15/12/2015 11:00 GMT+7

Cái nôi của cầu lông Thái Lan

HUY ĐĂNG (Từ Bangkok)
HUY ĐĂNG (Từ Bangkok)

TT - Một học viện cầu lông ra đời chỉ với mục đích đào tạo VĐV cho các CLB, các tỉnh thành và đội tuyển quốc gia. Đó là một trong những nguyên nhân giúp cầu lông Thái Lan phát triển mạnh trong những năm gần đây.

Các học viên của Học viện cầu lông SCG trong phòng tập thể hình với trang thiết bị hiện đại - Ảnh: H.Đ.
Các học viên của Học viện cầu lông SCG trong phòng tập thể hình với trang thiết bị hiện đại - Ảnh: H.Đ.

Cho đến thời điểm này, cầu lông Thái Lan đã có bốn tay vợt giành được suất thi đấu ở Olympic 2016, một thành tích rất đáng nể. Cả bốn tay vợt này gồm Boonsak Ponsana (hạng 29 thế giới nam), Ratchanok Intanon (hạng 7 thế giới nữ) và đôi nữ Kitiharakul - Prajongjai (hạng 23 thế giới) đều xuất thân từ lò đào tạo trẻ do Tập đoàn SCG (Thái Lan) thành lập và đang ngày càng có quy mô giống như một đội tuyển quốc gia thu nhỏ.

Ra đời từ năm 2007, học viện này nằm ở thủ đô Bangkok và liên tục phát triển trong thời gian qua. Và cách đây vài tháng, nơi đây thành lập cơ sở mới với tổng trị giá 240 triệu baht (khoảng 150 tỉ đồng). Học viện mới có trang bị hiện đại với những phòng tập thể lực, phòng tắm nóng - lạnh có giá cả triệu USD. Cơ ngơi này hiện phục vụ cho 40 tay vợt trẻ của Thái Lan, phần đông đều là những người đứng đầu ở mọi lứa tuổi trẻ của cầu lông Thái. Các tay vợt này được chăm lo đầy đủ mọi mặt từ việc ăn ngủ cho đến học hành. Nơi học tập của họ là hai ngôi trường trung học nổi tiếng bậc nhất ở Thái Lan: Wat Suthiwararam (nam) và Si Suriyothai (nữ).

Ông Napapat Prapaitrakul, người quản lý của học viện, cho biết: “Chúng tôi không phải là một CLB, cũng không phải là trung tâm huấn luyện quốc gia. Chúng tôi chỉ tuyển học viên bằng cách lựa chọn những tay vợt trẻ xuất sắc hàng đầu, mời họ đến đây và trải qua một giai đoạn đào tạo đến độ tuổi 20. Sau đó họ có thể thi đấu cho bất kỳ nơi đâu”.

Cụ thể, hằng năm các tuyển trạch viên của học viện đến các giải cầu lông trẻ trên khắp Thái Lan, gặp gỡ và đưa ra lời mời gia nhập học viện. Càng về sau, số lượng người đồng ý càng tăng dần và nơi đây gần như trở thành nơi tập hợp của các tay vợt trẻ hàng đầu Thái Lan. Bắt đầu từ lứa tuổi 10-12, các tay vợt này thường “tốt nghiệp” vào khoảng tuổi 20 và nhanh chóng được các CLB hoặc những đơn vị tỉnh thành ở Thái Lan chào mời.

Ông Prapaitrakul cho biết học viện không hề thu bất kỳ lợi nhuận nào trong việc “cung cấp” tài năng này. Thay vào đó, điều mà tập đoàn này mong muốn là phát triển thương hiệu và tất nhiên họ vẫn là nhà tài trợ chính cho các tay vợt này sau đó.

Ông Prapaitrakul cho biết mỗi năm kinh phí vận hành của học viện vào khoảng 30 triệu baht (khoảng 19 tỉ đồng). Với con số này, kể từ năm 2007, tập đoàn công nghiệp này đã tiêu tốn khoảng 300 tỉ đồng cho học viện cầu lông của mình.

Đổi lại cho sự đầu tư mạnh mẽ đó là các lợi ích vô hình từ việc phát triển thương hiệu, còn làng cầu lông Thái Lan thì có được một nhà tài trợ hùng mạnh.

Câu chuyện về sự đầu tư của doanh nghiệp dành cho cầu lông không phải là độc nhất ở Thái Lan. Nhiều môn thể thao khác của Thái Lan cũng nhận được sự “đỡ đầu” tương tự từ các tập đoàn lớn ở Thái. Điển hình như Tập đoàn dầu khí PTT ở môn bóng đá, Tập đoàn điện lực PEA ở môn bóng chuyền...

Hình thức xã hội hóa này có lẽ là một trong những lý do giúp thể thao Thái Lan ngày càng hùng mạnh.

HUY ĐĂNG (Từ Bangkok)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên