06/08/2010 04:45 GMT+7

Cẩn trọng viết, dè dặt in

BÍCH NGÂN
BÍCH NGÂN

TT - Hôm nay, 6-8, nhiều tham luận quan trọng sẽ được trình bày tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần 8 diễn ra ở Hà Nội. Tuổi Trẻ trích đăng tham luận vừa được đọc tại đại hội vào ngày 5-8 của nhà văn Bích Ngân - phó giám đốc, phó tổng biên tập NXB Văn Hóa - Văn Nghệ TP.HCM.

Tài năng văn học thời nào cũng hiếm. Hiếm nhưng không phải là không có. Và tài năng đó do chính nhà văn quyết định với bản lĩnh sống trong môi trường sáng tạo của mình.

Hiện thực bị pha loãng

Khi làm vai trò bà đỡ cho những tác phẩm mới sáng tác, nhà xuất bản lúc nào cũng mong muốn xuất bản được những tác phẩm có giá trị văn học được đông đảo bạn đọc đón nhận và tránh bớt những tác phẩm tầm tầm. Nhưng thực tế những tác phẩm vươn tới được yêu cầu đó thường đặt ra được những vấn đề cốt yếu của cuộc sống hoặc là những tác phẩm gây tranh luận, những tác phẩm miêu tả và khái quát được hiện thực - cái hiện thực không chỉ có niềm vui, có chiến thắng, có thành quả, mà còn có cả nỗi đau, có thất bại, có cái giá phải trả cho những lỗi lầm.

Một hiện thực trung thực như thế, dưới cái nhìn của nhiều cấp quản lý, thì đó là tác phẩm “gai góc” hoặc là tác phẩm “có vấn đề”, mà nhà xuất bản, theo cách phản ứng thông thường là phải hết sức cẩn trọng. Nhà xuất bản không chỉ làm vai trò bà đỡ mà còn phải làm nhiệm vụ của người lính gác trên trận tuyến chữ nghĩa.

Cho nên dù được cầm “con dao” biên tập trong tay, nhưng phần đông nhà xuất bản đều ngán ngại trước những tác phẩm ngồn ngộn hiện thực với đủ gam màu sáng tối của cuộc sống, và thường tìm cách né tránh những hệ lụy bằng nhiều cách như: trả lại bản thảo hay yêu cầu nhà văn tự chỉnh sửa tác phẩm của mình, hoặc cùng nhà văn cắt xén thay đổi theo yêu cầu của nhà xuất bản.

Thế là nhiều quyển sách văn học đến được với người đọc là tác phẩm đã được cắt xén, gọt giũa.

Cái cơ chế quen thuộc của việc biên tập và xuất bản, cùng với thời gian, đã âm thầm tác động đến tâm lý người viết. Và rồi để tác phẩm không bị người khác góp ý chỉnh sửa thì trước hết nhà văn tự biên tập cho tác phẩm của mình. Nhiều nhà văn còn cắt xén, loại bỏ nhiều hình ảnh, nhiều chi tiết, nhiều thân phận ra khỏi tác phẩm trước khi chúng được viết lên trang giấy.

Thế là hiện thực còn lại trong tác phẩm chỉ là một phần nào đó của hiện thực, thứ hiện thực đã bị pha loãng, sự chân thực của ngòi bút dần dần bị mất đi. Nhân vật lờ nhờ, yêu không ra yêu, ghét không ra ghét. Những tác phẩm nửa vời như thế dĩ nhiên sẽ yểu mệnh. Thậm chí nó đã chết trước khi được nhà xuất bản đóng dấu khai sinh.

Cần những cuộc thể nghiệm

Với cách khai sinh như thế, những người làm công tác xuất bản chúng tôi, trong chừng mực nào đó, đã góp phần làm cho không ít tác phẩm vô hồn, tác phẩm thiếu hơi thở cuộc sống hiện diện nhan nhản ở các hiệu sách, mà nhiều lúc ngay cả chính tác giả của chúng cũng lầm tưởng đó là tác phẩm văn học nghệ thuật, nhiều khi còn nghểnh mặt vênh vang công trạng. Nhưng một bộ phận công chúng độc giả tinh tường hơn. Họ không ngộ nhận. Và thay vì chờ đợi những tác phẩm có giá trị, họ dành nhiều thời gian tìm đọc các tác phẩm văn học nước ngoài.

Còn một số đông người đọc trẻ vốn không mặn mà gì với các sáng tác của các nhà văn chuyên nghiệp thì gửi gắm tâm tư vào những trang nhật ký điện tử và rồi hiện tượng văn học mạng, văn học ăn xổi ở thì ra đời. Dù công tâm mà nói, cái được của một số tác phẩm văn học mạng chính là sự chân thành hồn nhiên của người viết, điều mà phần lớn nhà văn chúng ta dường như không còn có được.

Và như thế, vô hình trung nhà văn lẫn nhà xuất bản đều chưa làm tròn nhiệm vụ người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

Thời gian tới, một trong những hoạt động nhằm nâng thêm hiệu quả sáng tác cho các nhà văn, theo tôi, Hội Nhà văn nên học cách làm mà nhiều nước đã làm trong mấy thập niên qua và đem lại nhiều chuyển biến rõ rệt trong đời sống văn học của họ, đó là thành lập tủ sách Tiểu thuyết thể nghiệm.

Và theo tôi, cùng với giải thưởng mang tính truyền thống hằng năm, Hội Nhà văn nên mạnh dạn trao giải riêng cho tủ sách Tiểu thuyết thể nghiệm của các nhà văn và các cây bút trẻ.

Tôi tin với cách khuyến khích và kích thích sáng tạo cởi mở thông thoáng này, đời sống văn học của ta sẽ có những thay đổi tích cực. Bởi đúng như ý kiến trả lời báo chí của nhà thơ Nguyễn Duy trước thềm đại hội này là: “Không gian ngoại cảnh với hàm lượng tự do cao hay thấp có thể tạo hưng phấn hoặc ức chế và kìm hãm năng lực sáng tạo của nhà văn, mở rộng hoặc thu hẹp cánh cửa xuất bản, hướng dẫn đúng hoặc sai dư luận xã hội tiếp thụ giá trị văn học, kích thích nảy nở hoặc làm thui chột tài năng sáng tác...”.

Chỉ khi thực sự tạo được môi trường hết sức thông thoáng để người viết sách và người in sách được hít thở căng đầy lồng ngực và ngẩng đầu đi tới, thì khi ấy, tác phẩm văn học mới giữ được cái vị ngọt đắng làm say lòng người.

------------

Trích tham luận Tác phẩm văn học nhìn từ góc độ của người làm công tác xuất bản. Các tựa do Tuổi Trẻ đặt.

BÍCH NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên