Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh cần kiên quyết loại cán bộ tha hóa, biến chất ra khỏi đội ngũ - Ảnh: VGP
Chiều ngày 21-1, Ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban chỉ đạo 138) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia).
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2018, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 203.000 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu nộp ngân sách đạt trên 20 nghìn tỉ đồng. Hàng hóa buôn lậu chủ yếu là các loại hàng gọn nhẹ, giá trị cao như điện thoại, ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, đồ điện gia dụng, thuốc lá, rượu….
Về công tác phòng chống tội phạm, đáng chú ý xuất hiện tình trạng mua bán bào thai và người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, sau đó bị đưa bán đi nước thứ ba.
Hoạt động của các băng, nhóm tội phạm hình sự có dấu hiệu phức tạp trở lại, hoạt động "tín dụng đen" kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật. Tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tội phạm ma túy… diễn biến phức tạp.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định công tác phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Tội phạm liên quan đến bảo kê, tín dụng đen, tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản có dấu hiệu gia tăng, hoạt động khai thác tài nguyên trái phép còn xảy ra ở nhiều địa phương, còn để xảy ra những vụ tụ tập đông người gây mất an ninh, trật tự, xã hội. Trong khi đó công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả mới xử lý được phần ngọn, chưa triệt phá được tận gốc nên vẫn diễn biến phức tạp.
Nhấn mạnh tới các nhiệm vụ trong năm 2019, phó thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo 138 và Ban chỉ đạo 389 các cấp cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo, làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình, không để xảy ra bị động trong phòng chống tội phạm, gìn giữ an ninh trật tự.
Đặc biệt, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng "tham nhũng vặt" ở các cơ quan hành chính, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức. Tổ chức phòng chống tội phạm, buôn lậu ngay trong chính lực lượng chức năng.
"Kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Với những cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, hoặc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng phải điều chuyển, xử lý nghiêm theo quy định" - phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra là cần làm tốt công tác phòng ngừa, nghiệp vụ, điều tra cơ bản, tiếp nhận và xử lý tin báo tội phạm; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, rà soát xây dựng đổi mới các quy định pháp luật liên quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận