05/08/2016 08:05 GMT+7

Cần công khai thông tin định giá AVG

C.V.KÌNH - TRUNG HÀ
C.V.KÌNH - TRUNG HÀ

TTO - Dù giá trị giao dịch lên tới hàng ngàn tỉ đồng, thậm chí MobiFone cũng lên phương án phải đi vay tới 70%, nhưng các thông tin liên quan đến thương vụ mua AVG không được công bố công khai sau khi hoàn tất.

Theo các chuyên gia, là một doanh nghiệp nhà nước, MobiFone cần công khai thông tin về định giá AVG. Trong ảnh: một cửa hàng MobiFone tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Theo các chuyên gia, là một doanh nghiệp nhà nước, MobiFone cần công khai thông tin về định giá AVG. Trong ảnh: một cửa hàng MobiFone tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Theo thông tin mà Tuổi Trẻ có được, ngày 19-8-2015 tổng giám đốc MobiFone có văn bản yêu cầu lập dự án đầu tư dịch vụ truyền hình và chưa đến một tuần, ngày 24-8 Công ty TNHH chứng khoán ngân hàng thương mại CP Vietcombank (VCBS) đã phát hành báo cáo tư vấn về đánh giá AVG.

Đến ngày 9-9, nhóm cổ đông của AVG cũng có văn bản gửi tới MobiFone liên quan thương vụ mua bán sáp nhập. Và ngày 10-9, phương án mua AVG kèm những tính toán nguồn vốn dự kiến, đánh giá ảnh hưởng của thương vụ tới MobiFone đã được các bộ phận chức năng trình lên tổng giám đốc MobiFone.

AVG được ba doanh nghiệp (DN) thẩm định giá đưa ra những con số chênh nhau khá lớn. Công ty TNHH kiểm toán AASC định giá AVG lên tới hơn 33.000 tỉ đồng, trong khi Công ty TNHH Định giá Hà Nội - TP.HCM định giá hơn 18.500 tỉ đồng và Công ty thẩm định giá AMAX (do Bộ Tài chính cấp phép) chỉ đưa ra con số khoảng 16.500 tỉ đồng.

Trước đó với tư cách là đơn vị tư vấn, VCBS đã đưa ra phương án “thận trọng” nhưng cũng định giá AVG lên tới 24.500 tỉ đồng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Phạm Thế Anh (ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng việc MobiFone thuê ba DN tư vấn “nghe có vẻ tốt, nhưng thực tế chưa thể đảm bảo được kết quả khách quan, chính xác”.

“Nếu chỉ tính giá trị hữu hình và triển vọng kinh doanh truyền hình kỹ thuật số, giá trị AVG không lớn như định giá” - ông Thế Anh nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Thế Anh, cách tốt nhất là MobiFone phải công khai thương vụ mua bán bởi đây là DN nhà nước, tài sản là của người dân, trong khi AVG là một DN bình thường, không thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng.

Trên thực tế, hoạt động mua bán sáp nhập có thể là cơ hội để các bên nâng giá nhằm đem lợi đến cho một số cá nhân hay tổ chức liên quan, nên càng không thể giấu giếm.

“Nếu thông tin không công khai, người ta có quyền nghi ngờ và tôi cũng nghi ngờ có thể có lợi ích nhóm” - ông Thế Anh nói.

* Ông Nguyễn Tiến Thỏa (phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Thẩm định giá):

MobiFone phải công bố thông tin về định giá AVG

Nếu các công ty thẩm định chọn cùng một phương pháp, nguyên tắc nhưng dữ liệu đầu vào lựa chọn thông số khác nhau, thời điểm thu thập các chứng lý khác nhau thì kết quả sẽ khác nhau. Tuy nhiên, chênh lệch cũng không quá lớn như với trường hợp AVG.

Một DN định giá AVG là hơn 33.000 tỉ đồng, gấp đôi so với con số 16.500 tỉ đồng của một DN khác là quá vô lý. Dấu hỏi rất lớn là tại sao có sự chênh nhau khá lớn về số tiền định giá AVG? Những DN này đã chọn phương pháp định giá nào dẫn đến sự chênh lệch này?

Và theo quy định Luật giá, DN phải có trách nhiệm công bố công khai thông tin về giá, chứ đây không phải là thông tin ngầm. Theo đó, MobiFone phải công khai các thông tin về điều kiện, các đặc điểm, thông số kỹ thuật, kết quả định giá cả... về AVG.

L.THANH

C.V.KÌNH - TRUNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên