22/08/2012 00:04 GMT+7

Cần đột phá về chính sách tiền lương

BÁ SƠN
BÁ SƠN

TT - Nhiều chuyên gia cho rằng VN cần có những thay đổi mang tính đột phá về chính sách tiền lương, nếu không sẽ tiếp tục mắc phải những hệ lụy xấu như hiện tượng “chảy máu chất xám” hay tham nhũng... đang diễn ra tại nhiều nơi hiện nay.

Đó là nội dung đã làm “nóng” buổi tọa đàm “Vấn đề cải cách tiền lương của cán bộ, công chức và người lao động” do tạp chí Cộng Sản và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đồng tổ chức ngày 21-8 tại TP.HCM.

Nghịch lý tiền lương

Theo GS.TS Trương Giang Long - phó tổng biên tập tạp chí Cộng Sản, chính sách tiền lương sau nhiều lần cải cách tới nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Mặc dù trong vòng mười năm qua mức lương cơ bản đã được tăng tới tám lần nhưng vẫn không đủ để người lao động tái tạo sức lao động cũng như trang trải cho bản thân, gia đình.

Lương 10 triệu đồng/tháng, chi phí đi máy bay 8 triệu đồng/lần

Tổng biên tập tạp chí Cộng Sản Vũ Văn Phúc dẫn ra một ví dụ về chính trường hợp của ông cho thấy sự bất cập trong chính sách lương hiện nay: “Lương của tôi được hưởng theo bậc bộ trưởng chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng nhưng chi phí máy bay đi công tác Hà Nội - TP.HCM và ngược lại có thể mua mức vé tới 8 triệu đồng/lần. Như vậy nếu mỗi tháng một bộ trưởng đi công tác giữa Hà Nội - TP.HCM ba lần thì chi phí máy bay đã lên tới gần 30 triệu đồng, gấp ba lần tiền lương”.

Nhiều đại biểu cho rằng chính sách tiền lương không minh bạch dễ làm nảy sinh tham nhũng và những hệ quả xấu, làm hỏng bộ máy công quyền. PGS.TS Vũ Văn Phúc - tổng biên tập tạp chí Cộng Sản - cho rằng VN cần học Singapore xây dựng mức lương cho cán bộ, công chức hợp lý để họ “không dám, không cần, không muốn” tham nhũng.

Theo ông Phúc, nếu không mạnh dạn cải cách tiền lương sẽ không tránh khỏi vòng luẩn quẩn: lương thấp khiến người lao động không có điều kiện tái tạo sức lao động và nâng cao trình độ. Khi đó năng suất lao động sẽ không cải thiện nên không đủ nguồn lực để tăng lương cho người lao động.

Cần tăng tự chủ và khoán lương

Ông Vũ Văn Phúc cho rằng cần phải đa dạng hóa việc hình thành quỹ lương từ nhiều nguồn khác nhau, không chỉ gói gọn từ ngân sách nhà nước. Mặt khác, việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ tiền thuế của dân cũng là một giải pháp quan trọng để tạo nguồn lực cho cải cách tiền lương. Ông Phúc dẫn ví dụ những thất thoát hàng chục ngàn tỉ đồng của một số doanh nghiệp nhà nước như Vinashin, Vinalines thời gian qua và so sánh:

“Với mức thất thoát như thế thì tính ra tất cả cán bộ, người dân của một số tỉnh có GDP khoảng 1.000 tỉ đồng/năm phải làm cật lực, nhịn ăn nhịn tiêu hàng chục năm mới đủ bù đắp” - ông Phúc nói.

Các đại biểu cũng cho rằng cần tăng tự chủ về tài chính và khoán công việc tại các cơ quan, tổ chức để làm cơ sở cải cách tiền lương. Với hầu hết các cơ quan hành chính sự nghiệp hiện nay đều trả lương theo thang bậc mang tính cào bằng nên không tạo được sự cạnh tranh cũng như tạo động lực cho người lao động tăng năng suất làm việc và tăng thu nhập.

TS Nguyễn Trọng Hòa cho rằng cần phân định các loại công việc trong mỗi cơ quan, xác định mức độ khoán thu nhập với từng loại công việc. Khi đó người lao động sẽ có quyền lựa chọn, nếu càng chăm chỉ làm việc hoặc làm việc ở những vị trí khó... sẽ có điều kiện để cải thiện thu nhập của mình. Ông Hòa cho biết nhiều nơi đã áp dụng cơ chế khoán nhưng không trao cho lãnh đạo đơn vị quyền tự chủ nên rất khó triển khai trong thực tế.

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên