![]() |
Công viên Lưu Hữu Phước đang được cho thuê mua bán chim hoa cá cảnh |
Không dám đi bộ
Trên địa bàn quận Ninh Kiều - trung tâm TP Cần Thơ - có sáu công viên: Lưu Hữu Phước (LHP), Ninh Kiều, Tao Đàn, Đồ Chiểu, Đầu Sấu và Văn hóa miền Tây. Nhìn vào từ phía mặt trước (phía giáp đường Châu Văn Liêm và đường 30-4), công viên LHP (tồn tại 20 năm nay) cũng có vẻ khá thơ mộng với một số cây cao, có bóng mát, những cặp nam nữ ngồi bên ghế đá tâm sự..., nhưng chỉ đi vào hơn 10 bước chân đã thấy hàng loạt kiôt bán đồ chơi, bán nước giải khát, nơi để sắt vụn, những nhà vuông, nhà tròn, trò chơi đu quay, xe điện nằm san sát nhau, cái thì làm nơi bán cháo dinh dưỡng, cái thì làm nơi tập thể dục thẩm mỹ, thể hình, đánh bida, câu lạc bộ...
Thậm chí có mấy nhà còn thấy người ở và quần áo giặt phơi giăng mắc. Mặt sau giáp đường Lý Tự Trọng với những lều dựng tạm bợ làm nơi mua bán cá kiểng, chim, hoa lan và xe gắn máy, xe du lịch đậu tràn lan...
Diện tích hiện tại của công viên LHP, theo Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều, là 20.055m2. Tuy nhiên còn lại rất ít không gian dành cho cây xanh và thảm cỏ. Ông Lê Đạm, sống ở gần công viên, nói: “Công viên mà đi chỗ nào cũng đụng nhà, rồi nhiều công trình bị hư hỏng trùm bỏ đó cho bụi bám, đường đi đầy ổ gà, rác rưởi vương vãi tứ tung, nắp cống nhiều chỗ bị bể nên mùi hôi bốc lên khắp nơi, còn xe máy phóng chạy vèo vèo trong công viên nên tụi già này đâu có dám đi bộ...”.
Các công viên khác do diện tích quá nhỏ và ở những vị trí không thuận tiện để trồng nhiều cây xanh có bóng mát lớn như Ninh Kiều, Đồ Chiểu, Tao Đàn, Đầu Sấu... Hơn nữa, trong vài lần đến những công viên này, chúng tôi phải “dội ngược” vì khá nhiều dân “anh chị”, người ăn xin tụ tập.
Có khi còn thấy nhiều ống chích vứt vương vãi, nhiều “chị em” ngồi chờ mối chèo kéo khách qua lại công khai. Đa phần người dân thấy vậy nên cũng không dám đến các công viên này vãn cảnh. Riêng công viên Văn hóa miền Tây khá rộng, nhiều cây xanh và một số trò chơi mới khai thác nhưng vào phía bên trong các quần thể tượng hầu hết trong tình trạng gãy đầu, sứt tay và hoang tàn.
Sắp trình đề án cải tạo
Sở Văn hóa - thông tin Cần Thơ đã nhiều lần kiến nghị chấm dứt tình trạng buôn bán lộn xộn trong công viên, trả lại đúng chức năng của một công viên nhưng vẫn chưa có gì thay đổi. Đơn vị chịu trách nhiệm khai thác, quản lý công viên LHP từ hơn 10 năm nay là Công ty Công trình đô thị Cần Thơ.
Ông Trần Minh Hùng - giám đốc công ty - cho biết: “Trước đây công viên này do Công ty Bách hóa tổng hợp xây dựng với mục đích sử dụng vừa làm công viên vừa làm nơi kinh doanh buôn bán nên cất nhà, kiôt... như vậy. Sau đó tới Đoàn thanh niên vào làm trò chơi để khai thác rồi mới giao lại cho công ty.
Các khu vực kinh doanh trong công viên hiện nay do chúng tôi cho thuê lại để lấy kinh phí trang trải và mướn bảo vệ trực công viên!”. Theo ông, từ khi về đây công ty đã cải tạo nhiều thứ. Công viên phải có mua bán, cà phê, trò chơi... thì người dân mới vào và mới đông vui!
Tất cả công viên nội ô TP đều do Công ty Công trình đô thị phụ trách việc chăm sóc cây xanh hoa kiểng, chiếu sáng, đèn trang trí... và do Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều quản lý. Thế nhưng, các công viên hiện nay không có lực lượng bảo vệ tại chỗ để đảm bảo trật tự (trừ công viên LHP).
Ông Trần Văn Tám, trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều, cho hay: “Bức xúc của người dân thành phố về thực trạng tại các công viên, lãnh đạo quận cũng đã nhìn thấy từ lâu rồi. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch cải tạo công viên LHP cho đúng chức năng. Cụ thể là đang làm đề án, đã được quận thông qua và đang chuẩn bị trình Hội đồng kiến trúc qui hoạch TP trong năm nay...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận