11/11/2014 15:20 GMT+7

​Cần giải pháp “mềm” cho cái cốt nền

KTS LÊ CÔNG SĨ
KTS LÊ CÔNG SĨ

TT - Bài “Chống ngập, nhà lầu thành nhà sàn” (Tuổi Trẻ ngày 10-11) rất thú vị, bởi phản ánh đúng thực trạng chống ngập nói riêng, bức tranh quản lý đô thị nói chung mà cốt lõi chính là chuyện cái cốt nền.

Nhà một người dân thấp hơn mặt đường ở lô D, đường Phạm Văn Chí, P.7, Q.6, TP.HCM - Ảnh: Q.Định

 

Không nên vì ảo tưởng một con đường, một đô thị đạt đến mức độ mỹ quan chỉ vì rập khuôn cái cốt nền mà hệ quả là người dân phải khổ sở chống chọi với nước ngập, tiêu tốn nhiều tiền của, hệ lụy là nhiều tuyến phố vẫn cứ xuất hiện những “lỗ tò vò” và “nhà sàn” khó coi

Một khách hàng của tôi ở Trà Vinh đang khổ sở vì cái cốt nền. Chuyện là khách hàng này xây nhà có cốt nền cao hơn giấy phép. Cụ thể, khi thi công phần móng, phát hiện nhà lân cận có phần móng rất cạn (nhà khách hàng là nhà phố), đơn vị thi công không dám đào móng sâu hơn nhà lân cận để tránh sụt lún nên báo đơn vị thiết kế.

Giải pháp xử lý là tuy phần móng không thể chôn sâu như thiết kế song nhằm đảm bảo an toàn cho công trình nên phần móng và đà kiềng tầng trệt vẫn phải đảm bảo khoảng cách nhất định. Lại nữa, thực tế nhiều nhà xung quanh đã xây nền rất cao để dự trù chống ngập nên khách hàng của tôi xây nền nhà cao 0,6m so với vỉa hè (bằng cao độ đà kiềng nhà), trong khi giấy phép ghi chiều cao nền 0,3m ...

Khi kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận nhà xây dựng cốt nền cao hơn giấy phép được cấp. Khách hàng tôi giải trình các nguyên nhân, trong đó có chuyện dự trù chống ngập, nhưng cơ quan chức năng vẫn kiên quyết “lắc đầu”.

Chính việc xây dựng “sai phép” bất đắc dĩ này, đúng hơn là cái cốt nền, đã dẫn đến hệ lụy là khách hàng tôi khổ sở trong công tác hoàn công. Và đó chắc chắn không phải trường hợp cá biệt ở nhiều địa phương hiện nay.

Để đảm bảo mỹ quan đô thị, cơ quan chức năng quản lý xây dựng theo một cái cốt nhất định cho từng tuyến đường và về nguyên tắc cốt đó phải được xây dựng từ một cốt chuẩn, thống nhất cho cả đô thị trên cơ sở quy hoạch tổng thể, tất nhiên trong đó có quy hoạch thoát nước (chống ngập).

Tuy nhiên, rủi ro hiện nay là nhiều địa phương còn quản lý đô thị dựa trên cốt giả định, từ đó “dẫn chiếu” cốt này cho các cốt từng tuyến đường và xem đó là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng cho người dân.

Thực tế công tác chống ngập vẫn là bài toán khó giải của chính quyền các địa phương, cả địa phương quản lý đô thị bằng cốt giả định hay đã xây dựng được cốt chuẩn. Hậu quả là thời gian qua nhiều nhà dân (cả xây dựng không phép lẫn có phép) vẫn cứ biến thành “lỗ tò vò” hoặc từ nhà lầu biến thành “nhà sàn” sau nhiều phen nâng đường giải bài toán chống ngập của nhà chức trách.

Ngập lụt đô thị không thuộc dạng thiên tai bất khả kháng (bởi đã được tiên lượng, tính toán trên cơ sở điều tra khảo sát một cách khoa học) nên không thể miễn trừ trách nhiệm của nhà chức trách trong trường hợp ngập lụt ảnh hưởng đến công trình nói chung.

Rõ hơn, xử lý ngập lụt là trách nhiệm của chính quyền trong quá trình được trao quyền thực thi công vụ. Nên về nguyên tắc, để xảy ra ngập lụt dẫn đến xáo trộn đời sống của người dân hay nghiêm trọng là gây hại đến tài sản của người dân thì chính quyền phải bồi thường. Rất tiếc, công tác bồi thường từ chuyện ngập lụt đô thị còn khá xa lạ ở ta, sự “sòng phẳng” của chính quyền đối với người dân vì vậy xem ra còn là chuyện xa xỉ.

Nhà chức trách quản lý xã hội theo hệ thống chuẩn mực gọi chung là sự hợp pháp, trong khi cuộc sống diễn ra theo nguyên tắc hợp lý. Theo đó, nhiều công trình xây dựng của dân thường dự trù khả năng ngập lụt song vô hình trung “không hợp pháp”.

Trong bối cảnh trên, thiết nghĩ để việc ngập lụt không là mối đe dọa đến đời sống của người dân và “làm khó” chính quyền, cần có giải pháp “mềm” đối với cái cốt nền để người dân tự “cứu” mình trước khi chính quyền “cứu” họ.http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20141110/chong-ngap-nha-lau-thanh-nha-san/669525.html

KTS LÊ CÔNG SĨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên