Bóng mẹ tất tả, bóng con vội vã. Mẹ con mình chạy đua với đêm, mà ánh đèn đường cứ tưới nhòa xuống đôi chân lam lũ. Con không nhìn những nhộn nhịp hai bên đường - thị trấn hào hoa, tráng lệ trước cái nghèo của nhà mình. Con không nhìn những người cùng trang lứa. Họ xinh đẹp, dập dìu tụ tập bên các quán ven đường để bắt đầu cuộc hẹn. Con chỉ thấy lo cho đám trái cây gặp mưa, buổi chợ của ngày mai và những ngày sau nữa...
Phóng to |
Mẹ và con - Ảnh: GIA TIẾN |
Mẹ có nhớ chị em con học hai ca sáng chiều khác nhau nên vẫn mặc chung một bộ đồng phục thể dục. Tội nghiệp em mỗi khi trời mưa, nó thường phải mặc đồ ướt. Làm sao con quên ánh mắt của thầy cô khi nhìn đứa học trò cứ nợ tiền trường. Tiếng xì xào của chúng bạn đôi khi là nỗi ám ảnh khiến con không thể hòa đồng... Nhưng cha mẹ vẫn kiên trì cho chúng con đến lớp.
Con thương tiếng leng keng của bác cà rem xa lạ dừng trước trường học. Nó khiến con mơ hồ nghĩ đến cha cũng đang rong ruổi với thùng cà rem. Vì một lý do nào đó mà tuổi thơ con chưa hiểu hết, cha không bao giờ xuất hiện trước cổng trường con. Có ai hiểu con thương cha biết chừng nào khi thấy dáng cha gầy liêu xiêu dựng chiếc xe cũ mà tiếng thắng xe nghe khô khốc đến nao lòng. Con thương tiếng ho về đêm của mẹ, để buổi cơm có thêm món rau om luộc đắng đầu lưỡi. Để mỗi trưa con và em lén mẹ trốn ngủ, hì hục xay bột bằng cái cối đá nặng trịch. Đêm về mẹ cứ cầm bàn tay phồng rộp của con mà la sa sả...
Cha mẹ dạy con phải thật thà trước chợ trời với bao lừa lọc bon chen. Nên cuộc sống có đảo điên, bao nhiêu khổ ải của kế sinh nhai nhưng tuổi thơ chúng con vẫn lấp lánh tin yêu. Con nhớ mãi hình ảnh của ông cụ râu tóc bạc phơ (cứ như một ông tiên trong truyện cổ tích mẹ thường kể vậy). Ông đến trước con - một con nhóc lớp 3 đen nhẻm với mâm chuối chiên đầy vung. Ông nhẹ nhàng dừng chiếc xe đạp, lấy đúng ba cái bánh. “Dạ - con lễ phép - Hết 500 đồng”.
Ông cười bảo: “Ông không có tiền lẻ, chút nữa ông đến trả nhé!”. Một lần nữa, con nhìn dung mạo phúc hậu của ông và gật đầu. Nhưng rồi đến tận non trưa mà vẫn chưa thấy ai quay lại. Con đã khóc tức tưởi khi về đến nhà. Đã có lần con chỉ vừa lập cập thối tiền thiếu mất 200 đồng, không lắng nghe con rối rít: “Xin lỗi cô, con quên...”, cô mua hàng đã ầm ĩ: “Sao mày quên khôn thế?”. Bài học đầu tiên con học trước mâm bánh chuối chiên là không thể dễ dàng tin bất cứ ai và luôn luôn trung thực.
Con nhớ chiếc váy thật xinh được trải trên tấm nilông của một phiên chợ cuối năm. Con nhớ cây son môi con thèm sở hữu từ đứa bạn thân. Con cũng mong được chưng diện, hay chí ít không phải đưa mối bánh vào các trường học trong khi con vẫn mặc chiếc áo dài trắng thướt tha. Có điều, sau những ước muốn bất chợt đó, dù không ai dạy nhưng tự con và em bảo nhau dẫu mình có thay đổi lớp quần áo hay thoa thêm son phấn, cha mẹ mình vẫn nhọc nhằn, mái nhà mình vẫn gồng lên trước mấy trận mưa đêm. Nên chúng con vẫn cứ đen đủi, cũ kỹ trước bạn bè.
Mẹ ơi! Trong cuộc đời mình, con người có thể đi bao nhiêu con đường? Trước số mệnh, ta có quyền lựa chọn không? Nhưng nếu có thể cho thời gian trở lại, con cũng nguyện được là con của cha mẹ. Hạnh phúc đến thật bình dị vì con đã may mắn được sống trong tình thương yêu trọn vẹn. Trái tim chúng con được lành lặn, khỏe mạnh. Cơ thể chúng con căng tràn nhựa sống và bên trong là tâm hồn rộng mở. Cảm ơn những va vấp, những cơ cực đã dạy chúng con nên người. Giá trị của đồng tiền không nên đo bằng thứ hàng hóa ta mua về. Nó nằm trong khoảnh khắc ta chần chừ trước một xa xỉ phẩm, rưng rưng nghĩ về giọt mồ hôi, nỗi đắng cay mà người ta thương yêu đánh đổi. Cảm ơn cuộc đời đá sỏi đã cho ta quý trọng giá trị cuộc sống này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận