14/04/2018 11:11 GMT+7

Cẩm nang giữ gìn sức khỏe người cao tuổi

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương  (Bộ Y tế)
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế)

Có bí kíp 16 chữ có thể làm giảm bệnh và kéo dài tuổi thọ. Đó là: Thức ăn phù hợp. Vận động vừa sức. Bỏ thuốc (lá) bớt rượu. Cân bằng tâm trạng.

Cẩm nang giữ gìn sức khỏe người cao tuổi - Ảnh 1.

Vận động tốt nhất là đi bộ. Ảnh minh họa. Nguồn: jmwalkclub.com

Có lẽ bất cứ người cao tuổi nào đều mong muốn có một sức khỏe ổn định cho mình và cả gia đình. Bài nói chuyện của bác sĩ người Trung Quốc Hồng Chiêu Quang có nhiều lời khuyên thiết thực, bổ ích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hành nên có thể được coi là một thứ cẩm nang cho những người cao tuổi.

Mở đầu bài nói chuyện, Hồng Chiêu Quang nêu lên một câu hỏi: "Vì sao hiện nay kinh tế phát triển, tiền có nhiều, mức sống vật chất được nâng cao mà lại có nhiều người chết sớm? Phải chăng do đời sống sung túc mà phát sinh và phát triển lắm thứ bệnh nan y như các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, xuất huyết não, nhồi máu cơ tim, ung thư, đái tháo đường…?

Ông nêu câu hỏi rồi tự giải đáp luôn: "Nguyên nhân chính là do sự thiếu hiểu biết về sức khỏe, về vệ sinh, ý thức tự dưỡng sinh và phòng ngừa bệnh tật".

Cũng vì thiếu hiểu biết những điều hết sức đơn giản mà có nhiều cụ già đã chết rất đột ngột. Ban đêm họ dậy đi tiểu nhanh quá khiến não bị thiếu máu làm chóng mặt bị ngã, tim ngừng hoạt động vì bị co bóp quá sức. Họ chỉ cần nhớ và thực hiện "ba cái nửa phút", nghĩa là khi muốn dậy phải nằm thêm nửa phút, khi đã ngồi dậy phải ngồi nửa phút, rồi khi đã bỏ chân xuống giường cũng phải chờ thêm nửa phút nữa mới từ từ đứng dậy đi vệ sinh.

Còn muốn luôn luôn khỏe khoắn, tỉnh táo thì đừng tiếc "ba cái nửa giờ", nghĩa là sáng dậy đi bộ và tập dưỡng sinh nửa giờ; buổi trưa nằm ngủ nửa giờ (nếu không ngủ được thì cũng nằm yên, nhắm mắt cho thần kinh và các bắp thịt thư giãn); buổi tối lại dành nửa giờ đi bộ nhẹ nhàng để có giấc ngủ ngon.

Phòng bệnh quan trọng hơn chữa bệnh

Có người cho rằng, khoa học kỹ thuật ngày nay có thể chữa khỏi mọi thứ bệnh. Muốn chữa khỏi bệnh phải tốn rất nhiều tiền, chỉ một số ít người mới có điều kiện. Đối với số đông phải coi biện pháp phòng ngừa là chủ yếu.

Thí dụ, muốn khống chế bệnh cao huyết áp, tốt nhất là mỗi ngày uống 1 viên thuốc hạ áp do bác sĩ chỉ định để giảm lượng máu tràn dần vào não. Nếu máu tràn ngập não thì tình hình sẽ vô cùng phức tạp, đồng thời phải chấp nhận hậu quả bán thân bất toại suốt đời.

Mỗi viên thuốc hạ áp đáng giá không bao nhiêu nhưng vì không thực hiện phương pháp phòng bệnh nên có người đã phải nằm viện nhiều năm, tiêu tốn tiền của, chưa kể bao nhiêu công chăm sóc của gia đình.

Những hòn đá tảng của sức khỏe

Vì sao có nhiều người mắc bệnh xơ cứng động mạch, đái tháo đường? Mắc các chứng bệnh này là do hai nhóm nguyên nhân. Nguyên nhân bên trong là do cơ nguyên di truyền, nó chỉ là một xu hướng. Nếu cả bố lẫn mẹ đều mắc bệnh tăng huyết áp thì 45% số con sinh ra mắc phải bệnh ấy. Nếu chỉ bố hoặc mẹ mắc bệnh tăng huyết áp thì tỷ lệ là 28%. Nếu không ai mắc bệnh này thì con cũng không mắc bệnh. 

Nguyên nhân bên trong không đóng vai trò chủ yếu sinh bệnh, nhất là các bệnh mạn tính. Nguyên nhân bên ngoài là những yếu tố hoàn cảnh, sinh hoạt. Sự tác động lẫn nhau giữa nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài làm cho ta mắc bệnh. Ngày nay, có nhiều loại bệnh mà xét đến cùng đều do phương thức sinh hoạt không đúng đắn, không văn minh gây ra.

Có bí kíp 16 chữ có thể làm giảm 55% bệnh đái tháo đường, 1/3 bệnh ung thư và kéo dài tuổi thọ bình quân 10 năm trở lên. 16 chữ ấy là: Thức ăn phù hợp. Vận động vừa sức. Bỏ thuốc (lá) bớt rượu. Cân bằng tâm trạng.

Chúng ta lần lượt tìm hiểu nội dung những hòn đá tảng ấy của sức khỏe:

Thức ăn phù hợp: Dùng thức ăn phù hợp làm ta không quá béo, cũng không quá gầy, lượng mỡ trong máu không cao cũng không thấp, máu không quá đặc cũng không quá loãng. Muốn vậy, chúng ta hãy nhớ:

Chế độ ăn truyền thống của người châu Á có nhiều ưu điểm nhưng có một nhược điểm lớn là thiếu can-xi. Có đến 99% người Trung Quốc thiếu can-xi, do đó hay đau mỏi xương, càng già càng lùn, thấp, dễ bị gãy xương… Tính trung bình mỗi ngày mỗi người còn thiếu 300mg can-xi, tức là thiếu khoảng 1/3 nhu cầu can-xi cho cơ thể. Để bù vào chỗ thiếu hụt ấy, mỗi ngày nên uống 100-200ml sữa. 

Người Nhật đã nêu thành khẩu hiệu: Mỗi túi sữa bò làm cho dân tộc được vươn cao bằng người Âu Mỹ. Sữa bò còn giúp phát triển óc thông minh, tăng sức đề kháng chống các bệnh viêm nhiễm. Cách uống tốt nhất là uống vào lúc trước khi đi ngủ.

Mỗi ngày hạn chế lượng ăn chất bột chỉ khoảng 200 gam tức là ăn ít khoảng lượng ăn bình thường. Đó là biện pháp tốt nhất để giảm béo, tức là giảm các tai biến về tim mạch.

Hạn chế ăn albumin (chất do thịt và trứng cung cấp) bằng 1/3 lượng bình thường. Đối với người cao tuổi, ăn nhiều thịt và trứng thì rất có hại, càng ăn nhiều chết càng nhanh. Người cao tuổi, nhất là nữ giới nên ăn cá là thức ăn rất tốt và đậu tương cùng các chế phẩm của nó để thay thịt và trứng động vật.

Ăn thêm một, hai bữa phụ hàng ngày (ngô bung, khoai lang luộc, cháo loãng), không ăn no hoặc quá no mà khi đặt bát xuống vẫn còn thèm ăn thêm.

Mỗi ngày ăn chừng 500 gam rau xanh và hoa quả chín. Ăn nhiều rau, quả tươi có thể giảm được 50% bệnh ung thư.

Bây giờ nói đến màu sắc trong thực phẩm.

Đỏ là mỗi ngày ăn một quả cà chua chín. Đặc biệt là đối với nam giới cao tuổi chỉ ăn 1 quả cà chua mỗi ngày có thể phòng tránh được bệnh viêm hoặc ung thư tuyến tiền liệt. Khoai lang đỏ cũng có tác dụng tương tự. Rượu nho đỏ, rượu nếp cẩm (có màu đỏ tím) uống mỗi ngày từ 50-100ml có thể phòng bệnh xơ cứng động mạch. Ngoài ra nên ăn dưa hấu, khoai lang đỏ, bí ngô đỏ, rau dền đỏ, củ cải đỏ.

Vàng là nên ăn các quả, củ có màu vàng. Cà rốt chứa nhiều vitamin A rất cần cho người cao tuổi mờ mắt. 

Xanh là chè xanh . Chè xanh tươi thì càng tốt nhưng đừng uống quá nhiều và quá đậm đặc.

Trắng là bột yến mạch được nghiền ra từ lúa yến mạch.

Đen là nấm mộc nhĩ đen. Qua các công trình nghiên cứu khoa học, người ta đã khẳng định rằng, ăn mộc nhĩ làm giảm được độ dính của máu, đo đó ngăn chặn được bệnh tắc mạch máu hoặc vỡ mạch máu ở người cao tuổi có bệnh cao huyết áp, hạn chế được tai biến nhồi máu cơ tim ở mức bình thường. 

Mộc nhĩ giúp cho máu lưu thông toàn thân và lên não đầy đủ hơn nên duy trì được trí nhớ tốt hơn và vận hành tốt hơn các bộ phận của cơ thể, phòng và chữa được nhiều bệnh nan y về tim mạch. Đậu đen, vừng đen, nếp cẩm đen, táo tầu đen cũng đều là những thức ăn bồi dưỡng rất có lợi cho người cao tuổi.

Vận động vừa sức: Đi bộ là phương pháp tập huyện sức khỏe tốt nhất đối với mọi lứa tuổi, đặc biệt đối với người cao tuổi. Khoa học đã tổng kết, đi bộ là cách tập luyện làm cho động mạch từ "cứng" biến thành "mềm", đồng thời làm giảm lượng mỡ và các cặn bã trong máu. Các môn thể thao có thể gây nguy hiểm nếu vận động quá sức nhưng đi bộ chỉ tăng tải từ từ nên dễ điều chỉnh.

Đi bộ thế nào là tốt nhất? Mỗi lần nên đi bộ trên 3km, thời gian tập trên 30 phút. Mỗi tuần đi bộ ít nhất 5 lần. Sau khi đi bộ đo nhịp tim cộng với số tuổi bằng con số 170. Lấy thí dụ, tôi 60 tuổi, vậy thích hợp nhất với tôi là sau khi tập, nhịp tim của tôi đếm được 110 lần/phút là vừa. 

Nếu tim đập nhanh trên 110 lần/phút là tập quá sức. Ngược lại, nếu tim đập dưới 110 lần/phút coi như chưa đủ liều lượng, nên tăng thêm thời gian hoặc khoảng cách, hoặc đi với tốc độ nhanh hơn. Mỗi người nên căn giảm liều lượng tập mới đạt hiệu quả cao nhất.

Tóm lại, vận động cơ thể thay thế được thuốc nhưng thuốc không thể thay thế được vận động và cách vận động lý tưởng nhất là đi bộ. Nếu người cao tuổi kiên trì tập đi bộ hàng ngày trung bình 4 - 4,5km thì có thể giảm được 60% bệnh nhồi máu cơ tim và tỷ lệ tử vong do tai biến mạch máu não.

Cân bằng tâm trạng: Tâm trạng ảnh hưởng rất nhiều đến việc phát sinh, phát triển các bệnh tim mạch. Bình thường từ trên 40 tuổi, động mạch dần dần co hẹp lại mỗi năm chừng 1-2%. Nhưng nếu nóng nảy hay tức giận thì có thể chỉ trong vài phút mạch máu bị thu hẹp lại hoàn toàn dẫn đến tắc mạch máu và tử vong. Nhiều người đột tử chỉ vì có những mâu thuẫn gay gắt trong cuộc sống đời thường giữa vợ chồng, cha con, hàng xóm, cấp trên với cấp dưới… mà không biết cách xử lý thích đáng.

Không phải chỉ có nhà to, tiền nhiều mới hạnh phúc. Hạnh phúc bao gồm nhiều mặt như có sức khỏe tốt, có con cháu biết đối xử hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, có tình thương yêu nồng nàn của vợ chồng, có tình cảm thân mật, giúp đỡ tận tình của bạn bè, đồng nghiệp. 

Mỗi người, mỗi nhà đều có hoàn cảnh riêng. Vui buồn, ly hợp, may mắn, rủi ro, sướng khổ đều là nhất thời và không bao giờ cố định. Nếu chúng ta biết quên đi quá khứ một cách thanh thản, biết chấp nhận thực tại đối với mọi người, mọi việc và sống lương thiện, nhìn tương lai bằng con mắt lạc quan, biết kiềm chế dục vọng, sự nóng giận, biết sống thoải mái, cởi mở, rộng lượng và luôn tìm cái vui trong sự giúp đỡ người khác thì hạnh phúc luôn ở bên ta.

Kết thúc bài nói chuyện, BS. Hồng Chiêu Quang khẳng định 4 điều "nhất" sau đây:

- Bác sĩ tốt nhất là chính mình.

- Thuốc tốt nhất là thời gian (vì nếu bệnh được phát hiện càng sớm thì khả năng được chữa khỏi càng lớn, càng nhanh, càng ít tốn kém và không sợ các "tai biến" bất ngờ).

- Điều kiện tốt nhất cho sức khỏe là tâm trạng yên tĩnh.

- Vận động tốt nhất là đi bộ.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên