04/03/2015 09:48 GMT+7

​Cần công bằng đối với hành khách đi tàu

Nguyễn Minh Khuê (TP.HCM)
Nguyễn Minh Khuê (TP.HCM)

TT - Tôi đã là hành khách đi tàu nhiều năm liền, do vậy hoàn toàn hiểu và chia sẻ với bạn đọc Nguyễn Đước trong bài viết “Bơ phờ trên chuyến tàu tết tăng cường”.

Đây cũng chính là nỗi bức xúc của rất nhiều hành khách đi tàu khác.

Trước hết, việc mua được một tấm vé tàu ngày tết là một kỳ công cho hành khách vì phải trải qua rất nhiều công đoạn và mất nhiều thời gian, nhưng không phải ai cũng có thể mua được vé.

Đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng đường sắt dù có cải tiến trong việc bán vé tàu nhưng vẫn luôn “lạc hậu” so với nhu cầu chính đáng của hành khách và bộc lộ rõ nét bệnh độc quyền của ngành này.

Thế nhưng giá vé tàu thì không lạc hậu! Giá vé tàu luôn đắt hơn vé ôtô và cũng chẳng kém cạnh vé máy bay giá rẻ. Điều này hành khách có thể chấp nhận nếu chất lượng dịch vụ phù hợp, song thực tế các thượng đế luôn bị phiền lòng do chất lượng dịch vụ quá kém.

Hành trình di chuyển trên các chuyến tàu, đặc biệt tàu tết, là sự mệt nhọc của hầu hết hành khách, kể cả hành khách ngồi ghế chính lẫn ghế phụ. Không gian công cộng tối thiểu cần phải có như lối đi, nhà vệ sinh, phòng rửa mặt, chỗ nối giữa các toa xe... đều lấp kín người.

Hành khách phải trả tiền mua vé để được ngồi/nằm trên tàu với một không gian tối thiểu cần đảm bảo như thiết kế vốn có của đoàn tàu, thế nhưng đơn vị cung cấp dịch vụ lại còn “cắt xén” không gian này qua các ghế phụ để tăng thêm doanh thu.

Như vậy là không công bằng với hành khách đi tàu. Và quan trọng hơn, nếu có sự cố xảy ra thì hành khách sẽ thoát hiểm bằng lối nào?

Dù đơn vị cung cấp dịch vụ biện minh với lý do để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trong mùa cao điểm nên buộc phải làm thế là không thể chấp nhận và không công bằng trong một quan hệ dịch vụ có trả tiền.

Tại sao các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ôtô nếu chở khách quá số ghế trên xe sẽ bị xử phạt rất nặng, còn đơn vị kinh doanh vận tải đường sắt thì “vô tư”?

Thiết nghĩ đã đến lúc hành khách cần sự công bằng trong một quan hệ dịch vụ chứ không rơi vào thế buộc phải “nhắm mắt đưa chân” và đơn vị kinh doanh vận tải đường sắt cũng cần thay đổi cung cách phục vụ, chất lượng dịch vụ để đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại chính đáng của người dân.

Mong rằng cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GTVT tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ hơn và xây dựng các chính sách hợp lý để đáp ứng mong mỏi của người dân.

 

Nguyễn Minh Khuê (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên