Dự án được triển khai trong 4 năm (2014 - 2018) với kinh phí gần 1,4 triệu AUD vốn ODA (tương đương 28,5 tỉ đồng), được tài trợ thông qua Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR). Vốn đối ứng phía Việt Nam là 2,8 tỉ đồng.
Dự án nhằm đánh giá động thái thị trường và người tiêu dùng cũng như cơ hội tại địa phương, tại tỉnh, quốc gia và trong khu vực; giúp hoàn thiện các kế hoạch Chính phủ đề ra, điều phối hoạt động phát triển cây ăn quả ôn đới tại các tỉnh khu vực Tây Bắc; khắc phục các trở ngại hiện đang kìm hãm sự phát triển của ngành sản xuất quả ôn đới và bán ôn đới ở Tây Bắc Việt Nam để áp dụng giống và kỹ thuật cải tiến; phát triển các mô hình thị trường dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng nhằm gắn kết với các thị trường có khả năng tạo ra lợi nhuận tốt hơn.
Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, Tây Bắc là khu vực nghèo nhất Việt Nam, trong đó tỷ lệ nghèo của Lai Châu xếp thứ nhất, tỉnh Sơn La xếp thứ ba và tỉnh Lào Cai xếp thứ 4 trên cả nước. Hiện tại, khoảng 40 - 60% dân số tại các tỉnh trên đang sinh sống dưới mức chuẩn nghèo.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới năm 2012, tỷ lệ này vượt quá xa tỷ lệ nghèo của quốc gia là 11%. Trong những năm qua, vùng cao Tây Bắc đã nhận được nhiều đầu tư của Nhà nước, cũng như các viện trợ nước ngoài nhằm cải thiện kinh tế và đời sống nhân dân trong khu vực.
Với lợi thế và điều kiện tự nhiên của khu vực, Bộ NN&PTNT cũng như chính quyền địa phương tại các tỉnh đồng nhất quan điểm rằng phát triển cây ăn quả ôn đới là một trong những hướng đi giúp nông dân các dân tộc vùng cao Tây Bắc xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, phát triển cây ăn quả ôn đới và bán ôn đới tại khu vực đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của Nhà nước, chính quyền các cấp từ Trung ương tới địa phương, mà còn cần có sự phối hợp chặt chẽ của người sản xuất và khối tư nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận