Phóng to |
Hầu hết những người chạy xe lôi hiện nay đều lớn tuổi - Ảnh: Minh Giảng |
Theo chỉ thị của UBND TP Cần Thơ, ba tuyến quốc lộ sẽ cấm xe lôi, xe ba gác hoạt động gồm: QL1A từ bến phà Cần Thơ đến ranh giới tỉnh Hậu Giang; QL91 từ bến xe mới đến ranh giới tỉnh An Giang; QL80 từ ngã ba Lộ Tẻ đến ranh giới tỉnh Kiên Giang.
Ông Nguyễn Thanh Tâm (ở quận Bình Thủy) có hơn 10 năm chạy xe lôi, nói gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, có hai con đang học lớp 9 và 10, vợ làm tạp vụ cho một công ty. Hằng ngày ông phải dậy thật sớm chạy xe xuống bến tại đường Ngô Quyền, quận Ninh Kiều trước giờ cấm xe lôi, chiều phải sau giờ cấm mới chạy về nhà. Thu nhập một ngày của ông 30.000-50.000đ.
Cách đây hai năm, khi Cần Thơ có chính sách hỗ trợ những người chạy xe lôi học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, ông là một trong số 40 người được hỗ trợ học lái xe tải nhẹ. Sau khi học xong, ông cầm tấm bằng lái xe hạng B2 đi xin việc khắp nơi nhưng không nơi nào nhận. Cùng đường, ông quay lại chạy xe lôi hơn một năm nay.
“Trong tổng số 40 người được học và có bằng lái xe hạng B2 chỉ khoảng năm người tìm được việc làm” - ông Võ Văn Mạnh, chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải xe lôi quận Ninh Kiều, cho biết.
Về vấn đề chuyển đổi nghề cho các đối tượng này, ông Phan Văn Giàu - phó giám đốc Sở Giao thông công chính TP Cần Thơ - nói trước đây đã có nhiều phương án đặt ra nhưng việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, do phần lớn họ đều có trình độ thấp, lớn tuổi nên việc chuyển đổi nghề là rất khó. Trong phương án trước đây, sở cũng đề xuất hỗ trợ họ một số tiền nhưng Sở Tài chính cho biết chỉ có thể hỗ trợ trong điều kiện cho phép. “Chúng tôi cũng đang có tờ trình UBND thành phố xem xét việc đưa xe điện (minibus) vào hoạt động đưa rước khách trong thời gian tới nhằm thay thế xe lôi, xe ba gác máy” - ông Giàu cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận