Xe chạy xăng được cho là góp phần gây biến đổi khí hậu. Trong ảnh: hàng dài xe tải chờ ở cảng Long Beach, California - Ảnh: Los Angeles Times
California (Mỹ) là tiểu bang có lịch sử ủng hộ mạnh mẽ các vấn đề môi trường. Tiểu bang này đã đưa lượng phát thải của toàn nền kinh tế về mức phát thải của năm 1990 mà không gây ra sự xáo động nào với người dân vào năm 2016 và đang muốn tăng tốc hơn nữa.
Mục tiêu tiếp theo của California là rất tham vọng: giảm 40% ô nhiễm khí hậu vào năm 2030 và sử dụng 100% điện tái tạo vào năm 2045.
Thúc đẩy cuộc chiến với biến đổi khí hậu, đẩy cao giá carbon sẽ tạo ra những xung đột chính trị với sự nghiệp của Thống đốc Newsom.
Chris Busch, giám đốc phụ trách nghiên cứu của Tập đoàn Energy Innovation LLC ở San Francisco
Cấm bán xe chạy động cơ xăng
Để đạt được mục tiêu này, California xác định các chính sách quan trọng là giảm phát thải của các nhà máy điện và tăng cung cấp điện từ điện mặt trời, điện gió cho hệ thống vào năm 2030 ở mức 60%. Theo đó, tiểu bang cần gấp đôi lượng điện mặt trời và gấp ba lượng điện gió so với hiện nay.
Nhà chức trách cũng trông mong hàng triệu người dân California sẽ từ bỏ xe cá nhân và xe tải chạy xăng, dầu hiện nay sang xe điện, không dùng bếp gas mà chuyển sang bếp hồng ngoại hay bếp từ.
Trên lộ trình đến mục tiêu này, Thống đốc California Gavin Newsom ngày 23-9 thông báo sẽ cấm bán xe khách, xe tải chạy động cơ xăng từ năm 2035 đồng thời chuyển mạnh mẽ sang sử dụng xe điện.
Theo báo Los Angeles Times, California cần phải hành động nhanh trong bối cảnh tình trạng cháy rừng hằng năm ở tiểu bang này có xu hướng xấu đi, đồng thời các đợt sóng nhiệt ngày càng cực đoan.
Tuy nhiên, muốn tăng tốc trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, câu hỏi là tiền đâu và làm thế nào.
Chris Rufer - nhà sáng lập của Công ty The Morning Star ở Woodland, một trong những nhà máy chế biến cà chua lớn nhất thế giới - phải trả thêm 2 triệu USD/năm để mua chứng chỉ phát thải carbon, nhằm cân bằng lại với phát thải do các nhà máy của công ty tạo ra. Nếu California tiếp tục tăng giá chứng chỉ carbon, mà cuối cùng là làm cho chi phí sản xuất cao hơn và người mua phải trả cho chi phí này, có thể công ty sẽ phải giảm sản xuất.
Hiện tại mỗi người lái xe ở California đã phải trả thêm 30 xu cho mỗi gallon xăng (khoảng 3,7 lít) và trả thêm trung bình khoảng 50% cho mỗi kWh điện, để cùng tiểu bang đạt mục tiêu hạn chế phát thải ô nhiễm.
Bài toán chi phí
Theo một cuộc khảo sát vào tháng 7-2020 của Viện Chính sách công California, người dân California rất nhiệt tình ủng hộ các sáng kiến về khí hậu của tiểu bang, với hơn 3/4 muốn chính quyền đóng vai trò lãnh đạo trên thế giới trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, khi bàn đến vấn đề trả tiền thêm để California trở thành tiểu bang xanh hơn, diễn biến lại khác. Cụ thể, chỉ khoảng 50% đồng ý trả thêm tiền điện.
Steve Maviglio, một nhà tư vấn chính trị của Đảng Dân chủ, nhận định: "Kết quả khảo sát như nói rằng người dân California muốn một bữa ăn miễn phí, nhưng làm gì có bữa ăn miễn phí khi nói về biến đổi khí hậu. Đó là một vấn đề rất tốn kém để giải quyết và trong nền kinh tế này, tôi không cho rằng mọi người sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn".
Chi phí tăng chính là thách thức mà Thống đốc Newsom phải đối diện khi muốn tăng tốc đối phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh các trận cháy rừng lớn kỷ lục của thời hiện đại hoành hành ở tiểu bang này trong năm nay, dịch bệnh COVID-19 tàn phá nền kinh tế và tỉ lệ thất nghiệp gia tăng...
Một số ý kiến cho rằng cần có sự cân bằng giữa các hành động bảo vệ khí hậu với khôi phục nền kinh tế. Vào giữa tháng 8-2020, tiểu bang có 2 đêm bị mất điện ngay đúng lúc sóng nhiệt. Mặc dù công ty vận hành điện lưới cho rằng đây là lỗi lên kế hoạch, nhưng tỉ trọng điện tái tạo nhiều - hiện chiếm 34% trong điện lưới - được cho là góp phần vào sự cố này do về đêm lượng điện mặt trời ít đi.
Mục tiêu 100% điện tái tạo vào năm 2045 của California nghe thật thú vị, nhưng họ cần đảm bảo để điện lưới an toàn và ổn định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận