16/01/2007 05:12 GMT+7

Cái bàn của cô giáo

VĂN ĐỨC (Đồng Tháp)
VĂN ĐỨC (Đồng Tháp)

TT - Hầu hết bàn học của lớp con tôi đều không đúng qui cách. Bàn bị cao và xa so với ghế, mặt bàn thì cong vểnh lên như miếng ngói, hoặc chúi ngược về phía trước; chằng chịt vết nứt, vết khắc và nham nhở mực...

Trong các loại bàn thông dụng, bàn của HS là tệ hại nhất, ít được quan tâm nhất. Quanh năm ngồi học trên những cái bàn như vậy, hèn gì các bệnh trong học đường ngày càng tăng lên. Trong đó đáng kể nhất là bệnh cận thị và cong vẹo cột sống. Một phụ huynh đùa tếu cầm cả mặt bàn bị sứt nhấc lên và đề nghị cho hội được đóng góp để thay cả dãy bàn.

Cô giáo chủ nhiệm sau một thoáng bối rối đã trả lời - câu này chúng tôi đã được nghe nhiều lần từ những năm học trước: “Bàn ghế ở phòng học nào cũng vậy. Nếu lớp mình chơi nổi thay cả dãy bàn, lớp khác sẽ so bì đòi thay theo. Nhiều phụ huynh không có khả năng đóng góp, nhà trường lại không đủ kinh phí, sẽ có khiếu kiện lôi thôi...”.

Chuyện bàn ghế năm nào cũng bàn tới đó rồi thôi. Anh bạn tôi đã có kinh nghiệm, họp phụ huynh năm nào cũng đem theo búa và đinh để đóng lại mấy cái bàn. Nhưng tuổi học trò hiếu động, chỉ vài tháng là đâu vào đó...

Bài viết số 3 ở lớp con gái tôi, cô giáo lại cho đề: “Thuyết minh về cái bàn học ở lớp em”. Dàn bài được cô giáo gợi ý: “Cái bàn được đóng bằng gỗ tốt, mới tinh, thơm nức mùi sơn. Mặt bàn bóng mịn... Rất vừa vặn với em. Kết luận: Chiếc bàn học giúp em rất nhiều trong việc học tập, trở nên người bạn thân thiết. Em phải bảo quản chiếc bàn thật tốt...”.

Một HS giơ tay phát biểu: “Thưa cô! Cái bàn của em bị hư như vầy, mặt bàn đầy vết mực, đâu có đẹp như “cái bàn của cô”, làm sao tả được”. “Thì... các em phải biết tưởng tượng một chút, phải thi vị hóa cuộc sống mới thành văn chương”?! Theo lời cô giáo nói, nếu như 46 bài văn tả chân thực cái bàn của mình, sẽ là 46 lời khóc than đủ kiểu. Thôi thì cho các em tả chung một cái bàn đẹp cho dễ.

Chỉ mỗi việc tả cái bàn, HS đã phải khổ sở tưởng tượng trong mơ ước, đừng nói chi đến những phương tiện hỗ trợ học tập hiện đại như máy tính xách tay, đèn chiếu, hệ thống băng đĩa... Nếu như đổ lỗi cho đất nước còn nghèo, kinh phí dành cho giáo dục còn hạn hẹp thì bao giờ mới có được “cái bàn của cô” trong các trường học?

VĂN ĐỨC (Đồng Tháp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên