13/10/2020 09:12 GMT+7

Cách nào để thành tỉ phú nông dân?

SƠN LÂM thực hiện
SƠN LÂM thực hiện

TTO - Nông dân Võ Quan Huy - sáng lập Công ty TNHH Huy Long An, chủ nhiều trang trại trồng chuối, nuôi bò công nghệ cao - nói “nông nghiệp công nghệ chất lượng cao đơn giản là việc thay đổi quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm tốt hơn.

Cách nào để thành tỉ phú nông dân? - Ảnh 1.

Vườn chuối công nghệ chất lượng cao - Ảnh: MỸ HẠNH

Ông Huy nêu ví dụ: Ở miền núi, nông dân bắt đầu ghi lại quá trình chăm sóc cây, công khai minh bạch quá trình này để các cây đảm bảo chất lượng hữu cơ xuyên suốt cũng đã là một sự thay đổi về "công nghệ". 

Trong khi đó, những người có điều kiện hơn thì có thể số hóa, sử dụng các phần mềm theo dõi, ứng dụng các chương trình công nghệ chăm sóc, tưới tiêu... 

Tóm lại, khi chúng ta đầu tư cải thiện để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp lên thì cũng có nghĩa là chúng ta đã tham gia một chương trình nông nghiệp chất lượng cao.

“Nếu các địa phương mạnh dạn hơn, linh hoạt hơn để tạo thuận lợi cho những mô hình mới mẻ, những nhà đầu tư nhiệt huyết dám cùng nông dân xây dựng nên nền nông nghiệp lớn thì việc phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao nói chung của Việt Nam sẽ nhanh chóng lan rộng.

Ông VÕ QUAN HUY

* Ông tham gia chương trình công nghệ cao từ lâu và khá thành công, có phải vì ông sớm nhận ra đây là con đường mà nền nông nghiệp sẽ phải hướng đến để phát triển bền vững?

- Như tôi nói ở trên, đây là một sự cải thiện. Mà mọi vấn đề trên thế giới muốn phát triển tốt hơn đều phải được cải thiện. Tôi không cần phải "nhận diện" gì cả, ví dụ như chuyện về nguồn gốc sản phẩm hiện nay, tất cả đều phải trích xuất nguồn gốc, mã tem, truy theo số hóa hết rồi. 

Sản phẩm của mình nếu không có những thứ này thì không thể được chấp nhận, mình tham gia cuộc chơi thì bắt buộc mình phải làm như vậy. Do đó, nền nông nghiệp sớm muộn gì cũng phải tiến theo hướng "công nghệ chất lượng cao".

* Người ta vẫn gọi ông là một "tỉ phú nông dân", hiện nay cơ hội để thành tỉ phú nông dân có dễ dàng không, thưa ông?

- Thực ra, nông nghiệp suy cho cùng là một ngành nghề sản xuất sản phẩm, và việc tạo ra sản phẩm nông nghiệp hiện nay ngày càng yêu cầu cao hơn với quá trình đầu tư. Muốn thành tỉ phú nông dân, trước mắt là phải có sự đầu tư lớn. Hiện nay, theo tôi, Chính phủ đã khuyến khích rất nhiều về phát triển nông nghiệp chất lượng cao, nhưng các địa phương cần linh hoạt hơn nữa để hiện thực hóa câu chuyện đầu tư vào nông nghiệp lớn.

Cách nào để thành tỉ phú nông dân? - Ảnh 3.

Nông dân Võ Quan Huy

* Ông có thể nói rõ hơn về việc linh hoạt này?

- Ví dụ như thế này, tôi vừa nói muốn thành tỉ phú nông dân cần đầu tư lớn, nhưng hiện nay đất sạch để phát triển nông nghiệp quy mô lớn còn rất ít. Trong khi đó, tôi nhận thấy nhiều nông trường cao su, mía... theo chủ trương khoán đất cho nông dân từ mấy chục năm trước nay bị bỏ hoang rất nhiều. 

Một mặt là việc các cây cao su, mía đang thoái trào, không còn lợi nhuận như trước. Nông dân được khoán đất chỉ để trồng một loại cây nhưng giờ không còn trồng loại cây đó được nữa, họ dần chết trên số đất nông trường được giao khoán. Những nhà đầu tư khác, như tôi chẳng hạn, muốn vào bắt tay với nông dân để chuyển đổi cây trồng. 

Địa phương dù khuyến khích và thấy việc đầu tư này là tốt nhưng vẫn chưa mạnh dạn để thực hiện các thủ tục pháp lý, thu hồi đất giao cho các nhà đầu tư, trong khi người dân khi được hợp tác với các nhà đầu tư mới và nhận thấy cơ hội làm ăn thì rất hứng khởi.

* Nói rộng hơn về việc phát triển nông nghiệp chất lượng cao, ông đang có những hướng đi gì trong tương lai?

- Trước hết là phải thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy trình, tiêu chuẩn nào. Nhưng thường người dân khó đủ vốn để có thể sản xuất lớn, chưa kể họ còn nhiều hạn chế về tri thức để có thể đảm bảo được một quá trình sản xuất đúng tiêu chuẩn xanh, sạch cho thị trường. Đó là lý do tôi đã nghĩ ra mô hình cùng hợp tác với nông dân sản xuất chuối trên diện rộng mà tôi đang triển khai ở các tỉnh Long An, Tây Ninh... 

Nông dân hợp tác với chúng tôi có đất đai, có lao động. Tôi có kỹ thuật, có quy trình. Phương thức hợp tác là tôi và họ sẽ cùng ký hợp đồng, chốt một mức giá chuối nguyên năm. Cốt lõi của mô hình là nhà bao tiêu và nông dân cùng sản xuất, thay vì trước đây doanh nghiệp chỉ giao cho nông dân sản xuất để rồi đến khi có sản phẩm lại hay xảy ra xung đột, doanh nghiệp bỏ chạy...

* Nhiều sản phẩm nông nghiệp vẫn đang loay hoay với vấn đề đầu ra, ông thường giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Khi ta làm được nhiều mô hình sản xuất lớn, chất lượng, góp phần xây dựng thêm thương hiệu Việt Nam nói chung vững chắc trên thế giới rồi thì cũng chẳng sợ vấn đề cạnh tranh nữa. Đó là lý do tôi tin tưởng mô hình mình đang triển khai hoàn toàn có thể là kiểu mẫu để nâng cao chất lượng nền nông nghiệp Việt trong tương lai.

Đây cũng là một cách thức để tăng công việc cho nông thôn mà tôi nghĩ rất cần thiết trong bối cảnh COVID-19 khiến người lao động bị mất việc nhiều như hiện nay. Hiện như vườn chuối của tôi cần khoảng 1,5 người để làm 1ha. 200ha đất cần đến khoảng 300 lao động.

Cách nào để thành tỉ phú nông dân? - Ảnh 4.

Đóng gói gạo ST25 tại Sóc Trăng, đây là thương hiệu gạo vừa đoạt giải “ngon nhất thế giới” - Ảnh: CHÍ QUỐC

Anh hùng lao động HỒ QUANG CUA:

Có hạt gạo ngon, phải đầu tư dài hơi

Anh hùng lao động Hồ Quang Cua chia sẻ: Bãi Xào (nay thuộc huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) nơi ông sinh ra trên trăm năm trước đã là vùng đất nổi tiếng gạo ngon. Từ khi tốt nghiệp đại học và trên bước đường công tác, ông đều tìm hiểu nơi các lão nông, điền chủ, cũng như các thương gia mễ cốc tại địa phương.

Thậm chí tìm hiểu thêm về lúa thơm của nước bạn như Thái Lan, Campuchia, thương lái ở các chợ đầu mối... để dần biết được tính tương quan giữa các chỉ số hóa sinh của hạt gạo với độ ưa thích của người tiêu dùng, cũng như sự khác biệt phẩm chất của một giống với các thời vụ và vùng sinh thái gieo trồng.

Hai mươi năm (1980 - 2000) tìm hiểu thị trường, hứng thú về lúa thơm tăng lên rất nhiều trong ông. Vì vậy từ đầu thế kỷ 21, ông thành lập nhóm nghiên cứu lúa thơm, tạo điều kiện để tập hợp một tập thể cùng ý chí, kiên trì học tập, nâng cao trình độ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và sau đó gần hai thập kỷ nữa tạo nên kỳ tích cho Việt Nam và thế giới.

Trong nhóm này có anh Trần Tấn Phương, dành 10 năm sau đại học và nghiên cứu đã nhận được văn bằng tiến sĩ di truyền chọn giống được quốc tế biết đến.

"Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là do đặt mục tiêu cao: thơm cho ra thơm, ngon cho ra ngon. Do vậy, chúng tôi cần rất nhiều thời gian và công sức để vượt qua những thách đố mà nhiều nhà khoa học đã nêu: gạo có mùi thơm, mềm, ngon, lúa kháng bệnh đạo ôn, chống đổ ngã, chịu mặn và chu kỳ sinh trưởng ngắn.

Từ khi bắt đầu lai tạo cho đến khi được công nhận mất 10 năm. Thú thật, không dự án nhà nước nào chấp nhận thời gian đầu tư dài như vậy, và bản thân doanh nghiệp tự đầu tư thì nhiều phen đuối sức" - ông Cua chia sẻ.

hoquangcua

Anh hùng lao động HỒ QUANG CUA

* Ông nhận diện thế nào về những rào cản, cách làm ăn chụp giật, mạnh ai nấy làm, khiến gạo Việt chưa có chỗ đứng ổn định tại thị trường nước ngoài, thưa ông?

- Từ gần hai thập niên trước, Chính phủ Thái Lan đã biết đến các khiếu kiện của nước ngoài về gạo thơm của Thái bị pha trộn. Họ đã quy chuẩn độ thuần gạo phải đạt tối thiểu 92% và kiểm soát bằng máy phân tích ADN. Nhờ vậy, sau này giá trị hạt gạo thơm Khao Đak Mali của họ trên thế giới dần được phục hồi. Việt Nam ta hiện nay đã có đủ luật và quy định về quyền sở hữu trí tuệ, vấn đề là tổ chức thực hiện. Cần nhanh chóng hoàn tất việc xây dựng thương hiệu Việt Nam mới nâng tầm thực sự gạo thơm Việt Nam.

* Ông có đề xuất gì để phát triển nông nghiệp chất lượng cao nói chung và lúa thơm nói riêng?

- Bảo tồn phẩm chất ban đầu của các giống lúa đã đoạt giải là trách nhiệm thường xuyên của chúng tôi. Làm tham mưu và để xây dựng thương hiệu gạo thơm cho Việt Nam là ước vọng suốt đời. Ta đã có tiền đề tốt là giống, công việc xây dựng, quản lý các chuẩn mực và nếu được thực hiện tốt thì phần còn lại là công việc của thị trường.

KHẮC TÂM thực hiện

Chàng tỉ phú thạc sĩ nông dân Chàng tỉ phú thạc sĩ nông dân

TTO - Là thạc sĩ chuyên ngành hóa học song Phạm Thành Lộc lại say mê tìm tòi, ứng dụng sự phát triển của công nghệ sinh học để mang lại những giá trị cao hơn cho sản xuất nông nghiệp.

SƠN LÂM thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên