Đình Minh Hương Gia Thạnh ở Q.5, TP.HCM, nơi Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được thờ ở vị trí tiền hiền làng Minh Hương - Ảnh: Wikipedia |
Theo đề xuất của UBND TP, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng trên phần đất hơn 6.000m2, chi phí 54,7 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP do ban quản lý khu công viên văn hóa làm chủ đầu tư.
Ông Cao Hữu Niên - trưởng ban quản lý khu công viên này - cho biết khi thành lập công viên chưa có hạng mục này. Chủ trương đưa đền thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào công viên chỉ mới được cơ quan chức năng đồng ý và UBND TP phê duyệt vào tháng 8-2014.
Đây là dự án có tên “Xây dựng đền thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc”. Thông tin này được đề cập trong công văn số 5314/UBND-ĐT do UBND TP.HCM gửi thường trực HĐND TP ngày 15-10 nhằm “kiến nghị thường trực HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư để chủ đầu tư (ban quản lý khu công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc) có cơ sở triển khai thực hiện và hoàn tất các thủ tục đầu tư xây dựng”.
Dự án này xuất phát từ đề nghị của ban quản lý khu công viên văn hóa vào tháng 8, và UBND TP.HCM chỉ đạo thực hiện dự án “nhằm chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước theo như chỉ đạo của Ban thường vụ Thành ủy”.
Thời gian thực hiện dự án ghi ở đây là từ năm 2014 đến 2015. Nhưng tính từ tháng 8-2014 đến tháng 4-2015 là thời điểm kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, quỹ thời gian chỉ vỏn vẹn tám tháng. Thậm chí đến hiện nay - trung tuần tháng 10-2014 - dự án xây dựng đền thờ vẫn đang chờ UBND TP phê duyệt.
Được biết, từ trước đến nay, Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã được lập các đền thờ ở nhiều địa phương từ miền Trung đến miền Nam, các đền thờ lớn nhất đặt ở Quảng Bình - quê hương ông, ở Cù lao Phố (Đồng Nai) - nơi ông đặt dinh Trấn Biên, ở TP.HCM (tại đình Minh Hương Gia Thạnh, thờ chung với Trần Thượng Xuyên, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh như những vị tiền hiền và hậu hiền của làng Minh Hương) và ở An Giang (phường Châu Phú A, TP Châu Đốc) - nơi ông khải hoàn sau chuyến đánh ngoại xâm quan trọng cuối cùng (1700) trong cuộc đời oanh liệt vì dân vì nước của ông. Đền này do chính quan trấn thủ Thoại Ngọc Hầu xây dựng để thờ Nguyễn Hữu Cảnh từ bấy đến giờ.
Theo ý kiến của nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng, tại TP.HCM có đình Nam Tiến (Q.4) là nơi từng thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. “Nhưng đình hiện hư sập hết cả, nếu trùng tu để thờ Nguyễn Hữu Cảnh cũng là việc nên làm” - ông Trảng nhận xét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận