28/06/2017 15:45 GMT+7

​Cách sử dụng thuốc y học cổ truyền

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Lâm Đồng
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Lâm Đồng

Hiện nay, ngày càng nhiều người sử dụng thuốc y học cổ truyền bởi hiệu quả của nó trong việc chữa một số bệnh.

Tuy nhiên, cách sử dụng thuốc y học cổ truyền như: dùng phối hợp thuốc ra sao hay kiêng kỵ khi ăn uống như thế nào, chắc hẳn rất nhiều người thắc mắc.

Cách phân loại thuốc y học cổ truyền

Thuốc thượng phẩm: có khoảng 120 vị, là những vị thuốc có tác dụng bổ dưỡng và không độc: nhân sâm, hoàng kỳ, ba kích, cam thảo…

Thuốc trung phẩm: là thuốc vừa có tác dụng bổ, vừa có tác dụng chữa bệnh, trong đó có khoảng 120 vị, những thuốc này có thể có độc hoặc không độc: can khương, ma hoàng, xuyên quy, bạch thược…

Thuốc hạ phẩm: có khoảng 125 vị, những vị thuốc này khi dùng phải bào chế: phụ tử, bán hạ…

Phối hợp thuốc

Trên 1 bệnh nhân, cùng 1 lúc dùng kết hợp cả đông tây y tác dụng sẽ như thế nào? Có những thuốc mang tác dụng hỗ trợ. Ví dụ:

+ Sử dụng Bồ công anh với kháng sinh giúp tăng tác dụng kháng khuẩn.

+ Sử dụng Kim ngân hoa với kháng sinh giúp ức chế được các vi khuẩn đã bị lờn thuốc…

Khi phối hợp giữa đông tây y làm giảm bớt độc tính và tác dụng phụ của thuốc tây.

Ví dụ: Cam thảo, thương truật, hoàng tinh khi kết hợp từng vị với streptomycin thì làm giảm bớt được tác dụng phụ gây tổn thương dây thần kinh số VIII.

Nhưng không phải đồng nghĩa là chỉ có tác dụng hiệp đồng, ví dụ: sử dụng thuốc tân dược mà có sắt thì làm hạn chế tác dụng của thuốc đông dược…

Kiêng kỵ về ăn uống

Trong y học cổ truyền có nhiều loại thuốc cũng là thức ăn, nhưng cũng nhiều thức ăn lại dùng để làm thuốc. Cho nên cần kiêng kỵ một số loại thức ăn trong thời gian dùng thuốc để tránh những loại thức ăn chống lại tác dụng của thuốc.

Trong thời gian dùng thuốc không nên ăn thức ăn nhiều dầu mỡ vì nó dễ làm bệnh nhân nê trệ ảnh hưởng đến uống và hấp thu thuốc.

Nếu bệnh nhân thể tạng hàn thì không nên ăn các thức ăn sống lạnh.

Nếu bệnh nhân thể tạng nhiệt thì không ăn thức ăn cay nóng mà nên ăn thức ăn mát, nhiều loại rau quả để giúp thanh nhiệt.

Những bệnh nhân bị nhọt, lở loét không nên ăn thức ăn ngọt, nhiều đường.

Trong thời gian uống thuốc không nên ăn các chất tanh, các chất dễ dị ứng: cá biển, cua, tôm…

Cách sắc thuốc y học cổ truyền

Dụng cụ sắc thuốc: nồi đất, ấm đất tráng men có tác dụng dẫn nhiệt đều, tính chất hóa học ổn định, khó có phản ứng hóa học với thuốc, giữ độ nóng lâu.

Tuyệt đối không dùng ấm sắt, ấm đồng, ấm thiếc vì các kim loại này dễ phát sinh phản ứng hóa học với thuốc, nó làm giảm hoặc mất tác dụng thuốc hoặc làm thuốc có tác dụng khác hoặc có độc, không phù hợp với mục đích chữa bệnh.

Phải ngâm thuốc trước khi sắc để chiết được hết các hoạt chất: ngâm bằng nước ấm 25 - 30 độ, trong 30 - 60 phút.

Nước dùng sắc thuốc: nước giếng, suối, máy, mưa… nhưng phải là nước sạch, không ô nhiễm, không mùi (nước đã đun sôi nhiều lần như trong bình nước nóng, nước để lâu trong bình thủy thì không dùng để sắc thuốc).

Nước khi sắc thuốc (sau ngâm) thường phải ngập thuốc 2cm.

Độ lửa tùy theo tính chất và độ cứng chắc của thuốc nhưng thông thường khi thuốc chưa sôi thì lửa to (vũ hỏa), khi sôi rồi thì lửa nhỏ (văn hỏa).

Số lượng sắc không cố định mà tùy vào tác dụng của thuốc: các loại thuốc điều trị ngoại cảm, bệnh cấp tính 1 thang sắc 2 lần, các loại thuốc điều trị bệnh mạn tính, thuốc bổ sắc ít nhất 1 thang 3 lần.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Lâm Đồng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên