​Cán bộ, giảng viên tố nhà trường nhiều sai phạm

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TT - Một số cán bộ, giảng viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (TP.HCM) tố cáo trường có nhiều sai phạm trong công tác xây dựng, sửa chữa cơ bản cũng như bố trí nhân sự các phòng ban trong thời gian qua.

Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: M.Giảng
Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: M.Giảng

Liên tục các năm 2011, 2012 và 2013, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức tiến hành sửa chữa rất nhiều hạng mục. Hầu hết các hạng mục này đều chỉ định một công ty thực hiện.

Có dấu hiệu kê khống

Chỉ định thầu một công ty

Theo tố cáo, nhiều hạng mục sửa chữa được chỉ định thầu cùng một ngày với số tiền hàng tỉ đồng, do một công ty đảm nhiệm mà không thông qua các thủ tục theo quy định như thẩm định thiết kế bản vẽ, báo cáo kinh tế kỹ thuật, đấu thầu. Ngoài ra, trường cũng rất “hào phóng” khi chi gần 670 triệu đồng để sửa chữa sân bóng đá mini số 1 dù sân này đã được xã hội hóa và giao cho tư nhân khai thác.

Theo tố cáo, rất nhiều hạng mục sửa chữa không có trong thực tế hoặc cố tình làm trái quy định liên quan đến việc đầu tư xây dựng cơ bản khi xẻ nhỏ các hạng mục sửa chữa từ sửa chữa lớn (trên 500 triệu đồng) thành nhiều hồ sơ sửa chữa nhỏ (dưới 500 triệu đồng), không xin chủ trương, không báo cáo kinh tế kỹ thuật, không đấu thầu.

Cụ thể, năm 2010 trường tiến hành sửa chữa phòng thực hành khoa du lịch B009, sửa chữa phòng thực hành khoa du lịch B010. Tuy nhiên, theo một số giảng viên, thực tế hai phòng B009, B010 không tồn tại.

Tương tự, trường sửa chữa các nhà vệ sinh H, H11, 006, 109, 209, 003, 104, 204 nhưng theo tố cáo, thực tế các nhà vệ sinh 006, 109, 003... không tồn tại. Với những nhà vệ sinh có trên thực tế thì chi phí sửa chữa lên tới khoảng 400 triệu đồng/nhà vệ sinh trong khi đây là công trình có kết cấu cũ hiện hữu, diện tích mỗi nhà vệ sinh chỉ 10-20m2.

Thực tế sửa chữa không thay đổi kết cấu cũ, không xây thêm, chỉ sơn nước, lắp đặt lavabo và bồn cầu, lát gạch. Thế nhưng nhà vệ sinh A209 có giá thành hơn 380 triệu đồng, nhà vệ sinh A204 có giá thành hơn 418 triệu đồng, nhà vệ sinh H001 hơn 469 triệu đồng...

Cũng theo tố cáo, một số phòng học được đưa vào danh mục sửa chữa nhưng thực tế chỉ là bãi đậu xe buýt. Trong đó, việc cải tạo, sửa chữa từ phòng B013 đến B020 với tổng giá trị gần 2,4 tỉ đồng nhưng vào thời điểm năm 2012, tại địa điểm trên các hạng mục đó không tồn tại, nơi đây là bãi đậu xe buýt, hoàn toàn không có các phòng học nêu trên.

Việc cải tạo, sửa chữa phòng B112, kho, mái che hành lang lầu 1 khu H với số tiền hơn 461 triệu đồng cũng kê khống bởi những hạng mục này không hiện hữu tại thời điểm trên.

Sử dụng kinh phí sai mục đích

Tại buổi làm việc với ban giám hiệu và lãnh đạo các phòng ban chuyên môn liên quan, chúng tôi đặt vấn đề lập hồ sơ khống, sửa chữa các phòng không có trên thực tế. Một thành viên của trường giải thích rằng lúc sửa có thể phòng này tên khác, vài tháng sau trường đổi tên phòng nên nhiều người không biết.

Về việc cho bên ngoài thuê bán bánh kẹo, cà phê..., đại diện trường cho rằng trường hợp tác với doanh nghiệp để sinh viên thực tập và có thu phí. Còn chuyện đầu tư gần 670 triệu đồng sửa chữa sân bóng đá mini, trường khẳng định không có.

Sau khi chúng tôi đưa ra hợp đồng sửa chữa cũng như quyết toán của trường, đại diện trường lại giải thích rằng đó là sửa chữa sân bóng khác nhưng trùng tên chứ không phải trường bỏ tiền sửa chữa sân bóng đá đã xã hội hóa.

Khi chúng tôi đặt vấn đề về việc xẻ nhỏ công trình lớn thành nhiều công trình nhỏ dưới 500 triệu đồng để lách quy định, bà Nguyễn Thị Lý - hiệu trưởng nhà trường - khẳng định trường không làm trái quy định. Kinh phí có hạn nên trường làm theo phương thức cuốn chiếu.

Với những công trình dưới 500 triệu đồng, chủ đầu tư được tự quyết mà không phải xin chủ trương, báo cáo kinh tế kỹ thuật... “Nếu làm không đúng thì một đồng của Nhà nước cũng không thể chi được” - bà Lý nói.

Cuối năm 2013, Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Sở GD-ĐT TP.HCM đã xuống trường kiểm tra theo những nội dung mà giảng viên tố cáo. Theo văn bản kết luận của ủy ban này, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức có dấu hiệu chia nhỏ gói thầu, tách dự án, làm trái quy định hiện hành.

Đơn cử, trường đã tách một dự án với tổng mức đầu tư hơn 2,2 tỉ đồng thành nhiều gói thầu nhỏ dưới 500 triệu đồng, không thực hiện các thủ tục theo quy định và sử dụng kinh phí sai mục đích.

Tương tự, việc sửa chữa các phòng học từ B013 đến B020, bản vẽ là sửa chữa cải tạo nhưng thực tế trường đã xây mới hoàn toàn một dãy nhà hoàn chỉnh từ móng đến mái với tổng mức đầu tư hơn 2,7 tỉ đồng nhưng chia nhỏ thành sáu gói thầu dưới 500 triệu đồng với nội dung sửa chữa, cải tạo.

Cũng theo ủy ban này, một số hồ sơ xây dựng trên thiết kế và thực tế hoàn toàn khác nhau, trường sử dụng kinh phí chi thường xuyên để xây dựng mới là vi phạm quy trình về công tác sửa chữa cải tạo.

Bên cạnh đó, toàn bộ việc sửa chữa đều do một công ty thi công, đồng thời cũng là đơn vị thiết kế và lập dự toán là vi phạm các quy định của Luật đấu thầu.

Chưa được phép đã làm

Ngày 15-3-2013, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức có văn bản gửi Sở GD-ĐT TP.HCM về các danh mục sửa chữa trong năm với tổng kinh phí trên 8 tỉ đồng. Ngày 12-4-2013, sở có quyết định đồng ý với chủ trương sửa chữa này.

Thế nhưng trường đã “cầm đèn chạy trước ôtô” khi trong tháng 1-2013, ban giám hiệu trường đã ký hàng loạt quyết định chỉ định thầu và tiến hành sửa chữa nhiều công trình trong danh mục sửa chữa với tổng kinh phí trên 2 tỉ đồng khi chưa có văn bản đồng ý chủ trương của sở.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên