30/01/2011 06:30 GMT+7

Camkytiwa

VIỆT LINH
VIỆT LINH

TTXuân - “Cảm ơn một đêm nhạc hòa thuận và nhân văn”- Romain Philippe Pomedo, phóng viên Đài truyền hình CINAPS TV, đã nói như vậy với bốn nữ nghệ sĩ sau buổi diễn. Một trong số họ là ca sĩ Hương Thanh.

Uomv4QZH.jpgPhóng to
Ca sĩ Hương Thanh (thứ hai từ trái sang) và ba nghệ sĩ E Joung Ju (Hàn), Yan Li (Hoa), Fumie (Nhật) trong chương trình Camkytiwa - Ảnh: CTV
osx0FSHw.jpgPhóng to

1. Không chỉ được biết đến là con nghệ sĩ cải lương Hữu Phước, em ruột ca sĩ Hương Lan; mười năm trở lại đây Hương Thanh còn nổi tiếng là người giao thoa âm nhạc Âu-Á. Ở Pháp, Hương Thanh có rất nhiều buổi diễn, không phải buổi nào tôi cũng có dịp tham dự; thế nhưng tôi nhất quyết đi xem buổi diễn cuối năm ở Bảo tàng Guimet.

Phiên âm bốn chữ cầm, kỳ, thi, họa, Camkytiwa là một trong các chương trình Hương Thanh kết hợp với nhạc sĩ nước ngoài. Chương trình, theo nhiều người, ấn tượng nhất của Hương Thanh không chỉ bởi nó mãn nhĩ, mãn nhãn mà có lẽ quan trọng hơn là sự hòa giao đẹp đẽ của những người hàng xóm.

2. Thanh tiếp tôi trong gian bếp căn hộ ở ngoại ô Paris, có cửa sổ nhìn ra khoảnh sân nhỏ với nhiều dây leo xanh. Cô muốn đãi khách món phở do chính tay cô nấu và vì “Thanh rất thích làm bếp để vừa hát vừa mơ mộng”. Thanh mơ gì? - Mơ đem nhạc xứ mình ra thế giới.

Rời Việt Nam năm 17 tuổi, “khóc sưng mắt, cầm như mộng ca hát tiêu tan”, Hương Thanh và cha chỉ nấn níu tình yêu sân khấu ở vài quán ăn Việt, diễn tết cho kiều bào. Đường nghệ thuật cứ lắt lay vậy cho đến ngày Thanh nhận được lời mời của Nguyên Lê. Bằng việc thổi vào các làn điệu dân ca của Hương Thanh âm hưởng jazz, Nguyên Lê - một trong bốn mươi guitarist hàng đầu thế giới - đã đưa dân ca Việt Nam đến khán giả châu Âu. Hương Thanh gọi cuộc hạnh ngộ với Nguyên Lê là bước ngoặt giúp giấc mơ “hão huyền” kia thành hiện thực: Trong một lần lưu diễn với Nguyên Lê, một nhà phát hành đĩa người Đức đã đề nghị Hương Thanh ký hợp đồng, mở màn cho những kết nối âm nhạc khác. Hương Thanh mang máng một lối đi.

3. Tay thoăn thoắt lặt rau, nữ ca sĩ nhỏ nhắn giải thích công việc to lớn của mình thật giản dị: “Dân ca Việt Nam có âm điệu không dễ nghe với khán giả châu Âu, muốn truyền bá phải kết nối với các dàn nhạc khác. Khi khán giả quen biết một nhạc cụ trong dàn nhạc, họ sẽ quan tâm cả buổi diễn, từ đó quan tâm và quen dần âm điệu dân ca Việt Nam”. Bằng giấc mơ xa xôi nhưng mẫn cán, đến nay giọng hát Hương Thanh đã kết hợp thành công với nhạc cụ mười hai nước. Thanh nói giống như nấu ăn, kết hợp không đơn giản là cộng mà là sự pha trộn tinh tế: tùy âm sắc mỗi nhạc cụ, Thanh chọn trong kho tàng dân ca Thanh biết bài thích hợp, kể nội dung cho bạn diễn... Theo Thanh, trừ dân ca Nam bộ hơi khó phối, hầu hết làn điệu khác của Việt Nam đều “ăn” với nhạc cụ thế giới.

Khởi đầu bằng hát ké người ta để giới thiệu nhạc xứ mình, Hương Thanh tiến dần tới vai trò chủ đạo, khiến người ta xin đàn… ké. Nhưng điều đó không quan trọng, con ong Hương Thanh chỉ chăm chăm làm sao mang mật Việt ra xứ người. Lần lượt Hương Thanh traditionnel với Hạo Nhiên, Vĩnh Phước, Hồng Nguyên, Asian color với hai nhạc sĩ Nhật Bản, Trung Quốc; Hương Thanh jazz Quarter với ba nhạc sĩ Pháp, Hương Thanh - Jackson Carter, Hương Thanh - Bruno Maurice... ra đời. Năm 2007, Hương Thanh được France Musique - kênh phát thanh chuyên về âm nhạc - trao giải thưởng dòng nhạc dân tộc, tài trợ làm CD nhạc dân ca Việt Nam. Giải thưởng và CD khiến Thanh có thêm nhiều bạn diễn, chu du thêm nhiều nước...

Khác với quan niệm ca sĩ độc tôn, âm nhạc chỉ làm nền để ca sĩ khoe giọng, khoe nhan sắc; Hương Thanh rất xem trọng tiếng đàn, tôn trọng linh hồn bài hát. “Nếu phải chọn giữa kỹ thuật và tình cảm, Thanh chọn tình cảm bởi khi ta dụng công kỹ thuật thì tim óc không còn chỗ cho mây nước, hoa bướm... - những thứ Thanh muốn người nghe cảm nhận chứ không phải kỹ năng cá nhân”. Thanh hát thong dong là vậy, được các nhạc sĩ yêu mến là vậy. Sắp tới Thanh sẽ về Việt Nam biểu diễn theo lời mời của ban nhạc Tây Ban Nha Tours de vent et Terre d’asile. Do nhạc cụ Tây Ban Nha không hợp với dân ca Việt Nam, nên Thanh sẽ hát Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, một số bài Tây Ban Nha chuyển ngữ.

4. Dồn dập, rình rang lắm, nhưng có lẽ Camkytiwa là chương trình lấy của Hương Thanh nhiều tâm sức nhất, đưa tới người xem nhiều cảm xúc nhất. Tại căn phòng khách vỏn vẹn 20m2 cũng là nơi luyện tập hầu hết các chương trình, Thanh kể tôi nghe nguồn cội của Camkytiwa: Một ngày Thanh nhận được đề nghị hợp tác của E Joung Ju - nghệ sĩ đàn gômoungo (đàn dây có âm thanh như trống) Hàn Quốc và nghệ sĩ đàn koto, shammisen (tương tự đàn tranh, đàn kìm) Nhật Bản Fumie Hihara. Ý tưởng nhóm nữ Đông Á nảy ra, Thanh liên lạc Yan Li - nghệ sĩ đàn erhu (tương tự đàn cò) Trung Quốc và được cô đồng ý. Camkytiwa ra đời.

Nhắc tới Camkytiwa phải nhắc tới Hồng Nguyên - tác giả tên nhóm, nhạc sĩ đồng hành với Hương Thanh trong những bước đầu, người bạn đời, trợ lý đắc lực của Thanh hiện nay. Trong câu chuyện, Hồng Nguyên hay dùng từ dễ thương khi nói tới bốn cô. Mà đúng là dễ thương. Nhìn, nghe họ diễn, bạn khó hình dung tại sao ba cô Hàn, Hoa, Nhật kia có thể hòa quyện với Xẩm huê tình, Giữa tối trăng rằm, Ngồi tựa mạn thuyền, Bèo giạt mây trôi, Hoa thơm bướm lượn, Hò hụi, Lý cây khế, Lý chim quyên, Ru con, Lý qua cầu, Hò cổng chùa Bến Tre... của Hương Thanh đến thế. Thanh nói do Thanh “cắt nghĩa kỹ nội dung từng bài hát và tập với nhau cả năm...”.

Là người chủ đạo, nhưng ngoài 11 bài hát Việt Nam, Hương Thanh đã hát thêm ba bài dân ca nước bạn “để cảm ơn họ” và “để họ đàn cho đã tay”. Thanh cũng xếp cho mỗi nhạc sĩ biểu diễn một bài sở đắc. Nên ta được nghe Fumie hát da diết, nghe Yan Li trữ tình điệu Tân Cương, nghe E Joung Ju hừng hực gômoungo kỳ ảo... Mãn nhĩ, dễ thương, thuận thảo là những gì Camkytiwa để lại trong lòng khán giả. Tôi cắc cớ hỏi Thanh có “trục trặc” gì không khi dàn dựng, Thanh cười ý nhị: cũng có khó khăn chút chút. Thanh nói qua cộng tác quốc tế biết thêm nhạc nhiều nước, học thêm sự hòa hợp của thanh âm, của cuộc đời.

5. Thanh nói Thanh không cần sống xa hoa, chỉ cần thấy nhạc xứ mình ra quốc tế. “Mỗi lần nghe khán giả nước ngoài khen nhạc Việt, mong ước một lần đi đến Việt Nam là Thanh mãn nguyện. Thanh thèm lúc nào đó trên xe hơi người ta sẽ nghe nhạc Việt Nam, dù không hiểu lời”. Thanh nói mình hơi viển vông, nhưng số CD có tên Hương Thanh bày bán khắp nơi, những buổi diễn đông nghịt khách, những râm ran khán phòng hát theo điệp khúc... cho thấy Hương Thanh đang là sứ giả âm nhạc.

Hương Thanh ước mơ đưa Camkytiwa về Việt Nam biểu diễn, ba nữ nhạc sĩ kia cũng háo hức. Tôi nghĩ Camkytiwa sẽ thành công ở Việt Nam, không chỉ bởi thứ âm nhạc lạ thường, quyến rũ mà còn bởi nó gợi tưởng cho ta những khoảnh khắc thuận hòa...

Camkytiwa, Camkytiwa..., sao tôi cứ thích nhắc hoài thanh âm dễ thương này.

VIỆT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên