
Anh Nguyễn Thanh Bình cùng số cá cóc câu được trên sông Hậu (đoạn gần xã Mỹ Hòa Hưng, tỉnh An Giang) - Ảnh: NGỌC KHẢI
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online vào tháng 7-2025, trên sông Hậu (đoạn gần xã Mỹ Hòa Hưng, tỉnh An Giang - trước đây thuộc thành phố Long Xuyên của tỉnh An Giang) thường xuyên có các cần thủ đi trên các xuồng máy rảo tìm điểm câu cá cóc. Một số cần thủ cho biết hiện đang vào mùa câu cá cóc, mỗi ngày một người có thể câu được vài kg đến hơn chục kg cá này.
Cầm giỏ đựng gần chục con cá cóc có vảy trắng ánh bạc nặng chừng 3kg, anh Nguyễn Thanh Bình (ngụ phường Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết hôm nay anh đi câu cùng với con trai và một người em với tổng cộng 6 cần câu, dùng mồi là thịt của con vẹm.
"Mùa này câu cá cóc là nhiều, vừa câu giải trí vừa có cá mang về ăn. Bữa trúng bữa thất. Bữa nay mình không được nhiều như hôm qua. Hôm qua mình câu được chừng 8-10kg cá. Mùa câu cá cóc kéo dài chừng một tháng nữa", anh Bình nói.
Anh Bình chia sẻ anh làm thợ may, ngoài thời gian may quần áo cho khách hàng, anh thường cùng con trai đi câu cá để giải trí. Đam mê câu cá, anh đã sắm một chiếc xuồng đi sông. "Mình đam mê câu giải trí chứ không sống bằng nghề này. Cá câu được, mình thường mang về kho lạt, chiên, hoặc làm chả", anh Bình cho biết.

Anh Nguyễn Thanh Bình cùng con trai và người em trên xuồng đi tìm điểm câu - Ảnh: NGỌC KHẢI
Cũng tại đoạn sông Hậu trên, ông Trần Thanh Thái (hơn 60 tuổi, ngụ phường Long Xuyên, tỉnh An Giang) thoăn thoắt thả 5 cần câu với mồi là thịt của con vẹm. Chốc chốc ông Thái lại kéo lên xuồng thêm một con cá cóc.
Ông Thái chia sẻ ông có hơn 20 năm mưu sinh với nghề câu cá và tôm trên sông Hậu, từ khoảng tháng 5 đến tháng 8 dương lịch là thời điểm ông câu được nhiều cá cóc.
"Khu này cỡ mười mấy người đi câu cá cóc. Người câu giải trí, người câu mưu sinh. Những năm trước, khi vào mùa câu cá cóc, tôi có ngày câu được từ 20-30kg, còn giờ mỗi ngày thì tầm vài kg đến mười mấy kg", ông Thái nói.

Ông Trần Thanh Thái cùng con cá cóc mới vừa câu được - Ảnh: NGỌC KHẢI
Số cá cóc câu được, hiện ông Thái bán lại cho bạn hàng với giá 30.000 đồng/kg đối với cá nhỏ, và hơn 100.000 đồng/kg đối với cá lớn (nặng hơn 1kg/con). Ông Thái trừ chi phí mua mồi câu và tiền xăng cũng đủ để đắp đổi mưu sinh qua ngày.
Theo ông cá cóc có thể chế biến thành nhiều món ngon như nướng, kho, nấu ngót, hoặc nạo chả làm các món ăn tùy theo khẩu vị của từng người.
"Anh em đi câu luôn hỗ trợ nhau trên sông nước, lỡ xuồng hư thì giúp nhau về. Nghề này không làm giàu, chỉ đủ sống qua ngày. Tôi chỉ mong có sức khỏe để mưu sinh", ông Thái nói.

Ông Trần Thanh Thái kéo một con cá cóc lên xuồng - Ảnh: NGỌC KHẢI

Một số con cá cóc mà ông Trần Thanh Thái câu trên sông Hậu (đoạn gần xã Mỹ Hòa Hưng, tỉnh An Giang) - Ảnh: NGỌC KHẢI

Theo ông Trần Thanh Thái, cá cóc có thể chế biến thành nhiều món như nướng, kho, nấu ngót, nạo chả làm các món ăn tùy theo khẩu vị của từng người - Ảnh: NGỌC KHẢI

Con cá cóc mà ông Trần Thanh Thái câu trên sông Hậu (đoạn gần xã Mỹ Hòa Hưng, tỉnh An Giang) - Ảnh: NGỌC KHẢI
PGS.TS Dương Nhựt Long, giảng viên cao cấp Trường Thủy sản - Đại học Cần Thơ, cho biết cá cóc tên khoa học là Cyclocheilichthys enoplos. Cá cóc thuộc họ cá chép: Cyprinidae.
Cá cóc là loài có kích thước lớn, có thể dài đến 70cm. Cá cóc phân bố rộng ở một số nước khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Indonesia và Việt Nam.
Ở Việt Nam, cá cóc sống trong các sông, kênh, rạch, ao vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận