27/10/2023 16:51 GMT+7

Cẩn thận với rượu thuốc, kem trộn làm đẹp da

Rượu thuốc, kem trộn được nhiều người chuộng vì mang lại hiệu quả nhanh chóng. Tuy nhiên, đằng sau công dụng 'tức thời', những sản phẩm này mang tới những hệ lụy lâu dài về sức khỏe với người sử dụng.

Rượu thuốc, kem trộn được bày bán trên mạng xã hội - Ảnh: NGỌC QUÝ

Rượu thuốc, kem trộn được bày bán trên mạng xã hội - Ảnh: NGỌC QUÝ

Không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ là đặc điểm chung của những sản phẩm rượu thuốc, kem trộn chăm sóc da "nhà làm". 

Lợi trước, hại sau

Anh H.Q.N. (23 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) từng sử dụng qua rượu thuốc trị mụn được quảng cáo trên mạng xã hội. Theo anh N. chia sẻ, anh bị mụn khá nặng nên đã đặt thử về dùng. Gọi là rượu thuốc nhưng chỉ là một chai nhựa chứa rượu và ngâm cùng vài rễ cây xắt lát. Bên ngoài không có bao bì, nhãn mác.

Lúc mới bôi rượu thuốc lên vùng mặt, anh N. cảm thấy hơi ngứa rát "như kim đâm". Sau hai tuần, da mặt tại vùng mụn bắt đầu bong tróc, hình thành các lớp da mới. 

"Ban đầu da mặt đúng là không còn mụn nữa, rất hồng hào nên tôi rất thích. Tuy nhiên càng về sau vùng da mặt càng mỏng, dễ tổn thương và bị nám, sạm đen. Nếu dừng sử dụng thuốc, mụn lại bắt đầu nổi lên nhanh và nghiêm trọng hơn đến mức phải đi khám bác sĩ da liễu", anh N. cho biết.

Tin tưởng công dụng của kem trộn "nhà làm", chị T.H.T. đang phải đối mặt với tình trạng viêm da. Chị T. cho biết loại kem trộn này được người bán giới thiệu là kem bên Thái trộn với phôi kem tự mua. Khi mới sử dụng, da của chị T. trắng lên "thấy rõ" và xuất hiện các vết bong tróc "giống như tẩy tế bào chết".

"Sau khi sử dụng 2 tháng, da tôi khô lại, bị viêm và ngả sang sắc xanh như người bệnh. Trắng nhất thời nhưng càng về sau dưỡng da để hồi phục như ban đầu rất cực. Kem đó chỉ cần ngưng vài hôm là da sẽ sạm, nám lại, trông khó coi", chị T. kể.

Đặt mua sản phẩm trên fanpage "Rượu thuốc trị mụn..." với giá 90.000 đồng, chúng tôi nhận được một chai rượu khoảng 350ml với rễ cây ngâm cùng. "Dùng thuốc 2-3 tuần sẽ thấy da bắt đầu khô sần, sạm lại. Lúc này, da cũ chết đi và bong ra để nhường chỗ cho lớp tế bào mới mịn màng, đầy sức sống. Dùng thuốc phải kiên trì, đừng nóng vội...", người bán tư vấn. 

Khi được hỏi các nguyên liệu trong thuốc rượu, người bán chỉ nói "đây là cây thuốc nam lấy trong rừng, có công dụng trị mụn" và không tiết lộ thêm.

Tương tự với fanpage "Kem trộn siêu trắng", sản phẩm chào bán giá 130.000 đồng, chúng tôi đã được giao "hỏa tốc" một hũ kem trọng lượng 100g. Theo như người bán tư vấn, loại kem này được trộn bằng "công thức của những ông bà xưa, nguyên liệu từ Thái Lan". 

"Kem rất mạnh, dành cho cả nam giới, xài cực kỳ trắng, đen cỡ nào cũng bật tông", người bán kem trộn nói thêm.

Rượu thuốc và kem trộn này đều không có nhãn mác ghi nơi sản xuất, thành phần cũng như hạn sử dụng.

Sản phẩm không có nhãn mác ghi nơi sản xuất, thành phần cũng như hạn sử dụng - Ảnh: NGỌC QUÝ

Sản phẩm không có nhãn mác ghi nơi sản xuất, thành phần cũng như hạn sử dụng - Ảnh: NGỌC QUÝ

"Cần dừng lại ngay"

Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu TP.HCM, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận 30 - 50 trường hợp đến khám, chữa bệnh các vấn đề ngoài da do sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Phương - khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết rượu thuốc trị mụn trên thị trường được kết hợp giữa rượu nguyên chất và các loại thực vật thiên nhiên. Tuy nhiên, thành phần chính là cồn với nồng độ cao.

Bác sĩ Phương chỉ ra: "Độ cồn cao làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da, gây ảnh hưởng đến khả năng giữ ẩm của lớp thượng bì khiến da trở nên khô căng, khó chịu, gây kích ứng, bong tróc và đau rát. 

Các thành phần không rõ xuất xứ, không được kiểm nghiệm về nồng độ, hoạt chất cũng như mức độ vệ sinh nên không được các chuyên gia da liễu khuyên dùng".

Trước những công dụng "làm đẹp cấp tốc" của thuốc rượu, bác sĩ Phương cho biết sau một thời gian làn da sẽ tổn thương, mất nước, dễ kích ứng với môi trường xung quanh. 

Đồng thời, da không có khả năng chống nắng sẽ tăng sắc tố trở lại nhanh chóng. Nhiều trường hợp sử dụng gây viêm da tiếp xúc kích ứng toàn thân, thậm chí nhiễm trùng.

Đối với kem trộn, bác sĩ Trần Ngọc Phương cho rằng các sản phẩm này chứa thành phần corticoid nên làm da trắng nhanh hơn. Tuy nhiên, sau một thời gian làn da sẽ trở nên teo mỏng, mạch máu nổi rõ và nhạy cảm với môi trường ngoài. Thậm chí, sử dụng kem trộn trên cơ thể có thể làm xuất hiện các vết rạn da không bao giờ hồi phục.

Để chăm sóc da một cách khoa học, bác sĩ Trần Ngọc Phương khuyến cáo: "Cần dừng lại ngay các sản phẩm này khi nhận biết được nó. Đa số người dùng không hiểu rõ về sản phẩm mà mình đang sử dụng. Những trường hợp chuyển biến xấu cần được thăm khám, điều trị cụ thể, tránh gây tổn thương cho da".

Chăm sóc da hiệu quả

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Phương, người sử dụng rượu thuốc bị viêm da tiếp xúc kích ứng hoặc nhiễm trùng cần điều trị theo quá trình cụ thể do các bác sĩ chỉ định.

"Sử dụng kem giữ ẩm da, phục hồi da, và chống nắng kỹ là các biện pháp cần thiết cho làn da tổn thương do rượu thuốc. Và trong giai đoạn chờ da tái tạo tuyệt đối không sử dụng thêm các phương pháp điều trị gây tổn thương da khác", bác sĩ Phương nói.

Thị trường đầy kem trộn, mỹ phẩm nhái, nâng tầm mỹ phẩm Việt bằng cách nào?Thị trường đầy kem trộn, mỹ phẩm nhái, nâng tầm mỹ phẩm Việt bằng cách nào?

Thị trường mỹ phẩm vàng thau lẫn lộn, nhiều hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng yêu cầu ngày càng cao hơn bắt đầu có cơ hội lựa chọn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên