06/11/2013 09:44 GMT+7

Cần quy định rõ việc bố trí tái định cư

T.MAI - MAI HƯƠNG
T.MAI - MAI HƯƠNG

TTO - Đừng để quy định về "suất tái định cư tối thiểu" rơi vào tình trạng không rõ ràng giống như lương tối thiểu hay mức sống tối thiểu - đại biểu Đặng Thuần Phong nhấn mạnh điều này tại phiên thảo luận hội trường về dự thảo luật đất đai (sửa đổi) sáng 6-11.

Luật đất đai (sửa đổi) - Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáuBáo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật đất đai (sửa đổi)

embXRjzL.jpgPhóng to
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) - Ảnh: Việt Dũng

Nên để Chính phủ quy định

Đại biểu Đặng Thuần Phong nêu: về bố trí tái định cư cho hộ gia đình, cá nhân có đất ở bị thu hồi, quy định khoản tiền bồi thường tái định cư không đủ mua một suất tái định cư tối thiểu khác thì UBND tỉnh hỗ trợ để đủ mua một suất tái định cư tối thiểu. Quy định này rất nhân văn song vẫn có những hệ lụy như mỗi tỉnh sẽ có quy định suất tái định cư tối thiểu khác nhau, tiêu chí quy định khác nhau. Nên chăng giao cho Chính phủ quy định để hợp lý hơn vì ở thành phố trực thuộc trung ương khác, nông thôn khác, miền núi khác và nếu để Chính phủ quy định sẽ tạo được sự thống nhất trong tổ chức thực hiện.

Mặt khác cũng nên bổ sung, giải thích từ ngữ "suất tái định cư tối thiểu" vào luật, đừng để vấn đề này giống như lương tối thiểu hay mức sống tối thiểu, chúng ta nói nhiều nhưng khi làm thì lại không rõ và không thống nhất.

Về vấn đề cơ quan quản lý đất đai, có quy định về văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và tổ chức phát triển quỹ đất. Thực tế, 63 tỉnh thành đã có văn phòng này và 62 tỉnh, thành cũng đã có tổ chức phát triển quỹ đất. Văn phòng và quỹ đất có những trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể riêng. Tuy nhiên, dân than rằng mọi vấn đề đụng tới đất là có thuế và phí và không biết cái nào thuộc quản lý Nhà nước và được Nhà nước lo, cái nào thuộc về dịch vụ và dân phải thuê và trả tiền.

"Sự chưa minh bạch này bị lạm dụng và thực tế ngân sách thu được từ đất cũng chưa nhiều nhưng việc nuôi bộ máy thì dân phải gánh chịu. Quốc hội nên cân nhắc tính hiệu quả, chức năng của 2 tổ chức này. Cần tinh gọn lại bộ máy để đảm bảo để tránh lãng phí theo tinh thần, chủ trương tiết kiệm chung" - ông Phong nói.

Bổ sung chế tài đối với người phê duyệt dự án sai

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đặt vấn đề: nếu luật đất đai sửa đổi lần này vẫn giữ nguyên quy định các trường hợp thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì vấn đề khiếu kiện đất đai vẫn là điểm nghẽn, chưa có lời giải. Ban soạn thảo dự luật đất đai cần làm rõ khái niệm thu hồi đất vì mục đích phục vụ kinh tế - xã hội để tránh bị lợi dụng. Phải phân loại chính xác các dự án phát triển kinh tế - xã hội với các mục đích và lợi ích cụ thể; tách các dự án kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư ra khỏi dự án phát triển kinh tế - xã hội nhằm tránh sự lợi dụng và tạo ra những bất bình trong xã hội.

i4VnMEwC.jpg
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) - Ảnh: Việt Dũng

Ban soạn thảo dự án luật cần làm rõ thêm một số vấn đề: những dự án do Nhà nước quyết định phê duyệt đầu tư thì mới thu hồi đất. Đối với dự án mà Nhà nước chỉ ra thông báo hoặc chấp nhận đầu tư thì không thuộc diện thu hồi đất mà phải trưng mua quyền sử dụng đất. Quyền lợi của người có đất và chủ đầu tư phải được pháp luật bảo vệ.

Dự thảo luật cần bổ sung việc chế tài, xử lý vi phạm đối với tổ chức cá nhân có thẩm quyền trong việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất hàng năm và thẩm quyền thu hồi đất, tránh tình trạng áp dụng tràn lan dẫn đến hậu quả như thời gian qua.

Một số khu công nghiệp lấy đất đền bù giá rẻ cho người dân nhưng đến này những mảnh đất này vẫn chưa được sử dụng, bỏ hoang, gây lãng phí lớn, người dân mất đất, không có đất canh tác, một bộ phận không nhỏ rơi vào cảnh đói nghèo.

Điểm nữa, dự thảo cần làm rõ việc thu hồi đất diễn ra khi nào, tránh tình trạng cứ quy hoạch là thông báo thu hồi, rồi lại treo dẫn đến việc lãng phí lớn nguồn tài nguyên đất.

Cần có hệ thống định giá đất độc lập

ckAG7wDm.jpg
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) - Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nhận xét: Dự thảo luật trình Quốc hội lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý nhưng nếu muốn nói đã đáp ứng được kỳ vọng của người dân chưa thì còn nhiều điều phải bàn.

Chẳng hạn như quy định về các trường hợp thu hồi đất- tôi cho rằng tiếp thu lần này chưa tốt bằng dự thảo lần trước. Bởi riêng dự án kinh tế xã hội, dự thảo kỳ trước thì tách thành 1 điều riêng, lần này ta nhập chung lại trong một điều luật quy định chung cho “các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội” (điều 62) là chưa cụ thể và hợp lý.

Dự thảo cũng quy định 4 trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội do thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư. Còn lại 4 trường hợp còn bỏ ngỏ. Đặc biệt trong số các trường hợp bỏ ngỏ này có các công trình thuộc hệ thống giao thông, điện lực, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc; hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt; công trình thu gom, xử lý chất thải...

“Vừa qua, thực tế đã có chuyện mấy công ty công ích tại TP.HCM làm ăn bê bối, lãnh đạo nhận lương cao. Nếu bây giờ những công trình dự án này không quy định buộc phải có cấp có thẩm quyền quyết định thì rất không nên” - ông Minh nói.

Ngoài ra, đại biểu Ngô Văn Minh còn băn khoăn về việc có quá nhiều nghị định hướng dẫn thi hành luật. “Luật có 212 điều mà có đến 5 nghị định hướng dẫn với tổng cộng trên 300 điều, chưa kể sẽ còn biết bao thông tư và những văn bản hướng dẫn của cấp tỉnh nữa. Vậy thì tính khả thi của luật ở đâu? Chừng nào luật mới có thể đi vào cuộc sống”- ông Minh đặt câu hỏi. Ông đề nghị cần xem lại vấn đề này vì thực chất nhiều điều trong nghị định hướng dẫn chỉ là giải thích từ ngữ.

Đừng để xảy ra tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi"

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) không đồng tình với việc giao thẩm quyền định giá đất cho UBND cấp tỉnh. Bà Nguyệt nói: “Theo tôi tăng thẩm quyền quyết định giá đất cho UBND cấp tỉnh là chưa hợp lý vì đây là cơ quan quyết định phê duyệt dự án rồi lại định giá đất thì chẳng khác nào là vừa đá bóng vừa thổi còi - đề nghị nên để cho HĐND cấp tỉnh định giá đất”.

Theo bà Nguyệt, kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới là giảm bớt các trường hợp can thiệp về giá đất của cơ quan nhà nước, phải tạo quy trình thống nhất quyết định và thẩm định giá đất, hình thành hành lang pháp lý chặt chẽ để có hệ thống định giá độc lập chất lượng cao và khách quan.

Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) thì quan điểm rằng: “Giá đấu giá là giá thị trường. Giá đất do nhà nước công bố là giá thị trường. Đề nghị cho người dân được tham gia giám sát quá trình đấu giá để xác định được giá thị trường chính xác”.

T.MAI - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên