đường cũng là một trong những giải pháp để hạn chế ảnh hưởng do triều cường ở những đoạn đường trũng thấp, giải quyết tình hình ách tắc giao thông do ngập nước gây ra.
Tuy nhiên việc nâng đường phải được kết hợp với các giải pháp tiêu thoát nước khác để tránh ảnh hưởng dồn tụ nước cho những khu vực trũng thấp trên lưu vực. Cũng có thể áp dụng các giải pháp cùng một giai đoạn hoặc phân kỳ đầu tư thành nhiều giai đoạn khác nhau. Đối với những khu vực rộng lớn, giải pháp cơ bản là phải thực hiện kiểm soát triều.Chúng tôi đang thực hiện nhiều giải pháp sau: Cải thiện kênh rạch và các chi lưu; Phát triển hệ thống cống ở những khu vực chưa có cống và thiếu cống -Xây dựng các hồ điều tiết;xây dựng chương trình kiểm soát mực nước kết hợp với bơm thoát nước -Xây dựng chương trình nâng cao ý thức cộng đồng; Tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng nạo vét duy tu bảo dưỡng hệ thống thoát nước hiện có.
Ngoài ra, sẽ công bố các qui hoạch chi tiết cho 5 lưu vực thoát nước còn lại: Đông-Bắc (Thủ Đức và quận 9), Đông-Nam (quận 2 và quận 9), phía Bắc (Gò Vấp, quận 12 và Tân Bình), phía Nam (Nhà Bè, quận 7 và quận 8), phía Tây (Bình Chánh và Tân Bình). Đồng thời, công ty chú trọng xây dựng các chương trình ứng cứu ngập bằng các biện pháp trước mắt và lâu dài cho từng điểm và vùng ngập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận