28/01/2011 05:20 GMT+7

Cái giá của quyền được biết

TRẦN PHƯƠNG (Theo New York Times)
TRẦN PHƯƠNG (Theo New York Times)

TT - Có được một đạo luật, như Luật quyền được thông tin, đã là một bước tiến lớn của xã hội Ấn Độ, nhưng thực thi luật còn là một tiến trình cực kỳ gian khổ, có khi phải trả bằng máu của nhiều người dân khi nó đụng đến những đại gia, những chính khách tham nhũng và đầy quyền lực.

M1tDqSwF.jpgPhóng to

Một cuộc diễu hành phản đối tham nhũng của nông dân tại Gauhati, Ấn Độ ngày 10-1 - Ảnh: AP

Luật quyền được thông tin tại Ấn Độ, khi được đưa ra vào năm 2005 nhằm cải thiện tính minh bạch, đã gây chú ý trong dư luận. Nó cho phép người dân được quyền yêu cầu bất cứ thông tin nào từ phía chính phủ.

Năm năm

Luật này đã được người dân sử dụng như công cụ chống tham nhũng và giải quyết được vô số vấn đề xã hội. Nhờ nó họ có thể dễ dàng nhận được lương thực trợ cấp cho người nghèo hoặc trợ cấp chính phủ mà không bị ăn chặn hay không cần phải bôi trơn bằng hối lộ mới có được. Thậm chí những công chức lười nhác nghỉ việc cũng có thể gặp rắc rối nếu người dân yêu cầu cung cấp thông tin về sự chuyên cần của họ.

Đạo luật cũng kèm theo những điều khoản phạt nặng đối với những quan chức cố tình ém nhẹm thông tin hoặc chậm trễ thực hiện đòi hỏi của dân. “Trước đây luôn có suy nghĩ rằng những người làm việc trong chính phủ là những người cai trị, còn người dân là những kẻ bị cai trị. Đạo luật này khiến người dân thấy rằng chính phủ cũng có trách nhiệm với họ” - Wajahat Habibullah, ủy viên thông tin trung ương chính phủ, nhìn nhận.

Năm năm qua, hàng triệu yêu cầu dựa trên Luật quyền được thông tin đã được thực hiện trên toàn quốc. Tại bang Bihar, có hơn 100.000 yêu cầu thông tin từ người dân trong năm 2010, gấp 20 lần so với thời gian đầu thực thi luật. Các yêu cầu chủ yếu tập trung vào thông tin hoạt động của chính quyền cấp địa phương và các bộ trong chính phủ. Báo cáo khảo sát của chính phủ về quá trình thực hiện đạo luật này cũng dẫn ra nhiều câu chuyện chống tiêu cực thành công ở cấp cơ sở.

Chẳng hạn tại bang Chhattisgarh, người ta phát hiện nhiều sai phạm trong cung ứng dược phẩm, như việc nhiều công ty lợi dụng việc cung ứng để tuồn hàng xa xỉ và bán dược phẩm với giá đắt hơn nhiều so với các đơn vị bán lẻ. Hay Hiệp hội Người nghỉ hưu ngành đường sắt của Công ty Western Railway cũng đòi được khoản lương hưu bị hứa ảo. “Đạo luật là công cụ giúp người dân thực hiện minh bạch và trách nhiệm ở tất cả các cấp chính phủ”, báo cáo kết luận.

“Một nửa minh bạch”

Tuy nhiên, người dân vẫn chưa hài lòng về “một nửa minh bạch” và yêu cầu được thông tin sâu hơn về những khuất tất có dấu hiệu tham nhũng đang ẩn nấp ở cấp cao hơn trong chính quyền. Và họ đã phải trả giá, và trả giá rất đắt. Hàng chục người đã bị sát hại một cách mờ ám, vô số người bị đánh đập, quấy rối liên quan đến đạo luật quyền được thông tin trong năm năm qua. Riêng năm 2010, có ít nhất 10 người bị sát hại.

Điển hình là cái chết của nhà hoạt động Amit Jethwa, 38 tuổi. Anh là một trong những nhân vật gây xôn xao vài tháng qua tại Ấn Độ. Jethwa bị bắn chết ngay khi vừa rời văn phòng luật sư ở bang Gujarat, sau khi thảo luận về vụ kiện chống lại việc khai thác đá vôi gần công viên quốc gia Gir hồi tháng 7-2010. Gir, rộng gần 1.500km2, được bao phủ bởi rừng rậm và một số loài động vật quý hiếm. Dù luật Ấn Độ không cho phép khai thác khoáng sản trong rừng và khu vực 5km2 xung quanh, nhưng các khu mỏ vẫn ngang nhiên xẻ sâu vào công viên Gir, không chỉ gây thiệt hại tự nhiên mà còn đe dọa nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu của người dân. “Với đà này chỉ trong vòng 10 năm toàn bộ khu rừng sẽ bị xóa sổ” - Balu Bhai Socha, đồng nghiệp của Jethwa, cho biết.

Jethwa đã nộp nhiều yêu cầu thông tin về những nhân vật liên quan đến vụ khai thác đá vôi, một nguồn nguyên liệu quan trọng đối với ngành sản xuất ximăng. Jethwa được biết có hơn 55 cơ sở khai thác trái phép xung quanh khu bảo tồn này. Và đứng đằng sau các hợp đồng thuê đất và báo cáo kiểm tra chính là Dinubhai Solanki, một nhân vật đầy quyền lực trong quốc hội thuộc Đảng Bharatiya Janata và cũng là lãnh đạo bang Gujarat. Jethwa sau đó đã thu thập đầy đủ chứng cứ về vụ việc nhưng trước khi kịp nộp đơn kiện lên tòa, anh đã bị ám sát.

Chưa dừng lại ở đó, dù giới nhân quyền cáo buộc còn nhiều nhân vật liên quan đến ông Solanki, việc điều tra hầu như không mấy tiến triển với việc chỉ một số cảnh sát bị bắt giữ, theo India Express. “Thông điệp rõ ràng là nếu anh cố dùng quyền được biết của mình để chống lại một nhân vật chính trị thì dù anh có bị giết họ cũng vẫn tự do. Không thể chấn chỉnh lại hệ thống nơi mà mọi người đều nhận tiền hối lộ”, nhà nhân quyền Anand Yagnik nhận xét.

Danh sách thực tế có thể còn dài hơn. Hầu hết những cái chết này đều có liên quan đến yêu cầu thông tin về các cáo buộc tham nhũng và cấu kết giữa các quan chức và doanh nghiệp lớn. “Giờ thì những nhân vật quyền lực đã giật mình nhận ra sức mạnh của đạo luật và đáp trả. Họ sẽ làm bất cứ điều gì để che giấu thông tin. Tình hình đang trở nên rất nguy hiểm” - Amitabh Thakur, người đang viết sách về các vụ án mạng trên, cho biết. Nhưng ông cũng tin rằng cuối cùng sự minh bạch sẽ đến và công lý sẽ thắng..

TRẦN PHƯƠNG (Theo New York Times)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên