03/05/2013 06:23 GMT+7

Cái khó bó cái khôn

QUỲNH KHÔI
QUỲNH KHÔI

TT - Đã có ít nhất ba doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ Trung Quốc, Hong Kong, Nhật bắt đầu triển khai các dự án dệt nhuộm sau một thời gian tìm hiểu môi trường đầu tư tại VN từ năm 2012 nhằm đón đầu lợi ích mang lại từ Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Một cán bộ có thẩm quyền của Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) cho biết nhiều doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Đài Loan cũng đang lên kế hoạch đầu tư, dù có nơi vẫn chỉ dừng lại ở mức độ “đang khảo sát” hoặc trong quá trình đàm phán hợp đồng. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho nguồn đầu tư nguyên liệu, khi các dự án dệt nhuộm luôn nằm trong hạng mục được ưu tiên và khuyến khích đầu tư, nhưng rất ít có doanh nghiệp trong nước dám lao vào, bởi quy mô và số vốn đầu tư muốn có để đổ vào đây phải tính từ con số hàng chục triệu USD trở lên.

Nhưng vui đó, rồi cũng... buồn đó, khi các dự án dệt nhuộm, hoặc thuộc da của ngành da giày, thường nằm trong danh sách bị từ chối hàng đầu ở các địa phương khi được đặt vấn đề mở dự án tại đây, vì lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường. “Đây là một thực tế không thể chối bỏ và nỗi lo ở các địa phương là hoàn toàn hợp lý. Đó cũng là lý do vì sao các dự án luôn triển khai rất chậm, kéo dài nhiều năm cũng vì không tìm được đất xây nhà máy” - vị cán bộ của Vinatex thừa nhận.

Thật ra hầu hết dự án trong các lĩnh vực có yếu tố “nhạy cảm” với môi trường đều có quy chuẩn, tiêu chuẩn khắt khe của Bộ Tài nguyên - môi trường quy định cho các hạng mục xử lý nước thải và nhiều quy định khác bảo đảm tiêu chuẩn an toàn môi trường. Địa phương thì sợ doanh nghiệp chỉ hứa mà không thực hiện cam kết sau khi dự án đi vào vận hành. Và thực tế cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp chỉ bảo đảm dự án trong trẻo ngon lành ở thời gian đầu, sau đó thì kiểu gì cũng vi phạm, gây ảnh hưởng đến các vùng dân cư lân cận.

Theo một số doanh nghiệp, khó khăn nhất đối với doanh nghiệp dệt nhuộm hay thuộc da nằm ở chỗ tổ chức xử lý nước thải và bộ máy xử lý nước thải là chi phí đầu tư cực cao. “Nhưng nếu các doanh nghiệp được quy hoạch một cụm hoặc khu công nghiệp chuyên biệt thì chi phí xử lý môi trường sẽ được tập trung về một mối, nguồn lực không bị phân tán manh mún, chính quyền địa phương cũng dễ kiểm soát đầu ra của hệ thống thải” - vị này chia sẻ.

Đề xuất trên tính ra cũng không còn mới mẻ gì, đặc biệt đối với các doanh nghiệp dệt nhuộm, da giày ở khu vực phía Nam, khi hàng chục năm qua kiến nghị này vẫn có câu trả lời từ cơ quan chức năng bởi quỹ đất không có và cũng không có tỉnh thành nào... mặn mà cho “đơn đặt hàng” kiểu này. Đây sẽ là một trở ngại rất lớn khi mấu chốt của TPP nằm ở chỗ nếu nguyên liệu đầu vào được sản xuất ở VN thì thuế suất xuất khẩu vào các nước thành viên của TPP mới được hưởng ở mức thấp nhất 0% so với tỉ lệ hiện tại đang từ một đến hai con số phần trăm trở lên.

Cơ hội sẽ lại bị bỏ qua hay đã đến lúc cần có một chính sách quyết liệt hơn để tạo lập một khu, cụm công nghiệp đặc thù sản xuất như doanh nghiệp mong muốn để tăng năng lực cạnh tranh, xem ra đã không thể dừng lại ở cấp độ kiến nghị nữa. Nếu không, viễn cảnh sử dụng hơn 6,8 tỉ m2 vải hằng năm để sản xuất hàng may mặc, nhưng ngành sản xuất vải trong nước chỉ được 15-20% nhu cầu sẽ vẫn tiếp tục kéo dài.

QUỲNH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên