Phóng to |
Ðã mười mấy năm nay, từ ngày bác Nguyễn về với cụ Tú Hải Văn - thân phụ của bác - tôi không được dịp ra hầu rượu bác vào dịp xuân nữa, mà chỉ đến thắp hương bên mộ những chuyến ra công tác vội vàng.
Ðầu năm 2000 khi cả hành tinh sắp bước vào một thế kỷ mới - thế kỷ 21 - nhớ bác, tôi lại về thủ đô, thăm căn gác nhỏ, nơi từng là phòng văn, phòng lưu niệm của một tài hoa kiệt xuất của đất nước. Lúc sinh thời, bác Nguyễn vẫn thích căn gác nhỏ này, bác thường bảo: "Không đâu bằng cái khách sạn năm sao này!". Vì ở đây bác có đủ rượu, thức nhắm, tủ sách, tràn ngập tình thương của người bạn đời tri âm là cụ bà Vũ Thị Tuệ.
Mùa xuân này, Hà Nội rét đậm, gió mùa từng cơn đổ về lay động hàng cây xơ xác trước hẻm nhà bác. Các giáo sư trong Ban Giám hiệu, Ban Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn Ðại học Sư phạm Hà Nội đến căn gác nhỏ 90/B2 Trần Hưng Ðạo thắp hương tưởng nhớ bác. GS.TS Nguyễn Văn Ðạo, Giám đốc Ðại học quốc gia Hà Nội; GS.TS Ðinh Quang Bảo, Hiệu trưởng Ðại học Sư phạm Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Ðăng Xuyền, cùng bà Nguyễn Thị Ân và GS.TS Nguyễn Xuân Ðào, con thứ năm của nhà văn Nguyễn Tuân, trao số tiền Giải thưởng Hồ Chí Minh cho chủ nhiệm Khoa Ngữ văn làm Quỹ học bổng Nguyễn Tuân.
GS Nguyễn Ðăng Mạnh đã đánh giá: "Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn của nền văn học VN. Ðảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao và quý trọng tài năng, phẩm cách, tấm lòng trong sáng cao đẹp của một nghệ sĩ bậc thầy của tiếng Việt".
Căn hộ nhỏ này chỉ ba người, bác ở từ sau Cách mạng Tháng Tám về tiếp quản thủ đô.
Có lần đi qua Nhà máy cơ khí Hà Nội, cách đây cũng hơn 30 năm dâu bể, Nguyễn Tuân chỉ cho tôi ngôi nhà nhỏ bên sông Tô Lịch từ trước năm 1945 của bác. Ngôi nhà nhỏ mà trong các tác phẩm văn học, khi kết thúc cuối dòng Nguyễn Tuân thường ghi "Am Sông Tô ngày... tháng... năm...". Một căn nhà ngói cổ như các ngôi nhà của phố Phái - Bùi Xuân Phái - ấy, nhà báo tiến bộ Phùng Bảo Thạch bị bắt nơi đây, và sau đó mật thám Pháp bắt tiếp Nguyễn Tuân và đày trong rừng núi Hòa Bình vào giữa năm 1941.
Am Sông Tô chỉ là cái tên đẹp đẽ lạ lùng tưởng tượng ra, chứ thực chẳng am, miếu, chùa chiền gì cả. Nước sông Tô Lịch thời ấy mùa mưa còn khá, chứ mùa hè khô kiệt cũng đen ngòm...
Trước mùa thu năm 1945, Nguyễn Tuân còn ở nơi căn gác xép của tòa nhà bên phải phố Hàng Ðẫy, mà bác thường tả trong các truyện dài, truyện ngắn. Ðó là căn lầu nhỏ bạn bè cho ở nhờ. Muốn lên phải trèo qua một thang gỗ ọp ẹp. Ðây là chỗ ở khi viết lách, khi đi xa về đêm hôm chưa kịp đến Am Sông Tô đó thôi.
Lần này ra Hà Nội, căn phòng cũ ấy vẫn trang trí hơi bừa bộn, có phần mất trật tự vì quá hẹp, vẫn bộ ván gỗ gụ đã lên nước và chiếc ghế mây phủ tấm thổ cẩm sờn mép, vẫn tủ sách và chai lọ lỉnh kỉnh. Gia đình vẫn giữ nguyên như sinh thời của bác. Trên tường phía cửa sổ treo bức chân dung lớn của Nguyễn Trãi, các ký họa và sơn mài của các danh họa Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Diệp Minh Châu vẽ Nguyễn Tuân. Vẫn cái ban công nhỏ nhìn ra đường, xưa kia có mấy cây vạn niên thanh và cây phát tài trang trí hoa lá cho căn phòng có mầu xanh đỡ trống trải...
Chúng tôi trầm ngâm đứng nhìn ra đường Trần Hưng Ðạo. Gia tài của nhà văn lớn - hàn sĩ đỏ - chỉ còn lại nơi căn gác nhỏ không quá 20 mét vuông. Từ căn gác nhỏ này tỏa ra những trang viết làm đắm say bao thế hệ. Trong bề bộn của sách vở, di cảo của bác Nguyễn để lại, có nhiều tác phẩm quý bằng tiếng Pháp. Qua tiếng Pháp, Nguyễn Tuân đã tiếp xúc và ảnh hưởng nền văn hóa lớn cổ điển của châu Âu. Từ nền văn học phương Tây, qua nền văn học Nga đồ sộ, Tsekhov và Dostoiepski đã ảnh hưởng đến với Nguyễn Tuân trong từng trang viết thấm đượm lòng nhân ái, cao đẹp.
Dịp Noel 2000, tôi nhận được thư nhà văn Nguyễn Ðình Thi: "Tôi gửi anh một bút tích của Nguyễn Tuân tình cờ vừa rồi tôi tìm thấy trong khi soạn giấy má. Ðọc mấy dòng vừa thương vừa nhớ cụ". Hồi ấy bác Nguyễn đã không còn đi lại được nữa, vì mùa đông bệnh thấp khớp hành hạ. Bác Nguyễn viết bằng tiếng Pháp: "Thi, Je fais le cul de jatte seul autour de ma chambre" - (Ông Thi, tôi làm một anh què bò cô độc quanh căn phòng của tôi). Thế là con đại bàng đã gãy cánh! Một con người sông nước dọc ngang giờ đành bó gối ở căn phòng nhỏ... Và theo như Nguyễn Ðình Thi đã đánh giá: "Những trang viết trong tác phẩm của Nguyễn Tuân, tôi nghĩ là có thể kể vào những trang kiệt tác trong văn xuôi ta và trong văn học ta".
Hà Nội đêm sau, tôi, Tô Hoài, Kim Lân được nhà văn Ngọc Trai thết một bữa thịnh soạn sau cái hôm làm lễ trao Quỹ học bổng Nguyễn Tuân - có giáo sư Nguyễn Xuân Ðào và nhà báo Phạm Mạnh ở Thông tấn xã Việt Nam chứng kiến. Chúng tôi rót một ly cô-nhắc đầy ắp cúng bác Nguyễn. Bà Ngọc Trai, nhiều lần nhắc đến bác với giọng Huế trầm buồn: "Bác Nguyễn khi nào thiếu rượu tôi vẫn tiếp tế. Bác lại đến nhà tôi bỏ cái chai vào cửa, và theo tín hiệu ấy tôi đong đầy cho bác "quốc lủi", đưa đến căn gác nhỏ của người, để người "sưởi ấm" những trang viết đêm đông...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận